Thị trường hàng hóa châu Á: Chỉ số Nikkei lần đầu tiên vượt mốc 40.000 điểm
Thứ tư, 3-7-2024AsemconnectVietnam - Trong bối cảnh các nhà xuất khẩu đã nhận được hỗ trợ từ việc đồng yen chạm mức thấp của 38 năm so với đồng USD, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 443,63 điểm (1,12%), mức cao nhất kể từ ngày 29/3.
Chỉ số Nikkei đã khép phiên 2/7 trên mốc 40.000 điểm lần đầu tiên trong ba tháng trong bối cảnh các nhà xuất khẩu đã nhận được hỗ trợ từ việc đồng yen chạm mức thấp của 38 năm so với đồng USD, giao dịch ở mức 161,745 yen/USD.
Trong khi đó, giá vàng châu Á giảm nhẹ trong phiên ngày 2/7 do đồng USD vững giá.
Chỉ số Nikkei lần đầu tiên vượt mốc 40.000 điểm
Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 443,63 điểm (1,12%) lên 40.074,69 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 29/3. Chỉ số Topix tăng 32,34 điểm (1,15%) lên 2.856,62 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 1/4/1990.
Đồng USD tăng cao theo đà của lợi suất trái phiếu Mỹ trong bối cảnh các nhà đầu tư dự đoán về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Sự suy yếu của đồng yen khiến các nhà giao dịch đặt mức cảnh báo cao đối với sự can thiệp của Nhật Bản sau khi chính quyền nước này chi khoảng 9.800 tỷ yen (60,65 tỷ USD) trong những ngày từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2024, khi đồng tiền này lao dốc xuống 160,82 yen đổi 1 USD.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 2/7 tái khẳng định rằng các quan chức nước này đang theo dõi thị trường tiền tệ một cách thận trọng, nhưng đáng chú ý là ông không lặp lại cảnh báo rằng họ sẵn sàng hành động.
Tuy vậy chiến lược gia Carol Kong tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, cho biết các nhà giao dịch dường như tiếp tục không chú ý đến những bình luận của ông Suzuki và đang thử thách quyết tâm hỗ trợ đồng yen của Bộ Tài chính.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,4% nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản, song cổ phiếu blue chip của đại lục đi ngang.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến chính sách tiền tệ của Mỹ vào cuối ngày hôm nay, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại một sự kiện ở Sintra, Bồ Đào Nha do Ngân hàng trung ương châu Âu tổ chức.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 15,23 điểm (1,21%) lên 1.269,79 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2,24 điểm (0,94%) lên 240,80 điểm.
Giá vàng châu Á giảm nhẹ trong lúc chờ bài phát biểu của Chủ tịch Fed
Giá vàng châu Á giảm nhẹ trong phiên ngày 2/7 do đồng USD vững giá, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và số liệu việc làm quan trọng để tìm kiềm thêm manh mối về triển vọng lãi suất.
Khoảng 14 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.327,06 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.339,10 USD/ounce.
Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2024 phiên 1/7, hỗ trợ đồng USD và khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Các nhà phân tích cho rằng động thái này là do kỳ vọng về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và tăng thuế quan và vay nợ của chính phủ.
Nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tài chính OANDA, ông Kelvin Wong, cho biết để giá vàng vượt mức hiện tại, thị trường cần phải chứng kiến thêm các số liệu kinh tế yếu kém hơn, để làm tăng khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Các nhà giao dịch sẽ tìm kiếm thêm dấu hiệu về việc cắt giảm lãi suất khi Chủ tịch Powell phát biểu vào cuối ngày hôm nay.
Các nhà giao dịch cũng đang theo sát sao các dữ liệu như báo cáo việc làm của ADP, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ và biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến công bố ngày 3/7, cũng như báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, công bố ngày 5/7.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 29,34 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,4% xuống 981,30 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,8% lên 979,23 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), ổn định mức giá so với chốt phiên chiều qua.
Giá dầu áp sát mức cao của hai tháng
Giá dầu châu Á ổn định trong phiên ngày 2/7, áp sát mức cao của gần hai tháng đạt được trong phiên trước đó do đồn đoán nhu cầu nhiên liệu tăng trong dịp đi lại mùa Hè và khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 28 xu lên 86,88 USD/thùng sau khi tăng 1,9% trong phiên trước đó lên mức cao nhất kể từ ngày 30/4. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 20 xu lên 83,58 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% lên mức cao nhất kể từ ngày 26/4.
Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, bà Vandana Hari cho hay giá dầu thô đang diễn biến khó lường, được cho là phụ thuộc nhiều vào tâm lý thị trường hơn là các yếu tố cơ bản.
Bà chỉ ra một số yếu tố tác động tích cực đến giá dầu gồm dự báo nhu cầu nhiên liệu mùa Hè tăng cao, nguy cơ xung đột giữa Israel và Iran và ảnh hưởng của bão Beryl.
Nhu cầu xăng dầu tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng mạnh khi mùa du lịch Hè bắt đầu với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tuần này. Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) dự báo lưu lượng du lịch trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng 5,2% so với năm 2023, riêng du lịch bằng ôtô tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định điều này có thể giúp nhu cầu xăng dầu phục hồi sau nửa đầu năm 2024 ảm đạm.
Về phía nguồn cung, thị trường đang lo ngại khả năng gián đoạn nguồn cung do bão Beryl ảnh hưởng đến hoạt động lọc dầu và sản xuất ngoài khơi của Mỹ. Tuy nhiên, dự báo hiện tại cho thấy bão có khả năng di chuyển vào vịnh Campeche của Mexico và gây ra thiệt hại cho sản xuất dầu mỏ tại đây.
Trong khi đó, những dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đang dịu xuống khiến thị trường hy vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất, sớm nhất là vào tháng 9/2024./.
Nguồn: Vietnamplus.vn
Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 2/7: Giá quặng sắt tiếp tục tăng
Thị trường nông sản thế giới ngày 2/7: Giá tiêu tăng mạnh
Không đáp ứng đủ nhu cầu gạo, Indonesia tìm cách đa dạng hóa nguồn lương thực
Thị trường kim loại thế giới ngày 2/7: Giá đồng giảm do tồn kho tăng
Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 1/7: Giá quặng sắt ở mức cao gần 2 tuần nhờ dữ liệu tốt hơn
Thị trường ngũ cốc thế giới ngày 1/7: Giá ngô giảm phiên thứ 4 do diện tích và tồn kho ở Mỹ tăng
Nhu cầu giảm do phí vận chuyển tăng vọt khiến giá gạo Ấn Độ đi xuống
BRICS sẽ thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc chuyên biệt
Thị trường ngô thế giới tháng 6/2024
Thị trường lúa mì thế giới tháng 6/2024
Tình trạng tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa đường biển lan rộng sang châu Á
Giá phân bón thế giới giảm trong tháng 6/2024
Thị trường đậu tương thế giới tháng 6/2024
Nhà chế tạo động cơ máy bay thận trọng khi tăng nguồn cung cho Airbus
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất siêu của Việt ...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% ...Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản Việt Nam 4 tháng đầu ...
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 4 ...
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu sắt thép của Việt Nam 4 ...
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tháng 4 ...