Tình hình xuất nhập khẩu và xuất siêu của Việt Nam 11 tháng năm 2023
Thứ sáu, 8-12-2023AsemconnectVietnam - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD; xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2023
Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,4%. Đây là điểm sáng rất tích cực khi mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao, gấp 3 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2023
Trong 11 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với tháng trước như: Gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5%; cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6%; cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9%... Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng năm 2023 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với mặt hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; cùng với đó là các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại… đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD.
Ngoài ra, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nên khi nước này mở lại một số cửa khẩu từ đầu năm nay, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân chủ lực thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng.
Thời gian qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc cũng hưởng lợi khi Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này. Hiện sầu riêng và mít là 2 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 11 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%.
Thời gian qua, nhờ kịp thời tăng sản lượng, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 7,7 triệu tấn với giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 16% về khối lượng và hơn 36% về giá trị. Đáng chú ý, chỉ đến giữa tháng 11, kết quả xuất khẩu gạo đã vượt kết quả của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).
Ở nhóm ngành hàng công nghiệp, nhiều mặt hàng thế mạnh có xu hướng suy giảm về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 20,2%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,9%, dây điện và cáp điện tăng 10,2%; sắt thép các loại tăng 25,4%...
Tình hình nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2023
Nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, 11 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm đến 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu (xuất khẩu giảm 5,9%, nhập khẩu giảm 10,7%) nên cán cân thương mại của Việt Nam trong 11 tháng tiếp tục xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).
Các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2023
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 75,5 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 11,1%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD, tăng 127,2%; nhập siêu từ Trung Quốc 43,7 tỷ USD, giảm 23,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 26,3 tỷ USD, giảm 25,4%; nhập siêu từ ASEAN 8,1 tỷ USD, giảm 31,3%.
Đa dạng giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây do được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.
Những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, cầu thế giới suy giảm, đặc biệt là từ những tháng đầu năm dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước nên tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
Do đó, thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương xác định đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bộ Công Thương cũng đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Đặc biệt, tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về phòng vệ thương mại.
Tích hợp công cụ phòng vệ thương mại vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước; Tiếp tục nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là tính chất, tác động của các biện pháp này để có cách tiếp cận phù hợp; nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại; tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật phòng vệ thương mại, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Đối với mặt hàng gạo, ngày 27/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.
Đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ xây dựng, đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh.
Tới đây, từ ngày 11 đến 15/12/2023, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023. Đây là cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy thương mại lúa gạo quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn
Điểm tên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 11 tháng
Tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả giảm 17,9% so với tháng trước
Giá cao su xuất khẩu tháng 11/2023 tăng nhẹ
11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều thu về 3,31 tỷ USD
Xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục
11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê thu về 3,54 tỷ USD
Điểm tên 6 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu vượt 3 tỷ USD 11 tháng năm 2023
Dư địa nào cho xuất khẩu viên nén gỗ Việt?
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Năm 2023, xuất khẩu dệt may dự kiến về đích với 40,3 tỷ USD
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu phân bón tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam lập kỷ lục mới trong tháng 10
Bộ Công Thương công bố Danh sách sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2022
Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam tháng 3 ...
3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,79 triệu tấn, đạt giá trị 952 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng ...Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm
Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, ...