Thứ sáu, 22-11-2024 - 8:27 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 1/2024 

 Thứ ba, 27-2-2024

AsemconnectVietnam - Tháng 1/2024 xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 749,79 triệu USD, tăng 64% về kim ngạch so với tháng 1/2023.

Trong khi đó, nhập khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 246,03 triệu USD, tăng 30,5% về kim ngạch so với tháng 1/2023.
Tình hình xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ đạo của Việt Nam tháng 1/2024
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 749,79 triệu USD, tăng nhẹ 0,6% về kim ngạch so với tháng 12/2023; nhưng tăng mạnh 64% so với tháng 1/2023.
Nhật Bản đứng đầu về thị trường tiêu thụ thủy sản của Việt Nam, chiếm 17,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt 130,27 triệu USD, tăng 5,1% về kim ngạch so với tháng 12/2023 và tăng 42,9% so với tháng 1/2023.
Tiếp sau đó là thị trường Mỹ chiếm 14,8%, đạt 110,97 triệu USD, giảm 2,1% về kim ngạch so với tháng 12/2023 nhưng tăng mạnh 62,9% so với tháng 1/2023.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 100,87 triệu USD, tăng 10,7% về kim ngạch so với tháng 12/2023 và cũng tăng mạnh 291% so với tháng 1/2023, chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 385,84 triệu USD, tăng 4% so với tháng 12/2023 và cũng tăng mạnh 67,3% so với tháng 1/2023.
Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 58,94 triệu USD, tăng 18,2% so với tháng 12/2023 và tăng 19% so với tháng 1/2023.
Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 69,45 triệu USD, giảm 10,7% so với tháng 12/2023 nhưng tăng 32% so với tháng 1/2023.
Tình hình nhập khẩu thủy sản và các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ đạo của Việt Nam tháng 1/2024
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 nhập khẩu thủy sản đạt trên 246,03 triệu USD, tăng 10,9% về kim ngạch so với tháng 12/2023; và tăng 30,5% so với tháng 1/2023.
Indonesia đứng đầu về thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam, chiếm 17% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước, đạt 41,81 triệu USD, tăng 70,8% về kim ngạch so với tháng 12/2023 và tăng 78,8% so với tháng 1/2023.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,6% trong tổng kim ngạch, đạt 28,54 triệu USD, tăng 9,2% về kim ngạch so với tháng 12/2023 và tăng mạnh 89,4% so với tháng 1/2023.
Thị trường Ấn Độ đứng thứ 3 đạt 28,03 triệu USD, tăng 13,7% về kim ngạch so với tháng 12/2023 nhưng giảm 2,3% so với tháng 1/2023, chiếm 11,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước.
Nhập khẩu từ các thị trường FTA RCEP đạt 103,99 triệu USD, tăng 26,2% so với tháng 12/2023 và tăng 68% so với tháng 1/2023.
Nhập khẩu từ các thị trường CPTTP đạt 23,24 triệu USD, giảm 7,8% so với tháng 12/2023 nhưng tăng 30,3% so với tháng 1/2023.
Nhập khẩu từ các thị trường Đông Nam Á đạt 49,73 triệu USD, tăng 57,9% so với tháng 12/2023 và tăng 64,5% so với tháng 1/2023.
Một số mặt hàng thủy sản chủ lực đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1/2024
Trong tháng 1/2024, một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể, xuất khẩu tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.
Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) với mức tăng gấp hơn 3 lần và trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật.
Trong đó, riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 1/2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 63%; sang Nhật Bản tăng 43%; sang EU tăng 34%...
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như: lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…
Có một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.
Đối với ngành cá tra, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn một chút. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 bắt đầu khởi sắc, do vậy giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000 - 26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28.000 - 29.000 đồng/kg đầu năm nay.
Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng hy vọng xuất khẩu năm nay tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được con số lạc quan là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.
Ngành hải sản cũng như thủy sản nói chung đang phải chịu tác động của nhiều biến số khó lượng như: xung đột ở Nga - Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt. Ngoài ra, riêng với hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loài cá biển gần như bị đình trệ xuất khẩu vì vấn đề thẻ vàng IUU cùng với những khó khăn về nguyên liệu thiếu hụt.
Nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, hy vọng tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
CK
Nguồn: VITIC/Vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715930552