Thứ bảy, 27-7-2024 - 19:2 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Năng lượng địa nhiệt lần đầu tiên lên bàn thảo luận của Liên minh châu Âu 

 Thứ năm, 18-7-2024

AsemconnectVietnam - Tại Hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu diễn ra ngày 15-16/7 tại Budapest, lần đầu tiên năng lượng địa nhiệt được đưa vào chương trình nghị sự của các bộ trưởng EU.

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hợp lý, Liên minh châu Âu (EU) cần khai thác tiềm năng của tất cả các nguồn công nghệ sạch tiềm năng.
Đây là trọng tâm của Hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu, diễn ra ngày 15-16/7, tại Thủ đô Budapest của Hungary.
Trong hơn hai năm qua, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng năng lượng, do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine.
Nỗ lực tạo lập chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng chống chọi với các cú sốc về năng lượng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm kiếm hàng loạt giải pháp và sáng kiến chung, trong đó có kế hoạch REPowerEU - một chiến lược trị giá tới 210 tỷ euro (khoảng 220 tỷ USD) ra mắt giữa năm 2022, nhằm thực hiện các dự án, hướng tới việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch Nga.
Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Hungary, nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU, Csaba Lantos, cho biết các bộ trưởng đã tập trung thảo luận về việc chuẩn bị một bản tóm tắt cho kế hoạch REPowerEU, dựa trên bản Kế hoạch Khí hậu-Năng lượng Quốc gia (NECP) mà các nước thành viên EU đệ trình trước thời hạn ngày 30/6.
Ông Lantos chia sẻ sau cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào hai năm trước, giá năng lượng nhìn chung đã ổn định trở lại mức bình thường.
Nhưng tại châu Âu, giá điện hiện vẫn cao gấp đôi ở Trung Quốc và cao gấp ba đến bốn lần so với ở Mỹ. Các nước thành viên EU cố gắng sử dụng dự thảo NECP của mình để nâng cao mục tiêu công suất năng lượng gió và Mặt Trời vào năm 2030.
So với NECP 2019, các mục tiêu năng lượng quốc gia của các nước thành viên EU đã tăng trung bình 45% đối với công suất lắp đặt năng lượng gió và khoảng 70% đối với năng lượng mặt trời.
Ông Lantos cũng tiết lộ thêm thông qua hội nghị, các bộ trưởng EU nhất trí xem xét kỹ càng hơn những tiến bộ đã đạt được của cam kết giảm 55% lượng phát thải của năm 1990 vào năm 2030 và tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Lần đầu tiên, năng lượng địa nhiệt - nguồn năng lượng nhiều tiềm năng nhưng khó khai thác, được đưa vào chương trình nghị sự của các bộ trưởng EU. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chiến lược năng lượng mặt trời của EU nêu rõ rằng tỷ lệ nhu cầu năng lượng được bao phủ bởi nguồn năng lượng tái tạo phải tăng ít nhất gấp ba lần nếu châu Âu muốn đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và năng lượng vào năm 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, các Bộ trưởng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành năng lượng châu Âu đang để mắt tới một nguồn năng lượng mới. Đó là năng lượng địa nhiệt.
Đây là lần đầu tiên nguồn năng lượng nhiều tiềm năng nhưng khó khai thác đã được đưa vào chương trình nghị sự của các bộ trưởng EU.
Trước đó, vào tháng Một năm nay, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết, kêu gọi EC lên kế hoạch “Chiến lược địa nhiệt,” để thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực.
Bộ trưởng Lantos nhấn mạnh trong khi hai nguồn năng lượng tái tạo phổ biến là năng lượng gió và mặt trời phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thì năng lượng địa nhiệt luôn sẵn có và có tiềm năng lớn.
Năng lượng địa nhiệt chỉ chiếm 0,5% thị trường điện tái tạo toàn cầu vào năm 2022 và đóng góp khoảng 0,2% nguồn điện năng ở EU.
Công nghệ khai thác địa nhiệt tiềm ẩn khá nhiều rủi ro với chi phí lớn. Do đó nó khó nhận được sự đảm bảo tài chính từ các ngân hàng và chính phủ.
27 bộ trưởng năng lượng châu Âu đã thảo luận cách thức khuyến khích đầu tư khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt, nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển hợp tác giữa các nước trong cùng khối.
Tài liệu được chia sẻ trước hội nghị đưa ra một loạt giải pháp khả thi để khuyến khích triển khai địa nhiệt, chẳng hạn như “trợ cấp, các khoản vay chuyển đổi thành trợ cấp, bảo lãnh do nhà nước hậu thuẫn, bảo hiểm thăm dò và cơ chế phòng ngừa rủi ro.”
Bộ trưởng Năng lượng Hungary cho biết đại diện của Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland cũng tham dự hội nghị lần này. Điều đó minh họa rõ ràng rằng châu Âu đang rất thống nhất trong khía cạnh phát triển nguồn năng lượng mới nhiều tiềm năng.
Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Năng lượng châu Âu có sự góp mặt của các bộ trưởng đến từ 27 quốc gia thành viên EU, cùng với các đối tác nước ngoài, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng. Nội dung của hội nghị tập trung vào việc khử carbon của hệ thống năng lượng.
Các cuộc thảo luận đã “xoáy sâu” vào những vấn đề như vai trò của năng lượng địa nhiệt, việc thực hiện khung chính sách năng lượng đến năm 2030 và vai trò của các kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia, một hệ thống điện tích hợp, linh hoạt và có khả năng phục hồi cũng như sự đóng góp của ngành năng lượng theo thỏa thuận cạnh tranh mới./.
Nguồn: Vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25713324034