Thị trường đậu tương thế giới tháng 1/2024
Thứ ba, 30-1-2024AsemconnectVietnam - Tháng 1/2024, giá đậu tương thế giới giảm so với tháng 12/2023 do nguồn cung cao hơn từ các nhà sản xuất Nam Mỹ khác có khả năng bù đắp thiệt hại mùa màng ở Brazil. Kỳ vọng vụ mùa Achentina sẽ tăng gần gấp đôi trong năm nay lên gần 50 triệu tấn, trong khi sản lượng tăng cũng dự kiến ở Paraguay và Uruguay. Giá trung bình trong tháng này là 12,4 USD/bushel.
USDA dự báo sản lượng đậu tương toàn cầu năm 2023/24 tăng 0,1 triệu tấn lên 399 triệu do sản lượng cao hơn ở Achentina, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Paraguay và Bolivia, ngược lại giảm ở Brazil. Lượng mưa dồi dào đầu mùa đã cải thiện triển vọng năng suất cho Achentina và Paraguay, nâng sản lượng thêm 2 triệu tấn lên 50 triệu tấn và 0,3 triệu tấn lên 10,3 triệu tấn tương ứng với mỗi nước.
Sản lượng đậu tương của Trung Quốc tăng 0,3 triệu tấn lên 20,8 triệu tấn theo báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Sản lượng đậu tương của Nga tăng 0,4 triệu tấn lên 6,8 triệu tấn nhờ năng suất cao hơn. Ngược lại, sản lượng đậu tương của Brazil được dự báo ở mức 157 triệu tấn, giảm 4,0 triệu so với tháng trước và giảm 3,0 triệu tấn so với vụ mùa kỷ lục 160 triệu tấn của năm 2022/23. Lượng mưa giảm ở khu vực Trung Tây và các bang phía đông bắc làm giảm tiềm năng năng suất.
Xuất khẩu đậu tương toàn cầu trong năm 2023/24 tăng 0,7 triệu tấn lên 170,9 triệu tấn, trong đó xuất khẩu cao hơn sang Paraguay và Nga. Tồn kho đậu tương cuối kỳ toàn cầu được dự báo ở mức 114,6 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn, chủ yếu do tồn kho cao hơn ở Mỹ và Achentina, một phần được bù đắp bởi tồn kho ở Brazil thấp hơn.
Thương mại khô đậu tương không thay đổi do xuất khẩu cao hơn ở Achentina, Ấn Độ và Bolivia bù đắp cho xuất khẩu thấp hơn của Brazil.
Đối với Mỹ, USDA ước tính sản lượng đậu tương tăng 35 triệu bushels lên 4,2 tỷ bushels, dẫn đầu là mức tăng ở Illinois, Missouri và North Dakota. Diện tích thu hoạch ước đạt 82,4 triệu mẫu Anh, giảm 0,4 triệu mẫu so với báo cáo trước đó. Năng suất ước đạt 50,6 bushel/mẫu Anh, tăng 0,7 bushel.
Với lượng tồn kho ban đầu thấp hơn, nguồn cung đậu tương của Mỹ tăng 31 triệu bushels so với tháng 12/2023. Dự báo xuất khẩu và lượng nghiền đậu tương không thay đổi. Với nguồn cung cao hơn và lượng tồn kho thấp hơn, tồn kho cuối kỳ dự kiến ở mức 280 triệu bushels, tăng 35 triệu bushels.
Tại Brazil, Tập đoàn xuất khẩu ngũ cốc Anec dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil sẽ đạt ít nhất 1,3 triệu tấn trong tháng 1/2024, tăng mạnh so với mức 940.000 tấn xuất khẩu trong kỳ năm ngoái. Thời tiết khô hạn đã làm trì hoãn một số vụ trồng trọt trong năm trước và sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch vụ mùa 2023/2024.
