Thứ bảy, 23-11-2024 - 0:25 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Việt Nam, EU và Bỉ thúc đẩy hợp tác xanh, bền vững 

 Thứ năm, 1-2-2024

AsemconnectVietnam - Hợp tác với EU về biến đổi khí hậu và chuyển đổi Xanh, không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mà còn nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững của cả nền kinh tế

Từ ngày 30/1 - 3/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 24 (AEMM) và Diễn đàn cấp bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPMF) lần thứ 3 diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ, theo lời mời của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Joseph Borrell Fontelles, kết hợp thăm, làm việc tại Vương quốc Bỉ.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đánh giá về sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo cho biết tham dự IPMF có gần 70 đoàn, từ các nước thành viên EU, hơn 40 nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đại diện một số tổ chức quốc tế lớn, do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng Thư ký… dẫn đầu.
Diễn đàn là sáng kiến của EU từ năm 2022, là cơ chế quan trọng để EU cùng toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn, chia sẻ đánh giá về những diễn biến, xu thế mới của thế giới; điểm lại thành tựu và đề ra phương hướng, triển vọng hợp tác mới gắn kết hai khu vực châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó tăng cường đoàn kết và phối hợp giải quyết các vấn đề chung toàn cầu.
Nội dung của diễn đàn tập trung vào 3 chủ đề chính: Thịnh vượng chung, tự cường kinh tế và đầu tư; Chuyển đổi Xanh - đối tác vì tương lai bền vững; và Các thách thức địa chiến lược và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đoàn Việt Nam do Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề chuyển đổi Xanh. Đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm rất tiềm năng và được ưu tiên cao trong hợp tác Việt Nam-EU.
Chuyển đổi Xanh, bền vững là xu thế phát triển tất yếu của kinh tế thế giới, cũng là định hướng phát triển của Việt Nam được Đảng và Nhà nước đề ra.
Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó hợp tác với EU, đối tác hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu và chuyển đổi Xanh, không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mà quan trọng hơn là nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững của cả nền kinh tế, có tác động bao trùm tới toàn thể người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Hợp tác chuyển đổi Xanh cũng mang tính toàn diện với nhiều lĩnh vực quan trọng trong ưu tiên phát triển của Việt Nam, như kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế Số, kinh tế biển.
Đối với EU, đây là lĩnh vực có thế mạnh hàng đầu. EU cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác đa dạng, vừa do nhu cầu của liên minh muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro, triển khai chiến lược phát triển Xanh; vừa để nâng cao vai trò, vị thế toàn cầu.
Cộng đồng quốc tế và EU đánh giá cao những cam kết và hành động mạnh mẽ thiết thực của Việt Nam, bao gồm các cam kết giảm phát thải, việc tham gia Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng (JETP).
Tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham dự Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu (GGF) do EU tổ chức tại Brussels, nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam trong tăng trưởng xanh, được EU và các nước tham gia rất hoan nghênh. EU nhấn mạnh mong muốn hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam để xây dựng hình mẫu hợp tác kiểu mới giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong lĩnh vực quan trọng này.
Liên quan đến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 24. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 5 năm và kể từ sau đại dịch COVID-19, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và EU gặp mặt trực tiếp (tháng 12/2020, Việt Nam chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 theo hình thức trực tuyến; trước đó Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 22 được tổ chức trực tiếp tại Brussels tháng 1/2019).
ASEAN và EU là hai tổ chức có vai trò chủ đạo tại hai khu vực và cũng là hình mẫu thành công nhất hiện nay trên thế giới. Kể từ khi thiết lập quan hệ đối ngoại năm 1977, sau 45 năm phát triển, đến nay hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược tại Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU vào tháng 12/2022 tại Brussels.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần này là sự tiếp nối, phát huy kết quả quan trọng của hội nghị cấp cao vừa qua, qua đó thúc đẩy quan hệ hai bên lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả và chiến lược.
Đề cập đến quan hệ Việt Nam-Bỉ, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh mối quan hệ đã phát triển vượt bậc thời gian qua, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức rất thành công tới Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (12/2022).
Lãnh đạo và nhân dân hai nước gắn bó khăng khít qua một loạt các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là các đoàn thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Liên bang Bỉ (8/2023), Bộ trưởng Thủ hiến Vùng Flanders, cùng đoàn doanh nghiệp (9/2023), đoàn doanh nghiệp vùng Wallonie (12/2023).
Về phía Việt Nam, đó là các chuyến thăm Bỉ của đoàn Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (11/2023), các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2/2023), Bộ Tài chính (7/2023), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (9/2023), Bộ Công Thương (12/2023), cũng như đoàn lãnh đạo các địa phương và cơ quan khác.
Dự kiến năm 2024, Nhà vua Bỉ cũng sẽ thăm chính thức Việt Nam, là chuyến thăm duy nhất ra ngoài khối EU của Nhà vua Bỉ trong năm nay.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định các chuyến thăm này, cùng với các hoạt động kết nối kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư dồn dập thời gian qua, là nền tảng vững chắc để hai bên khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác.
Bỉ hiện là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng ngoài nông nghiệp Bỉ cũng là quốc gia có thế mạnh vượt trội về cơ sở hạ tầng, cảng biển, năng lượng (hydrogen) và y tế và dược phẩm.
Đây là những lĩnh vực rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu của Việt Nam và khả năng của Bỉ, cần phải tích cực tận dụng cơ hội để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Ngoài ra, Bỉ đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng EU trong 6 tháng đầu năm 2024, cũng là một trong những thành viên sáng lập, có vai trò và tiếng nói tại EU. Vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo với vai trò là Chủ tịch Hội đồng EU.
Do vậy, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng ngoài hợp tác song phương, Việt Nam cần tăng cường phối hợp cùng Bỉ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế nói chung và thương mại và đầu tư nói riêng giữa Việt Nam và EU, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới, đẩy mạnh trong thời gian tới. EU là một đối tác kinh tế quan trọng, có công nghệ cao, công nghệ nguồn và là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, đa dạng mặt hàng, đặc biệt những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng.
Nhu cầu nhập khẩu này có tính ổn định, giá cả cao, biên độ lợi nhuận lớn. Việt Nam có thế mạnh là một trong 4 nước châu Á có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU. EU cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng và mong muốn hợp tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, hợp tác với EU cũng có nhiều thách thức: thị trường EU là thị trường tiêu chuẩn cao, hệ thống luật lệ phức tạp; khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải và logistics cao; và khác biệt về văn hóa tiêu dùng, trình độ phát triển.
Các mặt hàng của Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định của EU, đặc biệt là các quy định mới như chống phá rừng, tiêu chuẩn carbon, trách nhiệm giải trình,... sẽ tác động mạnh mẽ đến nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và ảnh hưởng tới lợi ích từ FTA giữa EU-Việt Nam (EVFTA).
Theo đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đề xuất Việt Nam cần có chiến lược toàn diện, bài bản để thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư một cách hiệu quả trong thời gian tới, trong đó phải xác định rõ nhu cầu và lĩnh vực Việt Nam muốn hợp tác, tập trung vào những sản phẩm, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có tác động lan tỏa, có khả năng tạo đột phá và có nhu cầu hợp tác; xác định rõ địa bàn, đối tác tiềm năng để đạt hiệu quả xúc tiến thương mại đầu tư, giảm thiểu rủi ro và chi phí không cần thiết; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư chuyên sâu tại thị trường EU để tạo sự hiểu biết lẫn nhau và kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước; đồng thời có hoạt động triển khai, giữ liên hệ và các hoạt động tiếp nối để duy trì đà hợp tác.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định với hệ thống các cơ quan đại diện lớn mạnh ở châu Âu, Đại sứ quán-Phái đoàn và các cơ quan đại diện sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/viet-nam-eu-va-bi-thuc-day-hop-tac-xanh-ben-vung-post924038.vnp

