Thứ sáu, 22-11-2024 - 8:49 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 1/2024 

 Thứ hai, 26-2-2024

AsemconnectVietnam - Tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương trên 362,26 triệu USD, tăng 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch so với tháng 1/2023.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá.
Các thị trường chủ đạo xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 1/2024
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, giá trung bình 691,5 USD/tấn, tăng 7,8% về lượng, tăng 8,1% về kim ngạch và tăng nhẹ 0,3% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng mạnh 117,2% về lượng, tăng 201% về kim ngạch và tăng 38,5% về giá.
Tiếp sau đó là thị trường Pháp chiếm trên 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, giá trung bình 1.040,2 USD/tấn, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023; trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 27.256 tấn, tương đương 18,08 triệu USD, giá 663,3 USD/tấn, giảm 35,8% về lượng và giảm 29,3% về kim ngạch nhưng tăng 10% về giá so với tháng 12/2023; giảm 68,3% về lượng, giảm 55,8% kim ngạch và tăng 39,2% về giá so với tháng 1/2023, chiếm gần 5% trong tổng lượng và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 351.286 tấn, tương đương 240,54 triệu USD, tăng 24,4% về lượng, tăng 66,2% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 36.278 tấn, tương đương 24,32 triệu USD, tăng 84,4% về lượng, tăng 123,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 341.006 tấn, tương đương 234,08 triệu USD, tăng 46,4% về lượng, tăng 103,7% kim ngạch.
Dự báo tình hình xuất khẩu gạo cả năm 2024
Dù có những yếu tố khách quan khó đoán định nhưng chuyên gia, doanh nghiệp đều đánh giá thị trường của ngành lúa gạo trong năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan. Tuy vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào động thái của Ấn Độ về việc có xem xét dỡ bỏ lệnh cấm.
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm 2024.
Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 8,29 triệu tấn gạo, đem về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, Chính phủ đã không ra quyết định cấm xuất khẩu gạo khi chứng minh Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng xuất khẩu. Năm 2023, giá vật tư thấp, lợi nhuận nông dân tăng kép khi giá lúa gạo tăng. Đánh giá thành công về xuất khẩu gạo là dành cho cả chuỗi, không có tình trạng bên này lời, bên kia lỗ.
Lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan trong năm vừa qua, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, đánh giá gạo ngắn ngày của Thái Lan không thơm như Việt Nam. Đây không hẳn là do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới - còn Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá cao sẽ tiếp tục cao.
Đặc biệt, trong khi các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết "sống" chung với biến đổi khí hậu.
Dự báo về năm 2024, nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia đều nhìn nhận, thị trường đang tiếp đà khởi sắc. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lạc quan cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn.
“Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải ăn may mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao chứ không phải ăn may”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cũng dự báo giá lúa gạo trong năm 2024 và trong tương lai vẫn giữ ở mức cao, Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân. Những năm trước, giá gạo xuất khẩu ở mức thấp, còn giá gạo hiện tại mới phù hợp với công sức của bà con.
Theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu tại Philippines. Nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn/năm và năm 2024 cũng vậy. Điều này cho thấy dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà ông Thành lưu ý là vừa qua, ông có đưa đoàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sang khảo sát Philippines nhưng tiếc là tìm không thấy gạo Việt Nam trên thị trường. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan lại làm thương hiệu rất tốt. "Rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng không hề biết, chúng tôi rất trăn trở về điều này. Do vậy, xuất khẩu gạo vào Philippines cần xây dựng thương hiệu, đây là nhiệm vụ lớn cần làm bên cạnh số lượng", ông nói.
Dự báo về năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nếu giá gạo có giảm như năm 2021-2022 thì vẫn bảo đảm nông dân có lợi. “Tôi mong rằng nếu giá lúa gạo có lên 1.000 USD/tấn, không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng có lãi. Phải làm sao các thành tố trong chuỗi đều có lời, dù chưa được công bằng”, ông Tùng cho biết.
Tại họp báo tổng kết ngành Nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, giá gạo năm 2024 sẽ tăng - giảm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính, chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ và biến đổi khí hậu El Nino.
Trong đó, bất cứ động thái nào của Ấn Độ về chính sách xuất khẩu lúa gạo sẽ tác động ngay tới thị trường thế giới. Tuy vậy, một số tổ chức tài chính thế giới vẫn dự báo giá lúa gạo 2024 vẫn ở mức độ cao, nhưng khó được như năm 2023.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu năm 2024 gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha lúa, đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn thóc, đảm bảo đủ an ninh lương thực trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đồng thời xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.
Năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc năng lực của chính các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường.
CK
Nguồn: VITIC/vnbusiness

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715930842