Chủ nhật, 24-11-2024 - 0:41 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng sang thị trường Trung Quốc 

 Thứ tư, 22-11-2023

AsemconnectVietnam - 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt hơn 139 tỷ USD, đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường này đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5% cùng kỳ năm trước.

Thêm sản phẩm yến được cấp giấy thông hành vào thị trường Trung Quốc
Mới đây lô sản phẩm yến tinh chế đầu tiên như thế này đã chính thức có giấy thông hành vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều này đã mở ra một trang mới cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại đã có 5 DN được cấp mã số chính thức xuất khẩu sản phẩm này vào Trung Quốc. Sản lượng tổ yến hiện nay của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao. Sau khi được cấp mã số xuất khẩu, những tạ yến tinh chế đầu tiên đã chính thức được doanh nghiệp này đưa sang Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Avanest Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi dự kiến tiếp theo xuất khẩu yến nước, tổ yến nước sẽ cố gắng cuối tháng này đầu tháng tới xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Lô sản phẩm đầu tiên của yến nước sản lượng là 3 container".
Theo chia sẻ của đại diện các hiệp hội yến, Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường dễ tính, để có thể xuất khẩu ổn định vào thị trường này, các doanh nghiệp cần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Ông Trần Văn Ơi, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào tỉnh Bình Định, cho biết: "Hiện nay chúng tôi muốn làm một chuỗi liên kết liên kết cùng đơn vị bạn cùng nhau tạo nguồn cung ổn định và sau đó, chúng ta có thể trao đổi kinh nghiệm về mặt kỹ thuật, chế biến, kinh nghiệm về mặt thu hoạch và cả pháp lý".
Theo cập nhật từ Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản phẩm yến mang lại giá trị kinh tế cao, vì thế càng đẩy mạnh được mặt hàng này sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân, giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc sẽ càng được cải thiện.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: "Khi Trung Quốc tiếp nhận sản phẩm yến Việt Nam sẽ kéo theo ngành yến phát triển theo hướng quy mô lớn hơn, công nghiệp hơn. Bộ Nông nghiệp đã giao Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, tới đây sẽ có Thông tư về phát triển chim yến".
Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị các DN sản xuất yến tăng cường liên kết, đầu tư, phát triển đàn chim yến; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tìm tòi, nghiên cứu để có thể cho ra nhiều loại sản phẩm tổ yến đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc mà Nghị định thư đã mở ra.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu khởi sắc
Nhắc đến nhóm hàng xuất khẩu chủ lực giúp xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm nay, đóng góp phần lớn cho kim ngạch đạt 49,5 tỷ USD, không thể không kể đến nhóm hàng nông sản. 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ghi nhận tại Cửa khẩu Lào Cai, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả tại đây tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các mặt hàng truyền thống như: thanh long, chuối, dưa hấu duy trì thông quan ổn định, từ đầu năm đến nay có thêm quả sầu riêng, với sản lượng và giá trị kim ngạch tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay, khoảng trên 60.000 tấn sầu riêng được xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành, giá trị gần 300 triệu USD. Sầu riêng cũng là mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tại đây. Mỗi container này có giá trị gần 2 tỷ đồng, cao hơn từ 4-5 lần so với các loại trái cây xuất khẩu truyền thống. Để có thể hạn chế rủi ro khi thông quan, các doanh nghiệp phải tuân thủ yêu cầu của phía bạn từ chất lượng đến cung cách đóng gói.
Anh Vũ Ngọc Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Nguyên cho biết: "Vệ sinh quả sầu riêng tương đối kỹ, trước khi cơ quan chức năng kiểm tra, doanh nghiệp kiểm tra kỹ một lần nữa. Qua 4 lần kiểm tra mới giảm thiểu tối đa phát sinh thiệt hại trên trái sầu riêng. Doanh nghiệp kiểm soát quy trình trồng cũng như đóng gói chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định về du lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn Hải quan Việt Nam cũng ưu tiên luồng xanh, hỗ trợ tối đa thủ tục để tạo điều kiện xuất khẩu nhanh nhất cho các loại trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Vũ Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Kim Thành, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8, Cục bảo vệ thực vật chia sẻ: "Chúng tôi tăng cường nhân lực, vật lực ưu tiên đối với hàng nông sản nói chung. Thông tin với các cơ quan hưu, tháo gỡ vướng mắc về yêu cầu kỹ thuật để kịp thời đáp ứng yêu cầu".
Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn dư địa để tăng trưởng từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024 bởi xuất khẩu thủy sản vẫn tăng qua từng tháng. Tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung lần thứ 23 vừa qua, đã có 109 thoả thuận hợp tác, 22 hợp đồng kinh tế được ký kết giữa DN Việt Nam và Trung Quốc. Điều này mở ra triển vọng để các DN của Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, có 4 sản phẩm cả Việt Nam và Trung Quốc đều cần, đó là dược liệu, trái cây đông lạnh, dưa hấu từ truyền thống chính ngạch và dừa. Ngoài ra các sản phẩm khác như chanh leo và bơ, Việt Nam rất quan tâm, Trung Quốc cũng rất quan tâm. "Hai bên đã đàm phán, kiểm tra trực tuyến chỉ còn đến thời kì kí kết. Bộ NN&PTNT hi vọng nhân chuyến thăm Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam, những Nghị định thư được kí kết và sản lượng, số lượng, chủng loại nông sản của Việt Nam sẽ xuất được sang Trung Quốc với qui mô lớn hơn, giá trị cao hơn và cơ cấu thị phần lớn hơn", ông Tiến cho hay.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, các mặt hàng khác xuất khẩu sang Trung Quốc ví dụ như sơn, sợi, các mặt hàng cà phê, chè cao su cũng như thiết bị điện thoại và máy móc cũng đã có sự trao đổi với các DN ở Trung Quốc. Hiện nay, quan hệ thương mại đang triển khai tốt, các biện pháp chống dịch bệnh được gỡ bỏ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương biên giới, bên cạnh đó thì hđộng xúc tiến kết nối nông nghiệp 2 nc vẫn đang được triển khai mạnh mẽ, giúp đạt được tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian sắp tới.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng khăng định, việc củng cố hệ thống sản xuất làm sao để tăng chất lượng và tìm kiếm cơ hội khai thác sản phẩm mới, công thức kinh doanh mới thị trường ngách. Giá thành phải cạnh tranh bằng cách cải thiện hệ thống sản xuất, chất lượng ổn định, tận dụng lợi thế thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt với phân khúc thuỷ sản tươi.
Theo Quy hoạch từ Quyết định 1199 của Chính phủ, đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có tới 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương. Việc mở, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, lối thông quan sẽ góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
 
Nguồn: vov.vn/kinh-te/giai-phap-thuc-day-xuat-khau-them-nhieu-mat-hang-sang-thi-truong-trung-quoc-post1060475.vov

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715970911