Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7, phiên mở rộng
Thứ sáu, 19-7-2024AsemconnectVietnam - Nhận lời mời của ông An-tô-ni-ô Ta-ja-ni, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế I-ta-ly, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7, phiên mở rộng vào ngày 16 – 17 tháng 7 năm 2024 tại San Giô-va-ni – Ri-giô Ca-la-bờ-ri-a, I-ta-ly.
Hội nghị có sự tham gia của Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu kiêm Cao uỷ Thương mại, Bộ trưởng Thương mại các nước G7 (Anh, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa và I-ta-ly) và 09 quốc gia khách mời (Ác-hen-ti-na, Ốt-xtrây-li-a, Bra-xin, Chi-lê, Kê-ny-a, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam) cũng như Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và liên đoàn doanh nghiệp của các nước G7 (B7).
Theo Chương trình nghị sự, các Bộ trưởng G7 và khách mời đã nghe những báo cáo và khuyến nghị của các cộng đồng doanh nghiệp B7 gồm Liên đoàn Công nghiệp I-ta-ly, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC), Liên đoàn Doanh nghiệp Châu Âu, Hội đồng doanh nghiệp Pháp (MEDEF) v.v… Các đại diện B7 cùng chung nhận định, chuỗi cung ứng được ví như “huyết mạch” của mọi nền kinh tế, có vai trò quan trọng, bảo đảm dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ thông suốt. Thế giới có biến động và bất định dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt, thích ứng nhằm nâng cao tính minh bạch và sức chống chịu của chuỗi cung ứng thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro và sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường, cũng như ngăn chặn các hành động phi lý dẫn đến hạn chế và bóp méo thương mại.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tính thời sự của chủ đề Hội nghị. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tự do hóa thương mại được xem như một giải pháp quan trọng, động lực chủ yếu cho phát triển. Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, Top 20 về thương mại quốc tế; Top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài, và Top 45 về Chỉ số đổi mới sáng tạo. Các thành tựu trên có được là do Việt Nam luôn thực hiện nhất quan đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá; đẩy mạnh thực hiện 03 giải pháp chiến lược về: thể chế, hạ tầng và nguồn nhận lực. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới – sáng tạo.
Về tác động của địa chính trị đối với dòng chảy thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh thế giới ngày nay cần cần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, kiên trì hợp tác đa phương, coi đó là chìa khóa để giải quyết mọi thách thức phức tạp nảy sinh. Bộ trưởng đánh giá cao Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 vào tháng 02 năm nay về củng cố Hệ thống thương mại đa phương (MTS) dựa trên luật lệ, bao trùm, tự do và công bằng với WTO là trung tâm. Việt Nam ủng hộ WTO trong thúc đẩy thảo luận các lĩnh vực như: Trợ cấp thủy sản và Nông nghiệp. Cùng với G7, Việt Nam tái khẳng định cam kết ủng hộ mọi nỗ lực và sáng kiến cải tổ WTO trên cả 03 phương diện: Giám sát, Đàm phán và Giải quyết tranh chấp; mong muốn các nước G7 đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong khai thông sự bế tắc của Cơ quan Phúc thẩm (AB). Bên cạnh đó, trước xu thế gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trợ cấp hoặc dựng lên các hàng rào kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước nhằm thay thế hàng nhập khẩu, Việt Nam kêu gọi G7 và các đối tác ngay lập tức hạn chế lập các rào cản thương mại, nhất là các biện pháp phi quan thuế (NTMs) làm gián đoạn các chuỗi cung ứng đối với những mặt hàng thiết yếu.
Về sức chống chịu của chuỗi cung ứng, Việt Nam kêu gọi các G7 cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, linh hoạt và bền vững thông qua : (1) Đa dạng hóa nguồn cung và thị trường; (2) Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển dịch vụ logistics; (3) Đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng. Về phần mình, Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị kết thúc đàm phán 03 FTA với các đối tác quan trọng tại Châu Âu, Châu Mỹ và Trung Đông để thiết lập các chuỗi cung ứng mở, ổn định và lâu dài. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký trụ cột II trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) liên quan đến Sức chống chịu của chuỗi cung ứng với 13 đối tác. Với những cơ chế nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang có nhiều lợi thế, cũng như cơ hội tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp G7 để từng bước tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam cam kết tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp G7 đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và hiệu quả tại Việt Nam, bởi thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của Việt Nam.
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7, phiên mở rộng kết thúc cùng ngày với Tuyên bố riêng của Chủ tịch G7 I-ta-ly 2024./.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp Đoàn Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7 mở rộng
Thứ trưởng Phan Thị Thắng tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia
Buổi họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Quốc vụ Khanh Bộ Kinh tế UAE
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại tỉnh Tiền Giang
Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam – Malaysia
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản
FIATA mong muốn hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư, phát triển logistics
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp Trưởng Đại diện Văn phòng JBIC Hà Nội
Thứ trưởng Phan Thị Thắng tiếp Bộ trưởng Công Thương bang New South Wales, Úc
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp ông Yoon Chun Sung, Tổng giám đốc Công ty LX International
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao các văn kiện hợp tác với Hàn Quốc
Linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tiếp lãnh đạo một số tập đoàn tiêu biểu của Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, năng lượng