Thứ bảy, 23-11-2024 - 4:2 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Bộ Công Thương triển khai, quán triệt Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ 

 Thứ tư, 24-4-2024

AsemconnectVietnam - Sáng ngày 23/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tham dự hội nghị, ở đầu cầu Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an; đại diện các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND và các sở ngành.
Nghị định số 32 và Nghị định số 43: Giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển các CCN và các nghề thủ công mỹ nghệ
Trong thời gian qua, việc phát triển CCN đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (đặc biệt là tại khu vực nông thôn), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã tham mưu, nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó phải kể đến Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, quá trình việc triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đã gặp vướng mắc, khó khăn do chưa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 32/2024/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Công Thương địa phương đã thông tin, phổ biến một số nội dung cơ bản của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (Nghị định số 43/2024/NĐ-CP) mới được ban hành.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương
Cũng tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu, xây dựng Nghị định, đặc biệt là tính phù hợp với các văn bản hiện hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thành lập mới CCN, tạo cơ chế thoáng hơn cho phát triển CCN… Tuy nhiên, để việc triển khai Nghị định số 32 thuận lợi, các địa phương cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn triển khai.
Các Bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến
Trên cơ sở các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP mới được ban hành đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác quản lý, phát triển CCN và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển các CCN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, cũng như thúc đẩy phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ.
Nội dung của 2 Nghị định nêu trên đã tiếp tục kế thừa các nguyên tắc, nội dung quản lý tại các quy định hiện hành của Nhà nước mà vẫn phù hợp với tình hình thực tế và đang phát huy hiệu quả; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các nội dung, quy định không còn phù hợp, bảo đảm khả thi, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng công tác quản lý nhà nước”- Bộ trưởng khẳng định và cho biết thêm, các Nghị định cũng đã thể chế hóa được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý các CCN cho chính quyền địa phương.
Trong đó, Nghị định số 32 phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển CCN đến thành lập/mở rộng CCN, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; ban hành Quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về CCN,… bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về CCN.
Với Nghị định số 43 đã quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn về đối tượng, tiêu chí xét tặng các danh hiệu; thành phần hồ sơ thủ tục, quy trình xét tặng của từng cấp hội đồng theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các Nghệ nhân nhưng vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đồng thời phân cấp cho UBND tỉnh/thành phố tổ chức công bố Quyết định phong tặng của Chủ tịch nước và Lễ trao tặng danh hiệu cho các Nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ cư trú tại địa phương.
Mặc dù Nghị định số 32 và Nghị định số 43 của Chính phủ đã cơ bản tháo gỡ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý thời gian qua, song theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vẫn còn một số nội dung các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan chưa được giải quyết triệt để do chưa phù hợp với quy định ở các Luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan khác.
“ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành có liên quan trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Nghị định số 32 và Nghị định số 43 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu tháng 5 và đầu tháng 6 tới đây. Để kịp thời triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nghị định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành liên quan; cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương chú trọng thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau: 
Thứ nhất, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương có liên quan
Quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý CCN và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 32, Nghị định 43 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của pháp luật.  Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN và công tác thi đua khen thưởng.
Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp về quản lý, phát triển CCN và xét tặng các danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Thứ hai, đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương
Đối với cấp ủy, UBND các tỉnh, thành phố, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt Nghị định số 32, Nghị định số 43 của Chính phủ mới được ban hành và các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp ở địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nắm chắc, hiểu rõ và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định mới của Nhà nước. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển CCN trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và việc xét tặng, tôn vinh các nghệ nhân có công đóng góp, bảo tồn, phát huy giá trị các nghề thủ công mỹ nghệ, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các nhiệm vụ quản lý CCN, xét tặng các danh hiệu nghệ nhân theo thẩm quyền được quy định tại các Nghị định; thiết lập cơ chế phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan Quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở và chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn trong chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Sở Công Thương, UBND cấp huyện triển khai thực hiện đầy đủ các quyền hạn, trách nhiệm quản lý được quy định tại các Điều 33 và 34 của Nghị định số 32 và Điều 9, 14 Nghị định 43 và các quy định khác có liên quan của Nhà nước.
Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý CCN trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển CCN và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32 và quy định khác có liên quan của Nhà nước để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các CCN, các làng nghề truyền thống nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hoàn thành xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này đối với việc thành lập các CCN có trong Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh, được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết quả xử lý về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết hỗ trợ nhau vào cùng một CCN; nhất là các ngành công nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít đất đai, năng lượng và có giá trị gia tăng cao vào đầu tư sản xuất tại CCN bảo đảm phát triển bền vững.
Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, trong đó lưu ý CCN phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định và tình hình thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư; kiên quyết xử lý dứt điểm các CCN, dự án trong CCN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật tại các CCN trên địa bàn, như: Pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và quy định pháp luật khác có liên quan để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các Sở Công Thương địa phương cần làm đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan, chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh về công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung, quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP trên địa bàn cấp tỉnh.
Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền hạn, trách nhiệm quản lý CCN trên địa bàn cấp tỉnh quy định tại Điều 33 Nghị định số 32.
Trong đó, chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án phát triển CCN, Quy chế quản lý CCN, các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN, kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động phát triển CCN trên địa bàn.
Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN theo quy định tại Nghị định số 32.
Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện Phương án phát triển và các cơ chế chính sách quản lý, phát triển CCN trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích về phát triển cụm công nghiệp, đồng thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kiến nghị, vi phạm pháp luật theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh về tình hình quản lý, phát triển CCN trên địa bàn quản lý; khẩn trương xây dựng, vận hành có hiệu quả Cơ sở dữ liệu về các CCN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý các CCN trên địa bàn.
Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề TCMN được quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định 43 của Chính phủ.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, giao Cục Công Thương địa phương là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan trong Bộ chủ động thực hiện các nhiệm vụ:
Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện công tác quản lý nhà nước về CCN trên địa bàn cả nước theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 32, Nghị định số 43; đồng thời, phối hợp UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, quản lý, phát triển CCN trên địa bàn địa phương và hoạt động Hội đồng xét tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
Khẩn trương xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32. Thông tư của Bộ Công Thương muộn nhất 1/7 phải xong để ban hành. Tinh thần là cải cách hành chính, là trao quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện nghị định.
Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu về CCN trong cả nước; hướng dẫn Sở Công Thương cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Cục Công Thương địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Cơ sở dữ liệu CCN không chỉ sử dụng ở cấp Bộ mà còn sử dụng ở cấp địa phương.
Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 32 và Nghị định 43 của Chính phủ để đề xuất cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý, phát triển CCN và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về vai trò, vị trí, công tác quản lý và tình hình hoạt động tại CCN và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc bảo về và phát huy các giá trị di sản trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở các địa phương trên cả nước.
Sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trong cả nước và là Cơ quan thường trực Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức, đơn vị liên quan để Bộ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển CCN, cũng như trong công tác thi đua, khen thưởng thuộc lĩnh vực được giao phụ trách”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nguồn: moit.gov.vn

  PRINT     BACK
 Bộ Công Thương tổ chức họp giao ban về các Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)
 Biểu dương các cá nhân có thành tích trong công tác Quốc hội của Bộ Công Thương
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tổng thư ký ASEAN
 Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc
 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp Thứ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu, năng lượng Úc và chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với cựu Thủ tướng Anh, Chủ tịch điều hành viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI)
 Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024
 Tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí
 Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi)
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone
 Tăng cường xúc tiến thương mại tại địa phương của Algeria
 Kỳ họp lần II của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam – Canada tại Hà Nội
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Hội đồng Kinh doanh Canada
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada
 Đối thoại kinh doanh Việt Nam - Canada

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715952072