Xuất khẩu từ Achentina, quốc gia trồng đậu tương lớn thứ ba thế giới, dự kiến sẽ tăng vào năm 2024 trong bối cảnh dự báo sản lượng đậu tương của nước này sẽ phục hồi sau hạn hán, điều này có thể đem lại sự cạnh tranh hơn nữa cho đậu tương Mỹ.
USDA dự báo tiêu thụ đậu tương toàn cầu trong năm 2023/24 hầu như không thay đổi so với năm trước, với lượng tiêu thụ thấp hơn ở Brazil hầu hết được bù đắp bằng lượng tiêu thụ cao hơn ở Argentina, Ấn Độ, Bolivia, Ai Cập và Thái Lan.
Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc trong năm 2023 cao hơn so với năm 2022 để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của đàn lợn lớn hơn bình thường sau khi các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tích cực mở rộng quy mô đàn và các trang trại công nghiệp hóa.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong năm 2023 đạt 99,41 triệu tấn, tăng 11,4% so với năm 2022 do người mua Trung Quốc tận dụng nguồn cung rẻ hơn từ vụ mùa bội thu của Brazil để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn của nước này.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Brazil trong năm 2023 là 69,95 triệu tấn tăng 29% so với năm 2022, trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 13% xuống 24,17 triệu tấn.
Trong tháng 12/2023, lượng đậu tương đến từ Brazil cao hơn 94% so với một năm trước đó ở mức 4,98 triệu tấn trong khi lượng đậu tương đến từ Mỹ thấp hơn 31% ở mức 3,85 triệu tấn.
Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của ngành chăn nuôi lợn, sự phục hồi của ngành chăn nuôi lợn có thể sẽ thúc đẩy nhập khẩu đậu tương của nước này vào năm tới. Dự báo đến nửa cuối năm 2024, ngành chăn nuôi lợn của trung Quốc mới phục hồi.
Nhu cầu đậu tương để nghiền của Mỹ Latinh có khả năng tăng ổn định vào năm 2024 nhờ sản lượng cây trồng của Achentina phục hồi và yêu cầu về dầu diesel sinh học cao hơn được đặt ra cho Brazil. Theo xác định của Hội đồng Chính sách Năng lượng Quốc gia Brazil (CNPE) vào ngày 19/12/2023, việc bắt buộc trộn hỗn hợp diesel sinh học vào dầu diesel, hiện ở mức 12% sẽ tăng lên 14% vào tháng 3/2024.
Dự báo nguồn cung đậu tương của một số nước tăng, nhưng nhu cầu của nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới là Trung Quốc dự báo giảm sau khi nông dân đẩy mạnh giết mổ lợn để khắc phục lợi nhuận thấp, chi phí cao và dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Điều này có khả năng dẫn tới tình trạng dư cung trên thị trường đậu tương thế giới và tạo áp lực giảm giá.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
Giá phân bón thế giới tiếp tục giảm trong tháng 1/2024
Thị trường ngô thế giới tháng 1/2024
Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc sẽ giảm trong bối cảnh nguồn cung lợn sắp cắt giảm
Nhu cầu của Trung Quốc thúc đẩy thị trường ngô châu Á
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Brazil tăng 29% trong năm 2023
Những thách thức về thời tiết ở Brazil tạo ra triển vọng cho ngô Achentina trong năm 2024
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc năm 2023 tăng 11% so với cùng kỳ, tăng lần đầu tiên sau ba năm
Thị trường kim loại thế giới ngày 26/1/2024
Thị trường nông sản thế giới ngày 26/1/2024: Cà phê Việt Nam tiếp tục tăng cao
USDA điều chỉnh tăng xuất khẩu lúa mì Ukraine nhờ mở rộng thương mại với EU
Nhập khẩu dây thép của Mỹ tăng trong tháng 11/2023
Nga mở rộng xuất khẩu lúa mì sang thị trường phương Tây
Xuất khẩu HRC của Mỹ tăng trưởng trong tháng 11/2023
Ai Cập: Kênh đào Suez hoạt động bình thường bất chấp căng thẳng ở Biển Đỏ