Thứ năm, 21-11-2024 - 21:0 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 

 Thứ năm, 18-7-2024

AsemconnectVietnam - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.
Nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); xuất khẩu hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%).
Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,6%; gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về trị giá xuất khẩu; chè các loại tăng 32,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 17,4%; hạt tiêu mặc dù giảm 6,8% về lượng nhưng tăng tới 30,9% về trị giá xuất khẩu; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 5,9% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng xuất khẩu giảm 7,7%.
Các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ đạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Về thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
5 mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu 2,13 tỷ USD (tăng 17,5%); bông các loại 1,5 tỷ USD (tăng 9%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt 1,51 tỷ USD (tăng 7,2%); ngô 1,17 tỷ USD (giảm 2,2%); lúa mì 828 triệu USD (giảm 3,6%).
Tình hình xuất khẩu thủy sản tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024
Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6: cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%.
Riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%.
Mực, bạch tuộc là sản phẩm duy nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đem về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt giá trị hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… Chỉ có thị trường Hoa Kỳ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam,
Xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25% đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh.
Xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, EU chiếm lần lượt 37% và 22% trong xuất cá ngừ của Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng 30% và 37% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Israel tăng mạnh nhất, với 64%; sang Nga tăng 58%, Hàn Quốc tăng 66%...
GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm, và dự báo cả năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…
Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành nông lâm ngư nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho thấy, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây (tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu các năm: năm 2020 tăng 1,24%, năm 2021 tăng 3,77%, năm 2022 tăng 2,78%, năm 2023 tăng 3,26%).
Trong 6 tháng đầu năm 2924, GDP nông nghiệp tăng 3,15%; GDP lâm nghiệp tăng 5,34%; GDP thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành nông lâm ngư nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2024 đạt 3,2 - 4,0%, trong đó giá trị trồng trọt tăng 2,0 - 2,2 %; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,7 - 4,0%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5,0 - 5,5%".
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn/ vneconomy.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715919456