Thị trường hàng hóa phản ứng trái chiều sau phát biểu của quan chức Fed
Thứ ba, 19-12-2023AsemconnectVietnam - Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% xuống 32.758,98 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,1% xuống 16.605,52 điểm
Sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2024, các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm, trong khi đó giá dầu và giá vàng lại tăng trong phiên 18/12.
Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm
Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên ngày 18/12 trong bối cảnh các nhà giao dịch “tạm nghỉ” sau đà tăng mạnh trong tuần trước đó, sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% xuống 32.758,98 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,1% xuống 16.605,52 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4% xuống 2.930,80 điểm.
Chứng khoán Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok, Manila và Jakarta cũng đều nằm trong vùng đỏ.
Các nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý tới cuộc họp của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trong tuần này, mặc dù những đồn đoán rằng ngân hàng này sẽ kết thúc chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã giảm dần, cùng với các nhà quan sát dự đoán sẽ có một động thái trong năm mới.
Các quan chức BoJ đã duy trì lãi suất ở mức âm và kiên trì thực hiện chính sách kiểm soát giá trái phiếu nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên lạm phát gia tăng và đồng yen giao dịch bấp bênh khiến các nhà hoạch định tiền tệ cân nhắc thay đổi chính sách.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại ngân hàng Societe Generale cho biết BoJ không cần phải vội vàng thực hiện những thay đổi chính sách. Thị trường sẽ theo dõi sát sao bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy BoJ sẵn sàng chấm dứt lãi suất âm hoặc kiểm soát đường cong lợi suất.
Thị trường chứng khoán dự kiến sẽ kết thúc năm ở mức cao sau khi Fed đề xuất sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sau một loạt dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm và nền kinh tế đang trên đà "hạ cánh" nhẹ nhàng.
Trong tuần trước, một số quan chức Fed nhận định về khả năng cơ quan này cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Hãng tin CNBC dẫn lời Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams nói rằng “chúng tôi không thực sự đề cập đến việc cắt giảm lãi suất”, đồng thời nói thêm rằng “vẫn còn quá sớm để nghĩ đến” việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 10,42 điểm (0,95%) xuống 1.091,88 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,29 điểm (0,57%) xuống 225,73 điểm.
Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP/TTXVN)
Giá dầu châu Á tăng hơn 1% do căng thẳng ở Biển Đỏ
Giá dầu châu Á tăng hơn 1% trong phiên 18/12 do xuất khẩu từ Nga thấp và diễn biến liên quan tới tàu chở dầu trên Biển Đỏ đã làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu.
Khoảng 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 63 xu (0,8%) lên 77,18 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 61 xu (0,9%) lên 72,04 USD/thùng.
Nhà phân tích Tony Sycamore của ngân hàng IG cho biết tình hình thời tiết xấu tại Nga, cũng như căng thẳng ở Biển Đỏ đã giúp thị trường mở cửa tăng mạnh.
Ngày 17/12, Nga cho biết nước này sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu mạnh hơn trong tháng 12/2023, ước tính khoảng 50.000 thùng/ngày hoặc nhiều hơn, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới cố gắng hỗ trợ giá dầu toàn cầu.
Động thái này được đưa ra sau khi Nga đã tạm ngừng xuất khẩu gần 70% lượng dầu thô Urals do bão và hoạt động bảo trì theo lịch trình hôm 15/12.
Các công ty vận tải, trong đó có các hãng vận tải container lớn nhất thế giới như MSC và A.P. Moller-Maersk, cuối tuần qua cho biết sẽ tránh kênh đào Suez khi lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen tăng cường hành động đối với các tàu thương mại ở khu vực Biển Đỏ.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều kết thúc chuỗi tuần sụt giảm dài nhất trong nửa thập niên qua với mức tăng nhẹ trong tuần trước, sau khi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên hy vọng rằng việc tăng lãi suất sẽ ngừng lại và ngân hàng này có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty nghiên cứu thị trường CMC Markets cho biết thêm giá dầu được hỗ trợ nhờ đồng USD giảm. Đồng USD suy yếu giúp giá dầu rẻ hơn cho những người mua sở hữu các đồng tiền khác.
Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP/TTXVN)
Giá vàng tăng trong lúc thị trường chờ đợi báo cáo lạm phát Mỹ
Giá vàng châu Á tăng trong phiên 18/12 nhờ lợi suất trái phiếu giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến công bố trong tuần này, để tìm kiếm thêm manh mối về lộ trình lãi suất của Fed.
Trong phiên này, giá vàng giao ngay tăng nhẹ và được giao dịch ở mức 2.023,29 USD/ounce. Còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ được giao dịch ở mức 2.037,10 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại công ty nghiên cứu thị trường KCM Trade cho biết lợi suất trái phiếu đang trên đà giảm sau cuộc họp của Fed trong tuần trước và điều đó khiến giá vàng tăng thêm.
Fed đã giữ nguyên lãi suất trong tuần trước và đánh tín hiệu rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua đã kết thúc và lãi suất sẽ giảm vào năm 2024.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams đã “dập tắt” kỳ vọng ngày càng tăng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất và nói rằng “chúng tôi thực sự không nói về việc cắt giảm lãi suất ngay bây giờ” và còn “quá sớm” để suy đoán về việc này.
Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường hiện đang định giá khoảng 70% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này, bao gồm báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 11/2023 vào ngày 22/12.
Các nhà phân tích dự báo PCE lõi sẽ tăng 0,2% trong tháng 11/2023, với tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021 ở mức 3,4%.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,3% lên 23,89 USD/ounce còn giá bạch kim tăng 0,2% lên 941,52 USD/ounce. Giá palladium giảm 1,6% xuống 1.154,96 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, chiều 18/12, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 73,40 - 74,42 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra)./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Nga có thể cắt giảm thêm lượng dầu xuất khẩu trong tháng 12
Nhu cầu than toàn cầu sẽ lên mức kỷ lục 8,54 tỷ tấn trong năm nay
Kinh tế của các nước xuất khẩu dầu Trung Đông, Bắc Phi sẽ khởi sắc vào năm 2024
Xuất khẩu ngũ cốc qua cảng Constanta của Romania tăng kỷ lục
Sản xuất thép của Trung Quốc có khả năng tăng lần đầu tiên sau ba năm
Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 11 giảm tháng thứ 5 do nhu cầu chậm lại
Thị trường năng lượng và kim loại thế giới ngày 15/12: Giá gas giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Thị trường nông sản thế giới ngày 15/12: Giá tiêu duy trì ổn định
Israel cho phép tăng 500 triệu m3 khí đốt xuất khẩu sang Ai Cập
Nhật Bản xây dựng cơ sở cung cấp “methane xanh” đầu tiên cho tàu biển
Các chuyên gia dự báo nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu tăng trong năm 2024
Liên minh châu Âu đạt bước tiến mới trong việc cải cách thị trường điện
Xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay
Thị trường năng lượng và kim loại thế giới ngày 14/12: Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng
Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam tháng 3 ...
3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,79 triệu tấn, đạt giá trị 952 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng ...Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm
Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, ...