Thứ sáu, 22-11-2024 - 10:4 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Dự báo xuất khẩu dệt may năm 2024 

 Thứ sáu, 16-2-2024

AsemconnectVietnam - Xuất khẩu dệt may của Việt Nam những ngày đầu năm 2024 đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng căng thẳng ở biển Đỏ, sức hồi phục chậm tại các thị trường lớn cộng hưởng với thách thức từ nội tại.

Tại báo cáo mới công bố gần đây, SSI Research đánh giá triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng.
Nguyên do, triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm dệt may.
Hiện nhiều thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới cũng đưa ra nhận định “không chắc chắn” về triển vọng thị trường trong năm 2024.
SSI Research cũng cho biết, vấn đề quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Điều này sẽ dẫn tới rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.
Mặt khác, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quý 1/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bao gồm xuất khẩu dệt may, trong bối cảnh chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023.
Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.
“Việc các hãng vận tải tạm dừng vận chuyển qua vùng Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài thêm từ 7-15 ngày do tàu phải di chuyển qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, cũng lập tức đẩy tăng chi phí”, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay.
Vì vậy, SSI Research cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 1/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt.
Mặt khác, Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do đang được thực thi đã mở ra cơ hội thị trường lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời tạo nên áp lực cạnh tranh không hề nhỏ. Nhất là khi Việt Nam đang yếu thế trong cuộc cạnh tranh về giá bởi chi phí tiền lương, chi phí logistics tăng, cộng hưởng lãi suất cao.
Bên cạnh “ngoại tác động”, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp dệt may còn chịu “nội tác động”. Trong đó, thiếu nguyên phụ liệu vẫn là một thách thức khó giải.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự chủ động trong sản xuất, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà còn liên quan tới định hướng phát triển ngành công nghiệp thời trang mạnh. Cùng đó, là những thách thức về chi phí sản xuất cao, chính sách thuế, nguồn nhân lực và lãi suất tín dụng.
Do đó, để doanh nghiệp dệt may ứng phó với những biến động trên thị trường, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần sớm đi vào cuộc sống. Chính phủ và Bộ Công Thương sớm làm việc với các địa phương để hoạch định các quy hoạch phát triển khu công nghiệp và cho phép kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt và nhuộm, nhất là vào dệt nhuộm vải cao cấp, vải dệt thoi, dệt kim.
Về thuế, theo ông Vũ Đức Giang, đây là rào cản khá nhạy cảm. Doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực chi: Lãi vay ngân hàng, chi phí trả lương cho người lao động… Nếu không tạo ra chính sách thuế phù hợp, rất khó để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức thời điểm hiện tại. “Ngành tài chính cần xem xét lại cơ chế xuất khẩu tại chỗ, thuế VAT đầu vào…”, ông Giang nhấn định.
Về chuyển đổi xanh trong sản xuất, sản xuất xanh không chỉ là yếu tố môi trường, mà còn là nguyên liệu tái chế, công nghệ thiết bị, trong đó có chuyển đổi từ công nghệ đốt nồi hơi bằng than, củi sang sử dụng điện. Chi phí là vấn đề quan trọng cần tính đến. Vì vậy, cần có cơ chế về tài chính khuyến khích để tạo ra dòng tài chính cho đầu tư xanh.
Cùng đó, cần hình thành trung tâm thời trang tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cần có sân chơi cho các nhà thiết kế, có sàn diễn để phát triển thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Về tác động từ căng thẳng ở Biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khuyến nghị, doanh nghiệp cần tính đến bài toán chuyển hướng thị trường xuất khẩu, giảm bớt thị phần tại các thị trường đang gặp khó như châu Âu và Mỹ, tìm hướng đi mới để duy trì hoạt động, tránh gián đoạn dòng chảy hàng hóa.
Các hiệp hội ngành hàng trong đó có dệt may, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.
Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.
Ngành dệt may được kỳ vọng hồi phục từ nửa cuối năm 2024
Ngành dệt may dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Các chuyên gia kỳ vọng, ngành này sẽ hồi phục từ nửa cuối năm 2024.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam dự báo có thể hồi phục từ nửa cuối năm 2024
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 40 tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với năm 2022.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), nguyên nhân ngành dệt may có sự sụt giảm do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU bị lạm phát, kéo theo sức mua yếu dẫn đến đối tác cắt giảm đơn hàng từ nửa cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh lớn với các đối thủ khác trên trường quốc tế, trong đó có Bangladesh. Chi phí sản xuất tại Bangladesh thấp hơn đáng kể đã tác động không nhỏ đến sự sụt giảm của ngành dệt may Việt Nam trong năm qua.
DSC nhận định rằng, hàng may mặc là sản phẩm không thiết yếu, chỉ khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm dệt may mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại.
Đồng quan điểm trên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa thật sự khởi sắc.
SSI cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan sẽ dẫn đến người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm dệt may.
Hiện nhiều thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, biện pháp phòng thủ, số lượng hàng nhập vẫn còn thấp, dẫn đến việc tăng trưởng đơn hàng chậm của các nhà cung cấp.
Các chuyên gia nhận định rằng, với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã dừng tăng lãi suất, sức mua của người tiêu dùng sẽ hồi phục, trong đó có nhu cầu về thời trang, may mặc.
Với việc nằm ở vị trí thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may tại Việt Nam, mảng sợi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi ngành dệt may suy thoái và cũng là mảng được kỳ vọng sẽ phát tín hiệu phục hồi sớm nhất.
Mảng sợi sẽ hồi phục mạnh hơn vào cuối quý 1/2024 khi nhu cầu tiêu thụ sợi sẽ gia tăng để bù đắp cho lượng hàng tồn kho đã suy giảm sau mùa mua sắm vào cuối năm 2023.
Số lượng đơn và giá bán sản phẩm dệt may xuất khẩu của các công ty dệt may Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp trong quý 1/2024. Từ nửa cuối năm 2024, ngành dệt may mới có sự hồi phục mạnh mẽ.
Ưu tiên phát triển bền vững
Liên quan đến công tác phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Theo ông Giang, các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngành dệt may cần trú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện… Chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro... cũng cần được quan tâm hơn nữa.
Để vượt qua những khó khăn và nhanh chóng hồi phục, phát triển, các doanh nghiệp dệt may cũng cần giải quyết các vấn đề như: Cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ liên quan ngành; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung…
Các chuyên gia kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực của toàn ngành, trong năm 2024, ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715932302