Thứ ba, 26-11-2024 - 22:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường năng lượng thế giới ngày 5/3: Giá xăng dầu giảm nhẹ, giá gas tăng mạnh 

 Thứ ba, 5-3-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 4/3 giá xăng dầu giảm nhẹ do những lo ngại rủi ro về nhu cầu, trong khi giá gas tăng mạnh.

Giá dầu thô giảm do những lo ngại về nhu cầu lấp áp thông tin OPEC+ gia hạn thoả thuận giảm sản lượng tự nguyện đến giữa năm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay OPEC+, đã gia hạn mức giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II/2024 để hỗ trợ giá trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng toàn cầu và sản lượng tăng ngoài nhóm.
Tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung dầu nhiên liệu chưng cất của Mỹ, gồm cả dầu sưởi, đã giảm trong tháng 12 xuống 3,61 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 10% so với tháng 11 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Dù vậy, thông báo của Nga rằng họ sẽ giảm sản lượng dầu và xuất khẩu thêm 471.000 thùng/ngày trong quý II/2024 đã khiến một số nhà phân tích bất ngờ, theo Reuters.
Nhà phân tích dầu thô tại Kpler Viktor Katona cho biết việc giảm bổ sung của Nga có mối tương quan chặt chẽ với mức giảm 400.000 thùng/ngày trong hoạt động lọc dầu của nước này, phần lớn xuất phát từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở lọc dầu trên khắp Nga.
Mặc dù giá xăng dầu đang chịu áp lực giảm, thị trường vẫn đang ghi nhận tình trạng bù hoãn bán (backwardation) với việc giá giao ngay cao hơn giá của các hợp đồng tương lai. Hiện các hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 4/2024 đang cao hơn tới 4,56 USD/thùng so với các hợp đồng giao tháng 10/2024; trong tuần trước, mức chênh lệch này chỉ ở khoảng 4 USD/thùng.
Thông thường, các hợp đồng có kỳ hạn dài hơn sẽ có giá cao hơn các hợp đồng có kỳ hạn gần do phản ánh chi phí lưu giữ dầu thô. Tình trạng bù hoãn bán hiện nay phản ánh lo ngại thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Một số nhà phân tích kỳ vọng các nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ sẽ bắt đầu tái khởi động trở lại kể từ tháng 3 tới đây khi các hoạt động bảo dưỡng kết thúc; qua đó, giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dầu thô.
Bên cạnh đó, động thái quyết liệt cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC+ cho thấy liên minh này sẽ nỗ lực để giá dầu thô không giảm xuống quá sâu. Các ước tính hiện tại cho thấy phần lớn các quốc gia thành viên OPEC+ cần giá dầu thô Brent trên mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách năm nay.
Theo chiều ngược lại, giá gas tăng mạnh 3,32% lên mức 1,9 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 4/2024.
Theo trang Daily News Egypt, nhu cầu toàn cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được dự đoán sẽ tăng hơn 50% vào năm 2040, do quá trình chuyển đổi từ than sang khí đốt công nghiệp tăng tốc ở Trung Quốc, các nước Nam Á và Đông Nam Á sử dụng nhiều LNG hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của họ.
Thương mại LNG toàn cầu đạt 404 triệu tấn vào năm 2023, tăng từ 397 triệu tấn vào năm 2022, với nguồn cung LNG hạn chế đã hạn chế tăng trưởng trong khi vẫn giữ giá và biến động giá trên mức trung bình lịch sử.
Theo ước tính mới nhất của ngành, nhu cầu về khí đốt tự nhiên đã đạt đỉnh ở một số khu vực nhưng vẫn tiếp tục tăng trên toàn cầu, với nhu cầu LNG dự kiến sẽ đạt khoảng 625 - 685 triệu tấn/năm vào năm 2040.
Trong thập kỷ tới, sản lượng khí đốt trong nước giảm ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á có thể khiến nhu cầu về LNG tăng cao do các nền kinh tế này ngày càng cần nhiên liệu cho các nhà máy điện hoặc ngành công nghiệp chạy bằng khí đốt. Tuy nhiên, các nước ở Nam Á và Đông Nam Á sẽ cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt.
Khí đốt bổ sung cho năng lượng gió và mặt trời ở các quốc gia có mức năng lượng tái tạo cao trong tổ hợp sản xuất điện của họ, mang lại sự linh hoạt trong ngắn hạn và an ninh nguồn cung dài hạn.
Bất chấp thị trường toàn cầu được cung cấp đầy đủ vào năm 2023, việc thiếu nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga tới châu Âu và mức tăng trưởng nguồn cung LNG hạn chế trong năm qua có nghĩa là thị trường khí đốt toàn cầu vẫn thắt chặt và dễ bị gián đoạn nguồn cung.
N.Hao
Nguồn: Vitic
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716042653