  PRINT     BACK
 Cabo Verde chính thức chấp nhận Hiệp định về trợ cấp nghề cá
 Đối thoại về ô nhiễm nhựa hoàn thiện nội dung Tuyên bố cấp Bộ trưởng MC13
 Bồ Đào Nha tài trợ 50.000 EUR cho Cơ chế tài trợ thủy sản của WTO
 Áo hỗ trợ 200.000 EUR giúp nâng cao chuyên môn thương mại của các nền kinh tế đang phát triển
 Các thành viên đạt được tiến bộ về kết quả bền vững về thương mại và môi trường cho MC13
 Nâng quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam-UAE lên tầm cao mới
 Phó Tổng Giám đốc Hill nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định IFD nhằm thúc đẩy phát triển bền vững
 Dữ liệu lúa mì WTO: Gia tăng các chuyến hàng lúa mì tránh đi qua kênh đào Suez
 Đức tài trợ 1,95 triệu EUR thúc đẩy thương mại thực phẩm an toàn
 WTO không lạc quan về tình hình thương mại trên toàn cầu trong 2024
 Các cuộc đàm phán về nông nghiệp bước vào giai đoạn cuối cùng khi MC13 đến gần
 Phó Tổng Giám đốc Ellard nêu bật các ưu tiên đàm phán của các thành viên và các vấn đề cải cách WTO trước MC13
 Phó Tổng Giám đốc Hill nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại dịch vụ và thương mại điện tử tại hội thảo về WTO
 Chủ tịch Ban Công tác thăm Baghdad để tổ chức tham vấn cấp cao về việc Iraq gia nhập
 Khi bắt đầu “Tháng Cá”, các thành viên WTO thông qua dự thảo văn bản làm cơ sở cho hoạt động hướng tới MC13

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715947622