Thứ tư, 3-7-2024 - 10:27 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các thị trường xuất khẩu tôm chủ đạo của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 và dự báo 

 Thứ hai, 17-6-2024

AsemconnectVietnam - Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản được nhận định sẽ phục hồi nhẹ trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó.
Dự báo 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD.
Tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc)
Trong số các thị trường xuất khẩu, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đang dẫn đầu với kim ngạch đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4 và tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều.
Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ.
Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con.
Mặt khác, theo Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA), Trung Quốc đã dỡ bỏ các lệnh cấm đối với 9 nhà xuất khẩu tôm của Ecuador do phát hiện dư lượng sulfite quá cao. 9 doanh nghiệp này hiện có thể tiếp tục hoạt động xuất khẩu miễn là họ đưa ra bản phân tích trong phòng thí nghiệm đảm bảo tính tuân thủ cùng với các giấy chứng nhận HC thông thường trong mỗi lô. Lệnh cấm của Trung Quốc khiến thị phần xuất khẩu tôm của Ecuador tại thị trường Trung Quốc đã giảm từ 64% trong quý I/2023 xuống còn 50% trong quý I/2024. Việc Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm cũng sẽ tác động lên tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này.
Thị trường Mỹ sẽ tăng mua để phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm
Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam
Thị trường Mỹ đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay với trị giá đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, từ tháng 2 đến tháng 5, xuất khẩu tôm của nước ta sang Mỹ ghi nhận giảm mạnh.
Nguyên nhân chính là vì lạm phát của Mỹ vẫn đạt mức cao, các chi phí nhà ở, xăng gas đều cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do tình hình căng thẳng ở Trung Đông, đồng Euro mất giá so với USD, cước tàu tăng đột biến 60% do phải đi vòng, cũng như việc Trung Quốc gom container rỗng để xuất vào Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm của Việt Nam..
Ngoài ra, tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.
Nhu cầu nhâp khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ được nhận định có thể tăng nhẹ vào quý 3 năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU tăng nhẹ
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Sau khi ghi nhận sụt giảm trong tháng 2 và 3, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đã tăng trở lại trong tháng 4 và 5.
Tiêu thụ tôm của thị trường EU trong quý đầu năm rất chậm do thị trường này ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài,
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Mỹ, nên sẽ giảm giá để tăng lượng xuất khẩu vào EU.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU được nhận định sẽ tăng nhẹ. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống vì tồn kho đã giảm nhiều.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản sẽ phục hồi nhẹ
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ.
Tuy tồn kho của các nhà nhập khẩu không nhiều, nhưng do đồng Yên mất giá từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và lạm phát cao nên người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm liên tục từ tháng 2 đến tháng 5, tuy nhiên tốc độ giảm không mạnh như những thị trường khác. Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định hơn so với những thị trường khác.
Hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador.
Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc giảm nhẹ
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 124 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ chậm, lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng khiến cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chưa thể phục hồi.
Tuy tồn kho có giảm nhưng các nhà nhập khẩu không dám mua nhiều vì lạm phát còn cao, đồng tiền vẫn còn mất giá và chuẩn bị vào mùa vụ chính họ sợ tôm sẽ xuống giá. Dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc sẽ vẫn ổn định.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25712670099