Thứ hai, 25-11-2024 - 6:36 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Fed tăng lãi suất đã thúc đẩy quá trình phi đô la hóa 

 Thứ ba, 30-1-2024

AsemconnectVietnam - Theo Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council - một tổ chức nghiên cứu, phân tích về các vấn đề quốc tế của khu vực Mỹ - Đại Tây Dương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có một số trách nhiệm trong việc thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa.

Mặc dù những nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ đồng bạc xanh thường được xem là một động thái chính trị nhằm làm xói mòn sự thống trị của Mỹ đối với trật tự tài chính, nhưng việc tập trung quá nhiều vào điều này có thể làm lu mờ các nguyên tắc kinh tế cơ bản cũng đóng một vai trò nào đó.
“Việc Fed tăng lãi suất đã khiến việc vay bằng đô la trở nên đắt hơn và khan hiếm hơn, khuyến khích các công ty ở thị trường mới nổi tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng đô la, cụ thể là đồng nhân dân tệ", Niels Graham và Hung Tran, tác giả của báo cáo cho biết.
Tất nhiên, một số sự thay đổi khỏi đồng bạc xanh là có động cơ địa chính trị. Phần lớn là để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga, khiến dự trữ tiền tệ của Nga bị đóng băng và phần lớn bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Các quốc gia khác lo ngại những hạn chế tương tự, chẳng hạn như Trung Quốc, là một trong những quốc gia ủng hộ việc phi đô la hóa lớn nhất.
Nhưng ngay cả khi phương Tây không kiềm chế tài chính của Nga, các thị trường mới nổi vẫn có lý do để quay lưng với đồng đô la.
Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, việc vay ngắn hạn bằng đồng nhân dân tệ đã trở nên rẻ hơn đáng kể so với đồng bạc xanh. Đó là do chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã đưa lãi suất từ mức gần bằng 0 vào năm 2022 lên mức 5,25% - 5,5% vào năm 2023.
Trong khi đó, lạm phát thấp ở Trung Quốc cho phép nước này giữ lãi suất gần như không thay đổi, thúc đẩy các công ty quốc tế tận dụng khoản nợ rẻ hơn bằng đồng nhân dân tệ.
Việc Fed tăng lãi suất cũng làm đồng đô la tăng giá, đồng bạc xanh vẫn cao hơn mức trung bình trước năm 2022 khoảng 10%. Xung đột Nga-Ukraine chỉ làm điều này trở nên phức tạp hơn khi nhiều người chuyển sang đồng đô la như một tài sản trú ẩn an toàn.
Nhưng điều này có nghĩa là khả năng cung cấp đồng đô la bị hạn chế nghiêm trọng, khiến những người đi vay dựa vào nguồn vốn ngắn hạn bằng đồng bạc xanh sẽ thấy tín dụng bị sụt giảm.
"Nếu không có các giải pháp thay thế tài trợ dồi dào cho đồng đô la, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tác động của điều này sẽ làm giảm thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sau những nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm thúc đẩy cho vay bằng đồng nhân dân tệ, các công ty đang tìm kiếm nguồn tài trợ ngắn hạn giờ đây có thể chuyển sang đi vay bằng nhân dân tệ hoặc sử dụng thị trường nợ bằng nhân dân tệ”, báo cáo cho biết.
Việc áp dụng này có nghĩa là các công ty toàn cầu sẵn sàng thích ứng hơn với cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu mới nổi của Trung Quốc và việc sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của nước này đã phát triển nhanh chóng.
Atlantic Council cho biết, sự thay thế này cho hệ thống SWIFT có xu hướng tăng đột biến khi nguồn cung đồng đô la trở nên hạn chế.
Mặc dù Fed có thể sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng mức lãi suất cực thấp mang lại lợi thế về chi phí cho đồng đô la sẽ không quay trở lại.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, đồng nhân dân tệ không phải là đồng tiền lý tưởng để sử dụng trên phạm vi quốc tế vì nó không phải là một loại tiền tệ thả nổi tự do.
"Mặc dù vậy, trong năm tới, xu hướng kinh tế vĩ mô có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty ở thị trường mới nổi hướng tới các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ để tài trợ thương mại nói riêng, tăng cường việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế", Atlantic Council cho biết.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715996110