Thứ ba, 26-11-2024 - 14:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các thị trường châu Á thận trọng cờ đợi kết quả cuộc họp của Fed 

 Thứ năm, 21-3-2024

AsemconnectVietnam - Với tâm lý chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều tăng điểm trong khi giá vàng dao động trong biên độ hẹp còn giá dầu lại đi xuống do xu hướng chốt lời.

Giá dầu châu Á đi xuống trong chiều 20/3, khi đồng USD mạnh hơn đã hạn chế nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, việc các nhà giao dịch chốt lời sau khi “vàng đen” tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng hồi phiên trước đó cũng khiến giá hàng hóa này suy yếu.
Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 28 xu (tương đương 0,3%) xuống 87,10 USD/thùng vào lúc 15 giờ 11 phút (giờ Việt Nam).
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ cũng giảm 32 xu xuống mức 82,41 USD/thùng.
Nhà phân tích độc lập Tina Teng cho biết, hoạt động chốt lời có thể là nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm giá phiên hôm nay.
Ngoài ra, bà lưu ý các đợt tăng giá gần đây hầu hết được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu cải thiện và các dấu hiệu nguồn cung thu hẹp.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng phiên thứ năm liên tiếp sau khi dữ liệu gần đây chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn rất kiên cường.
Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm nhu cầu về hàng hóa này.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi thông báo lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối ngày thứ Tư (giờ địa phương) để tìm thêm các dấu hiệu về lộ trình lãi suất của ngân hàng trung ương này trong phần còn lại của năm.
Ngoài cuộc họp của Fed, thị trường cũng sẽ dành nhiều chú ý tới các báo cáo chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về tình hình các kho dự trữ dầu của nước này.
Báo cáo sẽ được công bố vào lúc 21 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) vào cùng ngày thứ Tư.
Giá vàng "mặc kẹt" trong biên độ hẹp
Giá vàng ít biến động trong phiên 20/3, khi giới giao dịch chờ đợi quyết định chính sách quan trọng từ Fed để tìm thêm tín hiệu về triển vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Cụ thể, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.158,29 USD/ounce vào đầu giờ chiều phiên 20/3. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn nhích 0,1% lên 2.161,60 USD/ounce.
ttxvn_gia vang.jpg
Khách hàng chọn mua trang sức tại tiệm vàng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trọng tâm thị trường sẽ tập trung vào tuyên bố chính sách của Fed cùng cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell sau đó.
Với việc ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định, các nhà giao dịch đang chờ đợi dự báo kinh tế và lãi suất của họ trong thời gian còn lại của năm.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty dịch vụ tài chính City Index cho biết, có khả năng Fed có thể không cắt giảm mạnh tay như các nhà giao dịch dự báo.
Số lần cắt giảm có thể được sửa đổi từ 3 lần xuống 2 lần, thậm chí một lần trong năm nay.
Nếu thành hiện thực, điều đó có thể làm “rung chuyển” thị trường vàng, khiến kim loại quý này thủng ngưỡng 2.050 USD/ounce.
Tuy nhiên, vàng vẫn được hỗ trợ bởi đà tăng chung của thị trường hàng hóa.Chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất của Mỹ được công bố hồi tuần trước “nóng” hơn dự kiến, làm giảm hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất sớm.
Theo công cụ theo dõi dự báo lãi suất FedWatch Tool của công ty dịch vụ tài chính CME, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược Fed có 61% khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 24,95 USD/ounce, giá bạch kim không đổi ở mức 894,20 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, khép phiên 20/3, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,40-81,42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Chứng khoán châu Á hầu hết đi lên
Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều tăng trong phiên 20/3, theo sau một ngày kỷ lục khác trên Phố Wall trước khi cuộc họp chính sách của Fed kết thúc.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều tăng điểm với chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,08% (tương đương 13,59 điểm) lên 16.543,07 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng hải cũng tăng 0,55% (16,93 điểm) lên 3.079,69 điểm.
ttxvn_chung khoan.jpg
Bảng điện tử hiện thị chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 26/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa tăng hơn 1% vào thứ Tư, đa phần nhờ sự phục hồi của cổ phiếu có giá trị vốn hóa hàng đầu là Samsung Electronics và trước khi có kết quả cuộc họp ấn định lãi suất của Fed.
Chỉ số Kospi tiêu chuẩn tăng 33,97 điểm (1,28%) và khép phiên ở mức 2.690,14 điểm. Các thị trường chứng khoán Mumbai, Singapore, Wellington và Manila cũng đi lên.
Nhưng các thị trường Sydney, Đài Bắc (Trung Quốc), Jakarta và Bangkok lại giảm.
Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này.Nhiều người dự đoán Fed sẽ giữ chi phí đi vay ở mức cao nhất trong hai thập kỷ là 5,25-5,5%.
Nhưng các nhà giao dịch cũng sẽ theo dõi các dự báo về số lần cắt giảm dự kiến trong năm nay.
Vào đầu năm 2024, các thị trường đã tính đến khả năng Fed sẽ có sáu lần cắt giảm. Nhưng một loạt dữ liệu mạnh mẽ đã buộc các nhà đầu tư phải điều chỉnh lại con số đó xuống còn ba, thậm chí ít hơn nữa.
Một số người tham gia thị trường cũng lo ngại rằng đợt giảm đầu tiên vốn được nhiều người dự đoán sẽ diễn ra vào tháng Sáu cũng có thể bị lùi lại.
Tại thị trường trong nước, khép phiên 20/3, chỉ số VN-Index tăng 17,62 điểm (1,42%) lên 1.260,08 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,87 điểm (0,79%) lên 234,03 điểm./.
Nguồn: Vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716033995