Thứ tư, 3-7-2024 - 14:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025 - Vụ "đặt cược" của OPEC+ 

 Thứ tư, 5-6-2024

AsemconnectVietnam - Gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025 - Vụ "đặt cược" của OPEC+

Quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, gia hạn hầu hết các đợt cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025 và loại bỏ dần việc cắt giảm tự nguyện, là nỗ lực tiếp theo của nhóm các nước xuất khẩu "vàng đen" hàng đầu thế giới trong "cuộc chiến" hỗ trợ giá dầu.
Như vậy là OPEC+ tiếp tục "đặt cược" vào hiệu quả của chính sách cắt giảm sản lượng mà nhóm đã áp dụng từ tháng 11/2022.
Với quyết định này, nguồn cung dự báo sẽ bị thắt chặt trong nửa cuối năm nay, trong khi nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh vào mùa Hè có thể làm giảm lượng tồn kho dầu thô.
Một trong những tác động tức thời của quyết định này dự kiến sẽ được cảm nhận qua việc định giá dầu thô, cụ thể là sẽ hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.
Với việc OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng, nguồn cung dầu trên thị trường được dự đoán sẽ vẫn hạn hẹp, dẫn đến áp lực tăng giá có thể xảy ra.
Hồi tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong năm nay nếu OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên, tác động dài hạn có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như nhu cầu tiêu thụ, tình hình kinh tế toàn cầu và hoạt động của các nhà sản xuất dầu đá phiến như Mỹ và Canada.
Thời gian qua, việc Mỹ tăng sản xuất và xuất khẩu đã hỗ trợ ổn định giá cả, đồng thời bù đắp cho tác động từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, cùng những thay đổi về cơ cấu nền kinh tế có thể khiến nước này bớt “khát dầu” hơn.Bà Kaynat Chainwala, chuyên gia phân tích của hãng Kotak Securities, dự báo giá dầu thô sẽ dao động trong khoảng 70-90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay, và OPEC có thể sẽ đặt ra một mức sàn để ngăn giá dầu giảm sâu.
Tuy nhiên, bà cho rằng mặc dù nhu cầu dầu sẽ tăng kể từ tháng 6, nhưng giá dầu sẽ khó có khả năng tăng trên mức 100 USD/thùng, do tác động của lãi suất cao và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.
Nhà phân tích này cũng nhận định rằng giá dầu gần như đã loại bỏ "phần bù rủi ro" địa chính trị từ cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong khi đó, một số công ty môi giới dầu mỏ dự đoán giá dầu thô có thể sẽ duy trì trong khoảng 79-85 USD/thùng cho đến hết quý 2/2024.
ttxvn_0306_OPEC+ (2).jpg
Một nhà máy lọc dầu tại Puerto La Cruz, bang Anzoategui, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngân hàng JP Morgan dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 84 USD/thùng từ nay đến cuối năm và 75 USD/thùng vào năm 2025.
Quyết định của OPEC+ dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu bởi việc tiếp tục giảm sản lượng có thể khiến giá dầu tăng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà sản xuất dầu mỏ, nhưng đồng thời có thể tăng chi phí vận chuyển và sản xuất cho các ngành khác.
Đơn cử, giá dầu tăng có thể tạo ra áp lực tăng chi phí vận chuyển đối với các ngành vận tải, bao gồm hàng hải, hàng không và đường bộ. Điều này có thể dẫn đến tăng giá vé và giảm lợi nhuận của các công ty vận tải.
Giá dầu mỏ cao cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất của các ngành công nghiệp như sản xuất ôtô, hóa chất và sản xuất hàng tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm cuối cùng và lợi nhuận của các công ty trong ngành sản xuất.
Cuối cùng, tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, vận chuyển và tiêu dùng vì giá dầu mỏ cao có thể làm tăng lạm phát và giảm sức mua của người tiêu dùng.
Theo giới phân tích, quyết định mới cho thấy OPEC+ muốn đảm bảo rằng giá dầu không giảm quá thấp, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Quyết định này cũng góp phần giảm bớt lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Ngoài ra, OPEC+ cũng giúp củng cố tâm lý thị trường và khuyến khích đầu tư vào ngành dầu khí.
Về dài hạn, quyết định đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của OPEC+.
Trong quá khứ, OPEC+ thường phản ứng nhanh chóng với những thay đổi về nhu cầu bằng cách điều chỉnh sản lượng.
Tuy nhiên, quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến năm 2025 cho thấy OPEC+ đang có tầm nhìn dài hạn hơn và muốn đảm bảo sự ổn định cho thị trường dầu mỏ.
ttxvn_0306_OPEC+ (3).jpg
Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Donges, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoài ra, việc cắt giảm sản lượng có thể khiến một số nhà sản xuất dầu mỏ có chi phí sản xuất cao phải đóng cửa, dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu thị trường dầu mỏ, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.
Về cơ bản, quyết định của OPEC+ có nhiều ý nghĩa quan trọng, cả về mặt ngắn hạn và dài hạn. Đây có thể được xem như là một tín hiệu cho thấy OPEC+ đang tiếp tục "đặt cược" vào nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn và nhóm cam kết duy trì giá dầu ở mức hợp lý.
Tuy nhiên, quyết định này cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro như giá dầu cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu; việc cắt giảm sản lượng có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nếu nhu cầu tăng cao hơn dự kiến...
Cùng với đó, sự bất ổn về địa chính trị, như cuộc xung đột ở Trung Đông, cũng có thể làm gia tăng tình trạng không chắc chắn trên thị trường.
Trên thực tế, OPEC+ từng "đặt cược" thành công vào chính sách cắt giảm mạnh sản lượng vào năm 2020 khi tác động của dịch COVID-19 khiến giá dầu lao dốc, với mức giảm sâu gần 10 triệu thùng/ngày.
Quyết định của OPEC+ khi đó đã giúp thị trường dầu cải thiện đáng kể năm 2021. Tuy nhiên, đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong cả năm 2023 chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Mặc dù vậy, việc OPEC+ tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng là động thái nhằm chứng minh vị thế của nhóm trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, cho thấy OPEC+ có đủ khả năng ngăn chặn sự sụt giảm của giá dầu thông qua các chính sách quản lý nguồn cung./.
(TTXVN/Vietnam+)
 

