Thứ bảy, 23-11-2024 - 8:18 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hợp tác kinh tế số Việt Nam-Liên bang Nga khả thi và nhiều triển vọng 

 Thứ hai, 22-4-2024

AsemconnectVietnam - Việt Nam và Nga đều đặc biệt quan tâm phát triển các nền tảng kỹ thuật số để tăng cường hoàn thiện và phát triển nền kinh tế số, coi đây là lĩnh vực có thể giúp tăng mạnh giá trị GDP của nền kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 19/4, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moskva (Incentra) ở thủ đô nước Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức hội thảo “Triển vọng hợp tác kinh tế số Việt-Nga.”
Tham dự sự kiện cả trực tiếp và trực tuyến này có hơn 100 đại biểu, gồm đại diện nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp của cả hai nước.
Trong bối cảnh các công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, nền kinh tế thế giới đang từng bước chuyển đổi sang kinh tế số.
Các quốc gia trên thế giới đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để tận dụng tối đa những lợi thế của nền tảng kỹ thuật số trong xã hội hiện đại.
Việt Nam và Nga đều đặc biệt quan tâm tới việc phát triển các nền tảng kỹ thuật số để tăng cường hoàn thiện và phát triển nền kinh tế số, coi đây là lĩnh vực có thể giúp tăng mạnh giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nga rất khả thi và nhiều triển vọng.
Trong những năm gần đây, kinh tế số tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, tốc độ phát triển kinh tế số đạt bình quân 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2023 ở mức 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng từng bước tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế.
Năm 2023 Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài với tổng doanh số ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.
Kinh tế số tại Nga cũng phát triển mạnh mẽ. Quy mô kinh tế Internet của Nga năm 2023 ước đạt 16.400 tỷ ruble (khoảng 200 tỷ USD), tăng 35% so với năm 2022 và cao hơn 2 lần so với năm 2019.
Tăng trưởng mạnh nhất trong kinh tế Internet tại Nga là lĩnh vực thương mại điện tử với tổng doanh thu năm 2023 đạt 15.400 tỷ ruble; xuất hiện nhiều website thương mại điện tử uy tín như Ozon, Wilberries, Yandex…
Nga cũng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thành phố thông minh, chính phủ điện tử với các thành phố có ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới như Moskva, St. Petersburg…
Chính vì vậy, hội thảo lần này đã tập trung trao đổi, thảo luận về tình hình và triển vọng phát triển kinh tế số ở mỗi nước, cũng như các cơ hội và giải pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Tại hội thảo, ông Andrei Borisenko, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp Ngân hàng trung ương Nga đã trình bày khái quát về tiến trình phát triển đồng ruble kỹ thuật số, theo đó Nga đã phát triển một nguyên mẫu ruble kỹ thuật số, sửa đổi luật dân sự, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 và đưa vào lưu thông hạn chế đồng tiền này với 12 ngân hàng, 30 doanh nghiệp và 600 cá nhân dưới sự quản lý của Ngân hàng trung ương.
Dự kiến trong năm 2025, Nga sẽ mở rộng phạm vi lưu thông của đồng tiền này mà mục tiêu chính là tạo ra một phương thức thanh toán mới thuận tiện và ít tốn kém.
Trong hội thảo, các đại biểu đánh giá bối cảnh hiện nay mở ra những cơ hội hết sức to lớn cho hợp tác giữa hai nước nói chung, doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Hiện nay, đã có một số dự án hợp tác kinh tế số đang được triển khai giữa hai nước, như trong các lĩnh vực an ninh mạng (Rostelecom, Rostelecom-Solar, Kaspersky Lab…), thành phố thông minh (VC ITS, NtechLab, Vision Labs, GIS Geointellect…), số hóa ngân hàng (Diasoft, FIS), kinh doanh kỹ thuật số giải pháp (1C).
Bên cạnh những dự án trên, các tham luận cũng chỉ ra nhiều lĩnh vực triển vọng khác đối với hợp tác kinh tế số như tài chính, y tế, nông nghiệp, vận tải, năng lượng, môi trường và sản xuất.
Trên cơ sở đánh giá tình hình và tiềm năng hợp tác, các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp nhằm mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số từ góc độ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cho đến doanh nghiệp, như tăng cường xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin của hai nước, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển các nền tảng và sản phẩm số.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho rằng hội thảo đã được nghe nhiều báo cáo đa dạng, từ góc độ nhà quản lý, nghiên cứu và về những chủ đề mang tính thời sự không chỉ với Nga, Việt Nam mà cả thế giới.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh việc tổ chức cuộc hội thảo là rất có ý nghĩa để chuẩn bị cho tương lai.
Đại sứ cũng cho rằng những kinh nghiệm phát triển đồng ruble kỹ thuật số của Nga là rất bổ ích và Việt Nam cũng muốn được tham gia vào quá trình thử nghiệm đồng ruble kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương Nga.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều nhận định rằng nếu tận dụng tốt, đây có thể là động lực quan trọng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/hop-tac-kinh-te-so-viet-nam-lien-bang-nga-kha-thi-va-nhieu-trien-vong-post941231.vnp

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715956088