Xung đột Biển Đỏ: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm phương án thay thế
Thứ tư, 17-1-2024AsemconnectVietnam - Trong bối cảnh xung đột tại Biển Đỏ đang diễn ra, các doanh nghiệp cần bám sát và thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc.
Căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục leo thang với nhiều diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến vận tải biển huyết mạnh, các hãng vận chuyển và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng lưu thông trên tuyến này.
Theo bà Trần Thị Thu Huyền, Đại diện Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải APS (APS Logistic), tàu phục vụ các tuyến vận tải này đang thiếu trầm trọng, dẫn tới cước phí tăng đột biến. Tình trạng leo thang tại khu vực Biển Đỏ khiến cho một số hãng tàu đã quyết định không đi qua tuyến này mà đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, dẫn tới thời gian di chuyển kéo dài hơn từ 8 đến 21 ngày; đồng thời, cước phí vận chuyển hàng hóa đi châu Âu và Hoa Kỳ cũng tăng từ 4 đến 5 lần.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị đối tác thay thế, nhất là khi cước phí vận tải gia tăng mà đối tác, khách mua hàng thì không chấp nhận điều chỉnh theo giá mới.
Là một đơn vị vận tải, APS Logistic cũng gặp khó khi nhiều hãng tàu đang tự động áp thêm "phụ phí chiến tranh" cho các lô hàng đã được xếp lên tàu; nhất là với những container hàng từ 20 đến 40 feet. Việc bị tính thêm phí một cách tùy tiện, áp đặt, thiếu cơ sở pháp lý, thậm chí không đồng nhất cũng gây ra nhiều bức xúc từ phía các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu với các hãng tàu; cũng như giữa các đối tác với nhau.
"Mong sao các cấp ngành và cơ quan hữu quan cần sớm có sự can thiệp kịp thời, giải pháp ứng phó hỗ trợ các doanh nghiệp dàn xếp trong tình huống bất khả kháng như hiện nay," bà Trần Thị Thu Huyền cho biết.
Bà Hồ Nguyễn Duy Khương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồ chơi châu Âu Polesie cho hay là đối tác của công ty sản xuất đồ chơi lớn và uy tín nhất nhì thế giới, hàng tháng, doanh nghiệp đều nhập khẩu rất nhiều đơn hàng từ Polesie qua đường vận tải biển.
Hiện tại, xung đột ở khu vực Biển Đỏ đang làm gián đoạn tiến trình giao hàng của 2 bên dẫn tới phát sinh nhiều chi phí. Doanh nghiệp đang rất lúng túng, chưa tìm được phương án thay thế và hoàn toàn rơi vào thế bị động trong tình cảnh này.
Hiện xung đột ở khu vực Biển Đỏ đang làm gián đoạn tiến trình giao hàng của 2 bên dẫn tới phát sinh nhiều chi phí. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Doanh nghiệp cũng đã nhận được thông báo về chi phí vận chuyển có thể tăng cao và điều này chắc chắn sẽ tác động với giá thành của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Đương nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chậm tiến độ giao hàng, doanh nghiệp cũng thất hẹn với các đại lý và khách hàng.
"Mấu chốt là chưa biết tình hình này tới khi nào sẽ cải thiện hoặc xung đột sẽ giảm nhiệt. Hiện nay, doanh nghiệp đang gấp rút tìm kiếm nguồn hàng mới, nhà cung cấp mới để lên phương án dự phòng và thay thế. Tình trạng phụ thuộc nhà cung cấp đang trở thành điểm yếu của doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, giữ thế chủ động để chiếm lĩnh thị trường vẫn là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp phát triển và duy trì hoạt động ổn định," bà Khương nhấn mạnh.
Chuyên gia về thương mại quốc tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng phân tích bước qua giai đoạn khó khăn của năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, tổng cầu giảm, bất ổn về lạm phát và nhiều hàng rào kỹ thuật của các nước đang làm tăng chi phí xuất khẩu...
Cùng với đó là những bất cập như chính sách lãi suất điều chỉnh liên tục, chính sách tài khóa chưa phát huy đủ sức mạnh để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng triệt để ưu đãi cam kết quốc tế... Tiềm năng của các thị trường xuất khẩu đang còn rất lớn và điều quan trọng là cần cải thiện hoạt động thương mại dịch vụ; trong đó, tập trung vào dịch vụ vận tải, logistics để có thể giảm bằng được hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
Trong bối cảnh xung đột tại Biển Đỏ đang diễn ra hiện nay, các doanh nghiệp cần bám sát và thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc. Song song đó, các cấp, ngành và hiệp hội các doanh nghiệp cùng phải phối hợp chặt chẽ để thông tin và thống kê những trường hợp vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo và có phương hướng hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
"Lúc này, cần sự sát cánh và tương trợ lẫn nhau, để đảm bảo giảm thiểu tối đa tổn thất của các bên," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng khuyến nghị./.
Nguồn: Vietnamplus.vn
Ấn Độ và Iran đạt được thỏa thuận cuối cùng về dự án phát triển Cảng Chabahar
5 quốc gia châu Âu yêu cầu áp thuế nhập khẩu với ngũ cốc Ukraine
Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về lĩnh vực đóng tàu trên toàn cầu
Những rủi ro an ninh ở Biển Đỏ làm gián đoạn thương mại toàn cầu
Libya muốn tăng gấp đôi sản lượng dầu thô để thúc đẩy phát triển kinh tế
Nga: Gazprom lập kỷ lục lịch sử mới về cung cấp khí đốt do thời tiết băng giá
Ai Cập: Giao thông hàng hải qua Kênh đào Suez vẫn bình thường
Giá gạo xuất khẩu tại các “vựa lúa” lớn của châu Á vẫn ổn định
Nông sản của Xứ Bạch dương vẫn thu hút khách hàng quốc tế
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thấp nhất trong gần 30 năm
Xung đột ở Trung Đông lan rộng có thể dẫn đến nguy cơ một đợt tăng giá mới
Ngành thép chờ những “tín hiệu” hồi phục trong năm 2024
Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2023 vượt mục tiêu
Sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2024
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024
Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 ước đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 65,6% so với năm 2022.Thặng dư thương mại ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam ...
Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2024
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam năm ...
Tình hình nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ...