Thứ bảy, 27-7-2024 - 18:54 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 24/7: Giá cà phê đồng loạt tăng 

 Thứ tư, 24-7-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 23/7 giá cà phê, giá ngô tăng, trong khi giá lúa mì, giá đậu tương, giá đường giảm, giá tiêu ổn định, giá cao su trái chiều.

Cà phê đồng loạt tăng mạnh
Trong đó, giá Robusta trên sàn London giao tháng 9/2024 tăng tới 51 USD; lên mức 4.581 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 11/2024 tăng 52 USD; ở ngưỡng 4.407 USD/tấn.
Còn trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 9/2024 tăng mạnh 4,85 cent; chạm mức 243,05cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng 4,6 cent; ở mức 241,30 cent/lb.
Theo chuyên gia, giá Arabica tăng do vị thế kinh doanh. Tuần trước, các quỹ và đầu cơ bán mạnh, nay mua vào. Bên cạnh đó, một số tổ chức dự báo cà phê đang thu hoạch của Brazil có thể giảm sản lượng so với tính toán trước đó.
Safras & Mercado đã cắt giảm ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil xuống còn 66 triệu bao, so với ước tính trước đó là 70,4 triệu bao, với lý do nhiệt độ trên mức trung bình và hạn hán đã làm giảm sản lượng cà phê.
Trong đợt dự báo mới nhất về vụ mùa 2024/25 của Brazil, Rabobank đã đưa ra báo cáo sửa đổi mức với sản lượng cà phê có thể chỉ đạt 67,10 triệu bao, thấp hơn khoảng 3,87% so với ước tính trước đó của chính họ.
Dự trữ Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York được cho tăng 9.021 bao vào ngày cuối tuần trước, ghi nhận lượng tồn kho này ở mức 818.230 bao.
Đối với Robusta, đà tăng còn ảnh hưởng từ địa chính trị bất ổn vùng Biển đỏ, gây ách tắc, chậm trễ sự vận chuyển cà phê có nguồn gốc từ Á sang Âu. Những quy định chống phá rừng của châu Âu sẽ cản trở đối với các loại hàng nông sản, trong đó có cà phê.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,14 US cent hay 0,8% xuống 18,16 US cent/lb, trước đó giá đã xuống 18,08 US cent/lb thấp nhất trong 7 tuần.
Các đại lý ghi nhận một số giao dịch mua thương mại khi thị trường giảm và mối quan tâm nhập khẩu của Trung Quốc tăng khi giá có vẻ hấp dẫn.
Sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2024/25 được điều chỉnh giảm 300.000 tấn do tỷ lệ mía để sản xuất đường thấp hơn dự kiến và chất lượng mía kém.
Tuy nhiên, ngược lại triển vọng mùa vụ được cải thiện ở Bắc bán cầu trong bối cảnh mùa mưa thuận lợi khiến một số nhà phân tích nâng dự báo sản lượng niên vụ 2024/25 sắp tới.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 1,4% xuống 525,7 USD/tấn.
Tiêu ổn định
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 7.191 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.125 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 7.500 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 9.157 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 8.800 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam đồng loạt giữ giá ở mốc cao giao dịch ở 6.000 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 8.800 USD/tấn .Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) giữ nguyên giá tiêu tại Brazil, Việt Nam Indonesia.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, hạt tiêu là mặt hàng duy nhất có mức tăng trưởng 3 con số về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản.
Hạt tiêu có mức tăng về giá lên 55% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 3.686 USD/tấn lên 5.727 USD/tấn. Về sản lượng, đạt 10.796 tấn, tăng 53% so với cùng năm trước. Kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu tháng 7 đạt 61 triệu USD, tăng tới 137% so với năm ngoái.
Indonesia dự kiến thu hoạch hạt tiêu vào tháng 7 với sản lượng tốt ở hầu hết vùng trồng trọng điểm. Những cơn mưa rải rác trong giai đoạn phát triển có lợi cho việc hình thành trái tiêu. Mặc dù ước tính sản lượng tốt, nhưng có thể không ảnh hưởng nhiều đến giá vì các nhà đầu cơ đã cố gắng mua hết nguyên liệu có sẵn.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định, quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước.
Sản lượng hạt tiêu niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sụt giảm khá nhiều so với niên vụ trước khiến nguồn cung ở thời điểm hiện tại cạn kiệt. Không chỉ ở trong nước, nguồn cung tiêu trên toàn cầu cũng đang khan hiếm do ảnh hưởng của El Nino. Về dài hạn, sản lượng tiêu của Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong vòng 5 năm tới.
Ngô, lúa mì, đậu tương: Giá ngô cao nhất hai tuần
Giá ngô CBOT kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2-1/4 US cent lên 4,02-1/2 USD/bushel và hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 được giao dịch nhiều nhất kết thúc phiên tăng 2-1/4 US cent lên 4,17-1/4 USD/bushel - cao nhất kể từ ngày 8/7.
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tiếp tục tăng, với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất lên mức cao nhất hai tuần, do mua để đóng giao dịch bán khống và những lo ngại ảnh hưởng của thời tiết tới vụ mùa của Mỹ.
Theo chiều ngược lại, giá lúa mì đóng cửa giảm do nguồn cung lúa mì toàn cầu dồi dào và sự cạnh tranh xuất khẩu mạnh mẽ.
Tương tự, giá lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 5-1/4 US cent xuống 5,42-3/4 USD/bushel.
Cao su trái chiều
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 8/2024 tăng 0,62% lên mức 321 yen/kg.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2024 giảm 1% ở mức 14.340 nhân dân tệ/tấn.
Tháng 6/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70,82% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 108,7 nghìn tấn, trị giá 170,15 triệu USD, tăng 115,2% về lượng và tăng 123,8% về trị giá so với tháng 5/2024;
Tuy nhiên so với tháng 6/2023 giảm 21,7% về lượng và giảm 5,8% về trị giá, đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2023, thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam.
Giá bình quân cao su xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức 1.565 USD/tấn, tăng 4% so với tháng 5/2024 và tăng 20,3% so với tháng 6/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 489,37 nghìn tấn cao su, trị giá 717,9 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong tháng 6/2024, xuất khẩu cao su sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt so với tháng 6/2023 như: Đài Loan, SriLanka, Đức, Indonesia, Brazil, Malaysia, Tây Ban Nha… Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường lớn vẫn giảm mạnh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mỹ, Nhật Bản…
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25713323558