Thứ hai, 25-11-2024 - 20:27 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường năng lượng thế giới ngày 3/5: Giá dầu giảm mạnh 

 Thứ sáu, 3-5-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 2/5 giá xăng dầu giảm, trong khi giá gas tăng nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/5, giá dầu dao động trong biên độ hẹp và chịu áp lực từ nhu cầu toàn cầu yếu hơn, tồn kho tăng và hy vọng cắt giảm lãi suất nhanh chóng của Mỹ.
Giá dầu WTI của Mỹ giảm 5 cent xuống mức 78,95 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 12/3. Giá dầu Brent cũng chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 trước khi quay đầu tăng nhẹ 23 cent, tương đương 0,3%. lên mức 83,67 USD/thùng.
Nhà phân tích dầu Alex Hodes của StoneX nhận xét cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều đóng cửa dưới mức trung bình động 200 ngày là chỉ báo kỹ thuật quan trọng cho thấy sự thay đổi của thị trường giá dầu thô.
Theo Reuters, các nhà đầu tư dầu mỏ ngày càng lo lắng về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái, khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn mà không gây ảnh hưởng lớn nào đến nguồn cung dầu ở Trung Đông.
Ngày 1/5, giá dầu giảm hơn 3% sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt 7,3 triệu thùng và Fed giữ nguyên lãi suất do lạm phát dai dẳng.
Nhu cầu dầu diesel trên toàn thế giới sụt giảm cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại ở các nền kinh tế lớn. Dữ liệu từ công ty tư vấn Insights Global cho thấy, tồn kho nhiên liệu, bao gồm dầu diesel, tăng hơn 3% tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp của châu Âu trong tuần tính đến ngày 2/5.
Theo các nguồn tin Reuters thu thập được, nhân tố hỗ trợ giá dầu có thể kể đến khả năng OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu không tăng.
Các nhà giao dịch đang dõi xem liệu liệu chính phủ Mỹ bổ sung nguồn dự trữ chiến lược hay không khi giá dầu liên tục giảm.
Chủ tịch NS Trading Hiroyuki Kikukawa cho biết: “Thị trường dầu được hỗ trợ bởi suy đoán rằng nếu giá dầu WTI giảm xuống dưới 79 USD/thùng, Mỹ sẽ bổ sung kho dự trữ chiến lược của mình”.
Giá gas tăng nhẹ 0,67% lên mức 1,945 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.
Bất chấp những động thái nhằm giảm sự phụ thuộc khí đốt vào Nga, Nga hiện vẫn là nhà cung cấp khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) lớn thứ hai của châu Âu. Nhập khẩu LNG từ Moscow chiếm 16% tổng nguồn cung LNG của khối 27 thành viên vào năm 2023. Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những nhà nhập khẩu đặc biệt lớn của Nga. Ba quốc gia này chiếm 87% lượng LNG vào EU vào năm 2023.
Tuy nhiên, phần lớn LNG nói trên không được thị trường châu Âu cần đến. Lượng LNG này đang được xử lý tại các cảng châu Âu, trước khi được tái xuất khẩu sang các nước thứ ba trên toàn thế giới, khiến một số quốc gia và công ty thu lợi nhuận.
Ông Hilgenstock cho biết, rất nhiều LNG của Nga chỉ được vận chuyển tới châu Âu mà không sử dụng. Vì vậy, điều đó không liên quan gì đến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu. "Các công ty châu Âu kiếm tiền từ việc hỗ trợ xuất khẩu LNG của Nga", ông nói.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), chỉ dưới 1/4 lượng LNG nhập khẩu của châu Âu từ Nga (22%) được vận chuyển sang thị trường toàn cầu vào năm 2023.
Ông Petras Katinas, một nhà phân tích năng lượng của CREA nói rằng, phần lớn lượng LNG này được bán cho các nước ở châu Á. Do đó, một số thành viên châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic, đang gây áp lực lên khối để ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với LNG của Nga - một động thái cần có sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên.
Các cuộc thảo luận của châu Âu hiện đang tập trung vào việc cấm tái xuất LNG của Nga từ các cảng châu Âu. Tuy nhiên, gần đây, Acer, cơ quan quản lý năng lượng của EU đã cảnh báo rằng, bất kỳ việc giảm nhập khẩu LNG nào của Nga đều phải diễn ra “theo các bước dần dần” để tránh cú sốc năng lượng.
N. Hao
Nguồn: VITIC



 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716009191