  PRINT     BACK
 Litva hạn chế nhập khẩu nông sản từ Nga và Belarus
 Cường quốc xuất khẩu nông sản đối mặt hạn hán nghiêm trọng
 Thị trường nông sản thế giới ngày 6/6: Giá đường cao nhất 3 tuần
 Thách thức lớn đối với ngành kim cương thế giới
 Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ bổ sung Kho dự trữ dầu mỏ Chiến lược
 Thị trường kim loại thế giới ngày 6/6: Giá đồng thấp nhất 1 tháng
 Thị trường năng lượng thế giới ngày 6/6: Giá gas tiếp tục tăng do sản lượng hàng ngày giảm
 Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 5/6: Giá quặng sắt chạm mức thấp nhất 7 tuần do nhu cầu thép từ Trung Quốc yếu
 OPEC+ thống nhất gia hạn cắt giảm sản lượng đến hết năm 2025
 Thị trường ngũ cốc ngày 3/6: Giá lúa mì tăng 1%, giá đậu tương chạm mức thấp nhất trong một tháng
 Thị trường nông sản thế giới ngày 4/6: Giá đậu tương chạm mức thấp nhất trong 1 tháng
 Thị trường ngũ cốc thế giới ngày 5/6: Giá lúa mì, đậu tương, ngô đồng loạt tăng
 Giá dầu cọ ngày 5/6: Phục hồi sau đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2023
 Thị trường ngũ cốc ngày 4/6: Giá ngô kỳ hạn giảm phiên thứ 6 liên tiếp
 Thị trường thép và nguyên liệu sản xuất thép Trung Quốc ngày 4/6: Giá quặng sắt gần mức thấp nhất trong 7 tuần

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25712676667