Thứ sáu, 22-11-2024 - 8:4 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất nhập khẩu tháng 1 và dự báo năm 2024 

 Thứ sáu, 23-2-2024

AsemconnectVietnam - Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt hơn 65 tỷ USD và ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng ở cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 1 tăng hơn 1 tỷ USDXuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 1 tỷ USD/ngày
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan công bố hôm nay (21/2), tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cả nước đạt 34,53 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2023.
Tất cả các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng ấn tượng. Trong đó phải kể đến 7 nhóm hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đáng chú ý, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu với kim ngạch đạt 5,58 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,9 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ 2023.
Trong tháng đầu năm có 4 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải; sắt thép.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục giữ vững ngôi vị là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 8,56 tỷ USD, tăng 30,5%. Các nhóm hàng còn lại cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, thậm chí kim ngạch nhập khẩu sắt thép còn tăng tới 101,6% (đạt gần 1,06 tỷ USD).
Như vậy, tháng 1/2024 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt con số ấn tượng 65,43 tỷ USD và con số xuất siêu đạt 3,63 tỷ USD.
Xuất khẩu sắn tháng 1/2024 tăng trưởng kỷ lục
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024 xuất khẩu sắn đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục. Đây cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1 năm 2024, xuất khẩu sắn đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục. Cụ thể trong tháng 1, xuất khẩu sắn đạt 76.118 tấn với trị giá hơn 19,9 triệu USD, tăng 369,6% về lượng và tăng 340,8% so với tháng 12/2023. Đồng thời tăng mạnh 30,9% về lượng và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, sắn là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 262 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với tháng trước. Tính chung nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 195 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước đó.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Tháng 1/2024, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 401.945 tấn sắn và thu về hơn 183 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng trước. Thị phần của Trung Quốc cũng đã tăng từ 91% trong năm 2023 lên 94% trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn, sau Thái Lan.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Các biện pháp duy trì tăng trưởng xuất khẩu năm 2024
Theo các chuyên gia, nhờ đơn hàng xuất khẩu phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm 2023 nối tiếp sang năm mới, hết tháng đầu tiên của năm 2024, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ví trí ngành hàng xuất khẩu dẫn đầu, với 5,8 tỷ USD
Tuy nhiên, sự tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ cũng chưa nói lên quá nhiều điều, bởi tháng 1/2023, là thời điểm có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nên xuất khẩu cả nước đạt chưa đầy 24 tỷ USD (riêng điện thoại, linh kiện đóng góp 5 tỷ USD).
Để tiếp tục giữ vị trí ngành hàng xuất khẩu dẫn đầu, trong các tháng tiếp theo, doanh nghiệp sản xuất điện thoại, linh kiện còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Bởi năm ngoái, nhóm hàng này đã tăng trưởng âm 30,5% tại Hàn Quốc và âm 33,5% tại Hoa Kỳ.
Theo dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng.
Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024, có vai trò quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng dành cho cộng đồng doanh nghiệp.
Giới chuyên gia lưu ý việc cân bằng và đa dạng hóa giữa các thị trường, khách hàng và chủng loại sản phẩm cung ứng rất quan trọng. Nhất là vừa có thể duy trì được khách hàng và thị trường truyền thống, vừa tránh được việc “bỏ trứng vào 1 giỏ” khi thị trường gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cần ở tâm thế sẵn sàng để đón các cơ hội quay trở lại, cũng như linh hoạt ứng phó trước các thách thức, có được sách lược phù hợp nhất cho mình.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong năm 2024, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phương châm hành động năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo và hiệu quả bền vững”. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động sáng tạo trong công tác phát triển thị trường cho sản phẩm địa phương, ngành hàng, phối hợp sát sao với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu phục vụ phát triển sản xuất…
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715930090