Thứ tư, 3-7-2024 - 13:23 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nhu cầu dầu thô và nhiên liệu vững chắc hỗ trợ giá dầu thế giới thăng hoa 

 Thứ hai, 17-6-2024

AsemconnectVietnam - Giá 2 loại dầu biển Bắc và dầu WTI đã tăng khoảng 4% trong tuần này, tính theo tuần cao nhất kể từ tháng 4, do các nhà đầu tư cân nhắc dự báo nhu cầu dầu thô và nhiên liệu vững chắc trong năm nay.

Giá hai loại dầu biển Bắc và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng khoảng 4% trong tuần này, mức tăng tính theo tuần cao nhất kể từ tháng Tư vừa qua, do các nhà đầu tư cân nhắc dự báo nhu cầu dầu thô và nhiên liệu vững chắc trong năm nay.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày 14/6 sau khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ xấu đi. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 13 xu, xuống 82,62 USD/thùng. Còn giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 17 xu xuống 78,54 USD/thùng.
Thị trường dầu đã có một tuần giao dịch khá suôn sẻ ngay khi mở cửa phiên đầu tuần 10/6 với mức tăng 3% nhờ hy vọng vào nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong mùa Hè này, bất chấp đà tăng của đồng USD và đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong năm nay.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng trong quý 3 tới.
Trong một báo cáo, ngân hàng này cho rằng nhu cầu vận tải vững chắc trong mùa Hè sẽ khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng thâm hụt 1,3 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm nay.
Công ty tư vấn năng lượng FGE dự báo thị trường dầu mỏ sẽ phục hồi và giá dầu thô sẽ đạt mức trung bình 80 USD/thùng trong quý 3/2024.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên 11/6 vừa qua, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo tăng trưởng tương đối mạnh đối với nhu cầu dầu năm nay.
EIA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm nay lên 1,10 triệu thùng/ngày, so với ước tính trước đó là 900.000 thùng/ngày. Trong khi đó, OPEC duy trì dự báo năm nay về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng tương đối mạnh là 2,2 triệu thùng/ngày, với lý do kỳ vọng về du lịch bùng nổ trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu xuống dưới 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank nhận định cả ba tổ chức, cơ quan gồm EIA, OPEC và IEA, đều dự đoán tình trạng thiếu hụt nguồn cung ít nhất là cho đến đầu mùa Đông.
Căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông cũng góp phần hỗ trợ thị trường dầu phiên 12/6 vừa qua. Tuy nhiên, thông tin về việc lãi suất tại Mỹ có thể được cắt giảm bắt đầu muộn nhất vào tháng 12 tới đã hạn chế đà tăng của dầu.
ttxvn_opec_quyet_dinh_khong_thay_doi_san_luong.jpg
Trụ sở Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Dự báo của OPEC về tăng trưởng nhu cầu dầu, cùng số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ đang nới lỏng và lạm phát chậm lại, mang đến hy vọng Fed sẽ hạ lãi suất tiếp tục kéo thị trường dầu đi lên trong phiên 13/6 vừa qua.
Mặc dù tình trạng giảm nhập khẩu dầu của nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời, nhưng nó đang tạo ra những “sóng ngầm” trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo dữ liệu theo dõi gần đây nhất của hãng tin Bloomberg, số lượng tàu chở dầu siêu trọng đến Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tuần. Một nhà máy lọc dầu có hợp đồng dài hạn với Saudi Arabia đã giảm quy mô mua hàng cho tháng Sáu tới.
Những nhà giao dịch dầu mỏ lạc quan, những người đã thiệt hại nặng nề do giá giảm bất ngờ 10% vào năm ngoái, có thể vẫn thận trọng với mặt hàng này nếu như “đầu tàu” tăng trưởng của châu Á có vẻ bấp bênh.
Ông Gary Ross, một nhà tư vấn dầu mỏ kỳ cựu chuyển sang quản lý tài sản tại công ty đầu tư Black Gold Investors LLC, cho biết: "Về cơ bản, thị trường sẽ thắt chặt lại. Tuy nhiên, tôi hoài nghi về sức mạnh tài chính của thị trường, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối yếu."
Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đang trên đà tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay - chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu dầu toàn cầu, lên 17 triệu thùng/ngày, và sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2025. Hơn nữa, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể được cải thiện khi họ tận dụng giá thấp để bổ sung kho dự trữ.
Theo Công ty tư vấn Vortexa Ltd., Trung Quốc đã bổ sung hơn 30 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong 1 tháng tính đến giữa tháng Năm năm nay, mức tăng mạnh nhất trong một năm. Lượng dầu này chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia bị trừng phạt như Iran và được giao dịch với mức chiết khấu cao so với giá chuẩn của khu vực.
Ông Ed Morse, cố vấn cấp cao tại công ty kinh doanh hàng hóa Hartree Partners, cho biết Trung Quốc đã "khá nhất quán kể từ năm 2008 trong chính sách bổ sung dự trữ dầu khi giá thấp. Tuy nhiên, sự trì trệ của kinh tế nước này là điềm báo không lành cho cả các nhà sản xuất dầu mỏ và các nhà đầu tư lạc quan, cho thấy thị trường toàn cầu đang chuyển từ thiếu hụt sang dư cung.”
Tại các nơi khác ở châu Á, lợi nhuận giảm mạnh từ việc sản xuất dầu diesel đang khiến một số nhà máy lọc dầu - chẳng hạn như Formosa Petrochemical Corp. của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và một số nhà máy khác ở Hàn Quốc - phải giảm nhẹ công suất hoạt động.
Tại Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - tồn kho dầu thô tại trung tâm lưu trữ ở Cushing, Oklahoma, đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2023. Số liệu tiêu thụ yếu cho thấy nhu cầu xăng, mặc dù có xu hướng tăng vào mùa dịch chuyển cao điểm của người dân Mỹ vào mùa Hè này, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, thị trường đang tập trung vào các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và điều này có thể giảm bớt lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực trên.
Trong khi đó, theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ, một chỉ báo ban đầu về sản lượng dầu trong tương lai, đã giảm 4 giàn xuống còn 488 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022./.
Nguồn: Vietnamplus.vn
 

  PRINT     BACK
 Điều tra chống bán phá giá thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc
 Ngành thực phẩm châu Âu "thấp thỏm" trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa
 Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 14/6: Giá quặng sắt tăng phiên thứ 2 liên tiếp
 Thị trường nông sản thế giới ngày 14/6: Giá cà phê giảm nhẹ
 IEA: Thế giới có thể sẽ dư thừa nguồn cung dầu vào năm 2030
 Mỳ ăn liền Việt Nam ra khỏi danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm của EU
 Thị trường kim loại thế giới ngày 14/6: Giá vàng quay đầu giảm
 Thị trường ngũ thế giới cốc ngày 13/6: Giá lúa mì tăng do triển vọng thời tiết ở Nga
 Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 13/6: Giá quặng sắt phục hồi sau động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản
 Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu hải sản sang Đông Nam Á và Mỹ
 Nhu cầu vàng tại châu Á tăng, bất chấp giá đang áp sát mức cao kỷ lục
 Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 12/6: Giá quặng giảm do dữ liệu Trung Quốc phản ánh triển vọng nhu cầu yếu
 Thị trường nông sản thế giới ngày 12/6: Giá tiêu tăng mạnh
 Chi phí năng lượng toàn cầu tăng cao do Châu Âu ngừng sử dụng khí đốt Nga
 Thị trường kim loại thế giới ngày 12/6: Giá quặng sắt thấp nhất trong 2 tháng

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25712675248