Thứ tư, 27-11-2024 - 13:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường lúa mì thế giới tháng 1/2024 

 Thứ ba, 30-1-2024

AsemconnectVietnam - Giá lúa mì thế giới tháng 1/2024 biến động nhẹ ở các nước xuất khẩu lớn trên thế giới.

Giá lúa mì EU giảm 5 USD/tấn xuống 245 USD/tấn trong khi giá lúa mì Nga tăng 5 USD/tấn lên 245 USD/tấn trong bối cảnh xuất khẩu mạnh mẽ. Chính phủ đặt ra hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc là 24 triệu tấn từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 6/2024, nhưng thông báo này ít ảnh hưởng đến giá vì hạn ngạch đủ để trang trải cho các chuyến hàng dự kiến trong giai đoạn này. Lúa mì Achentina giảm 2 USD/tấn xuống 248 USD/tấn và lúa mì Úc tăng 1 USD/tấn lên 303 USD/tấn. Lúa mì Canada giảm 2 USD/tấn xống 315 USD/tấn và lúa mì Mỹ giảm 9 USD/tấn xuống 285 USD/tấn với triển vọng cải thiện cho vụ mùa tiếp theo và nhu cầu mờ nhạt từ thị trường nước ngoài.
Báo cáo tháng 1/2024 của USDA dự báo nguồn cung, thương mại và tồn kho cuối kỳ lúa mì toàn cầu niên vụ 2023/24 tăng so với báo cáo tháng 12/2023.
Nguồn cung lúa mì toàn cầu tăng 3,6 triệu tấn lên 1.056,5 triệu tấn do tồn kho đầu kỳ và sản lượng cao hơn. Tồn kho đầu kỳ trên toàn cầu tăng chủ yếu là kết quả của việc điều chỉnh tăng 2,2 triệu tấn lên 3,5 triệu tấn đối với Ukraine, do điều chỉnh giảm đối với mức sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác kể từ năm 2021/22.
Sản lượng tăng đối với Nga, Ả Rập Saudi và Ukraine. Bất chấp những điều chỉnh tăng trong tháng này đối với xuất khẩu từ Úc, Canada, Nga và Ukraine, thương mại toàn cầu vẫn được dự báo dưới mức kỷ lục của năm ngoái. Nhập khẩu được dự báo tăng đối với Liên minh châu Âu.
Dự trữ toàn cầu cũng được dự báo tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2015/16. Đối với Mỹ, USDA dự báo tồn kho lúa mì cuối niên vụ 2023/24 giảm 11 triệu bushels do nguồn cung giảm nhưng mức sử dụng ít hơn. Việc sử dụng lúa mì làm hạt giống giảm 1 triệu bushels xuống còn 64 triệu bushels. Sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đich khác trong năm 2023/24 không thay đổi. Dự báo giá nông sản trung bình theo mùa ở Mỹ giảm 10 xu mỗi bushel xuống còn 7,20 USD.
USDA dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga trong niên vụ 2023/24 sẽ đạt kỷ lục mới ở mức 51 triệu tấn, tăng 3,5 triệu tấn so với năm trước nhờ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Tây bán cầu (Brazil, Mexico). Mặc dù khoảng cách từ các cảng của Nga đến thị trường Tây bán cầu lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, giá xuất khẩu của Nga thấp hơn đã vượt qua lợi thế vận chuyển hàng hóa của các nhà xuất khẩu này.
Xuất khẩu lúa mì của Ukraine ước tính tăng 1,5 triệu tấn lên 14 triệu tấn nhờ tốc độ xuất khẩu mạnh mẽ sang Liên minh châu Âu. Dự trữ lúa mì Ukraine cũng được điều chỉnh tăng theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Nhà nước cho thấy dự trữ lớn hơn và sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác thấp hơn trong năm 2021/22 và 2022/23.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu tăng 1,8 triệu tấn lên 796,5 triệu tấn, chủ yếu do nhờ tiêu thụ làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác cao hơn ở Ấn Độ và Liên minh châu Âu. Theo báo cáo của Tập đoàn Thực phẩm Ấn Độ, mức tiêu thụ ở Ấn Độ tăng thêm 1,3 triệu tấn dựa trên việc sử dụng nhiều hơn từ các kho dự trữ mới nhất của chính phủ.
Tiêu thụ lúa mì của EU tăng nhờ nhập khẩu dự kiến tăng từ Ukraine, bù đắp một phần cho việc giảm sử dụng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi.
Nhu cầu nhập khẩu lúa mì của EU tăng mạnh vào năm 2022/23 do hạn hán nghiêm trọng ở Tây Ban Nha và sản lượng giảm ở Đức. Do sản lượng lúa mì giảm và nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, Tây Ban Nha đã trở thành điểm đến hàng đầu của lúa mì Ukraine trong năm nay, tiếp theo là Romania.
Với tốc độ nhập khẩu mạnh mẽ từ Ukraine, nhập khẩu lúa mì của EU được dự báo tăng 2,5 triệu tấn trong 1/2024 lên 11 triệu tấn. Với tỷ lệ lúa mì chất lượng làm thức ăn chăn nuôi lớn hơn từ vụ mùa 2023/24, nhiều nước EU đã nhập khẩu khối lượng lớn lúa mì Ukraine để làm thức ăn chăn nuôi. Sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác của EU được điều chỉnh tăng 1 triệu tấn lên 45,5 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước, bù đắp một phần sự sụt giảm trong lượng sử dụng ngũ cốc thô làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716054937