Cienco4 (C4G): Lợi nhuận kỷ lục trong quý II/2024, “của để dành” vẫn còn nhiều
Thứ bảy, 3-8-2024AsemconnectVietnam - Việc trúng thầu nhiều dự án trong năm 2023 đã mang tới kết quả tích cực cho Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã chứng khoán C4G - UPCoM) với mức lợi nhuận kỷ lục trong quý II/2024 và của để dành vẫn còn lớn.
Mảng xây lắp khởi sắc, lợi nhuận quý II/2024 đạt kỷ lục
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong quý II/2024, doanh thu thuần của Tập đoàn Cienco4 đạt 1.027,1 tỷ đồng, tăng 66,4% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu đến từ hợp đồng xây dựng tăng trưởng ấn tượng 88% so với cùng kỳ, lên 899 tỷ đồng, chiếm 88% doanh thu. Tiếp theo là doanh thu thu phí BOT với 94 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 19,2% lên 134,8 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Cienco4 giảm 41% xuống 22 tỷ đồng do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí lãi vay (giảm gần 40%), nên chi phí tài chính của Tập đoàn cũng giảm 33,8%, xuống 57,1 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng 11% lên 31 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024 của Công ty tăng 87,2% so với cùng kỳ, lên hơn 60 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất của Cienco4 kể từ khi đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.534,3 tỷ đồng, tăng 42,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 101,3 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ.
Năm nay, Cienco4 đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã thực hiện được 40% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Về quy mô tài sản, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Cienco4 đạt 9.668 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 575 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 15% lên 916 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đến từ các dự án như công trình Bến Thành Suối Tiên (154,5 tỷ đồng), công trình Phan Thiết - Dầu Giây (81,3 tỷ đồng), công trình cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất (51,5 tỷ đồng)…
Tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Cienco4 là hơn 5.823 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tỷ lệ tổng nợ/tổng tài sản của Cienco4 hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành như LGC, SCG, CII, HHV…
Dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn
Cienco4 là nhà thầu có thâm niên top đầu ngành xây dựng hạ tầng giao thông Việt Nam và đã ghi tên ở hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia, có thể kể đến như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Long Thành - Dầu Giây, các sân bay, nhà ga metro Bến Thành - Suối Tiên, hầm qua núi, hầm đô thị…
Cienco4 cũng sở hữu và làm chủ được hầu hết công nghệ thi công trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông đòi hỏi kỹ thuật thi công ở trình độ cao mà rất ít đơn vị thi công ở Việt Nam có thể thực hiện được. Với tên tuổi của mình, trong năm 2023, Cienco4 đã trúng thầu nhiều dự án lớn, tạo động lực tăng trưởng cho Tập đoàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán DSC, giá trị backlog của Cienco4 khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều gói thầu của các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành, các tuyến đường Vành đai các đô thị lớn. Đặc biệt, theo đánh giá của DSC, các gói thầu lớn ở sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ sớm được ghi nhận vào doanh thu do Cienco4 có khả năng thi công tốt, ít khi chậm tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, dự án hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng (vành đai 2.5 Hà Nội) tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, trong đó liên danh Cienco4 thi công gói thầu số 17 trị giá hơn 560 tỷ đồng cũng đang dần về đích, kỳ vọng sẽ mang tới doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho Tập đoàn trong thời gian tới.
Cùng với đó, mảng kinh doanh lõi là BOT đã có sự cải thiện khi từ cuối năm 2023, một số trạm thu phí BOT đã điều chỉnh tăng giá. Dự án BOT cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã chính thức được thông xe toàn tuyến từ 30/6/2024, cùng với các dự án BOT trước đó, sẽ mang lại khoản lợi nhuận bền vững cho Tập đoàn.
Theo DSC, tuyến đường này kỳ vọng sẽ thu hút từ 12.000 - 13.000 lượt khách mỗi ngày dựa trên cơ sở nối tiếp tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu. Trong bối cảnh kinh tế du lịch đang dần trở lại, DSC kỳ vọng mỗi năm BOT sẽ đem lại 58 - 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho Cienco4 ổn định trong 5 - 10 năm nữa.
Ngoài ra, đầu tháng 7 vừa qua, Dự án Cảng hàng không Quảng Trị do liên danh nhà đầu tư T&T - Cienco 4 thực hiện đã chính thức được khởi công xây dựng. Đây là cảng hàng không thứ 2 trên cả nước được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hình thức BOT (sau sân bay Vân Đồn).
Cảng hàng không Quảng Trị có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp 4C, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Với triển vọng kinh doanh sáng sủa như trên, cổ phiếu C4G được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
Năm tài chính 2024, lợi nhuận sau thuế của Coteccons (CTD) tăng 343%, đạt 299 tỷ đồng
AAV Group (AAV): Doanh thu quý II/2024 tăng trưởng 273%, nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cải thiện
Vietjet tăng trưởng doanh thu 15% trong 6 tháng đầu năm 2024
Doanh thu quý II/2024 của Viettel Global (VGI) tăng trưởng 27%
Lợi nhuận PVT Logistics (PDV) tăng mạnh nửa đầu năm 2024 khi giá cước tăng và mở rộng quy mô đội tàu
Lợi nhuận quý II/2024 sụt giảm, Cảng Đình Vũ (DVP) tiếp tục thận trọng với lợi nhuận quý III
“Chốt lãi” một số khoản đầu tư, Vietcap (VCI) báo lãi tăng gần 140% trong quý II/2024
Hoá chất Cơ bản Miền Nam (CSV) báo lãi quý II tăng 38% do tiêu thụ các sản phẩm chính tăng mạnh
Lãi trước thuế quý II/2024 của SSI đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tự doanh gom mạnh VPB
FPT khai trương văn phòng thứ hai tại Kuala Lumpur, Malaysia
Chứng khoán HSC báo lãi 6 tháng đầu năm 2024 tăng 110% so với cùng kỳ
ABF vinh danh PVcomBank là “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất” năm thứ ba liên tiếp
6 tháng đầu năm, Tổng công ty Xi Măng Việt Nam (VICEM) lỗ tới 863 tỷ đồng
CC1 được vinh danh Top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả trong năm 2024
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tháng 6 ...
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,85 triệu tấn, trị giá gần 1,22 tỷ ...Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu ...
Infographic: Xuất khẩu cà phê Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024