Xuất khẩu gạo 10 tháng và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023
Thứ sáu, 17-11-2023AsemconnectVietnam - Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu trên 7,05 triệu tấn gạo, tương đương gần 3,95 tỷ USD, tăng 15,9% về khối lượng, tăng 34% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2022.
Tình hình và các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam tháng 10/2023
Riêng trong tháng 10/2023 cả nước xuất khẩu 635.102 tấn gạo, tương đương 406,76 triệu USD, giá trung bình 640,5 USD/tấn, tăng 4,9% về lượng, tăng 7,7% về kim ngạch và tăng 2,6% về giá so với tháng 9/2023; so với tháng 10/2022 thì giảm 10,9% về lượng nhưng tăng 19,4% kim ngạch và tăng 34% về giá.
Trong tháng 10/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh 88,2% về lượng và tăng 86,5% về kim ngạch nhưng giảm 0,9% về giá so với tháng 9/2023, đạt 185.724 tấn, tương đương 116,84 triệu USD, giá 629 USD/tấn; so với tháng 10/2022 thì giảm 30,9% về lượng, giảm 4,9% kim ngạch nhưng tăng 37,6% về giá. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 10/2023 giảm mạnh 65,5% về lượng, giảm 66% kim ngạch và giảm 1,6% về giá so với tháng 9/2023, đạt 25.119 tấn, tương đương 14,85 triệu USD; so với tháng 10/2022 cũng giảm 80,9% về lượng, giảm 76,5% kim ngạch nhưng tăng 22,9% về giá.
Đáng chú ý là xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia tháng 10/2023 cũng giảm 12,9% về lượng và giảm 9,2% về kim ngạch so với tháng 9/2023, đạt 144.605 tấn, tương đương 92,02 triệu USD; nhưng so với tháng 10/2022 thì tăng rất mạnh 2.026% về lượng, tăng 2.777% kim ngạch.
Tình hình và các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam 10 tháng năm 2023
Tính chung cả 10 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 7,05 triệu tấn, tương đương gần 3,95 tỷ USD, tăng 15,9% về khối lượng, tăng 34% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 559,5 USD/tấn, tăng 15,6%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 37,3% trong tổng lượng và chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,63 triệu tấn, tương đương gần 1,41 tỷ USD, giá trung bình 535,2 USD/tấn, giảm 4% về lượng, nhưng tăng 11% về kim ngạch và tăng 15,8% về giá so với 10 tháng năm 2022.
Tiếp sau đó là thị trường Indonesia chiếm trên 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt gần 1,03 triệu tấn, tương đương 554,63 triệu USD, giá trung bình 539 USD/tấn, tăng mạnh 1.710% về lượng và tăng 1.908% kim ngạch; giá tăng 11% so với 10 tháng năm 2022.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 883.967 tấn, tương đương 510,63 triệu USD, giá 577,7 USD/tấn, tăng 16,7% về lượng, tăng 33,4% kim ngạch và tăng 14,4% về giá so với 10 tháng năm 2022, chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt gần 5,05 triệu tấn, tương đương 2,75 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng, tăng 42,9% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 513.422 tấn, tương đương 279,64 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, tăng 13,3% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt trên 4,13 triệu tấn, tương đương 2,21 tỷ USD, tăng 26,1% về lượng, tăng 45,8% kim ngạch.
Tình hình giá gạo của Việt Nam ở thời điểm hiện nay
Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt được mức cao so với các nước xuất khẩu quan trọng khác. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 653 USD/tấn, của Thái Lan là 561 USD/tấn, của Pakistan là 563 USD/tấn; giá gạo 25% tấm của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 525 USD/tấn, của Pakistan là 483 USD/tấn.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, giá gạo của Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024 vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Bởi, lượng lúa gạo trên toàn cầu đang dần dần khan hiếm, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và dự trữ vẫn cao.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho rằng, trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao và không dưới 650 USD/tấn.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết, đến hết tháng 10, sản lượng lúa cả nước đã thu hoạch khoảng 39 triệu tấn. Dự kiến sản lượng cả năm 2023 ước đạt trên 43 triệu tấn lúa, tăng khoảng 452.000 tấn so với năm 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và một phần cho xuất khẩu.
Còn theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tín hiệu tích cực từ thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn hàng Thái Lan, Ấn Độ,...
Dựa theo nhu cầu thế giới và lợi thế sản xuất ba tháng/vụ lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã linh hoạt trong tổ chức vụ Hè Thu, Thu Đông, tăng diện tích canh tác ở những nơi đủ điều kiện. Với 85 - 90% giống cho năng suất và chất lượng cao, sản lượng lúa năm 2023 dự kiến đạt 43 triệu tấn.
Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, chế biến, chăn nuôi, dự trữ, giống, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu khoảng 7,5-8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới.
Dự kiến xuất khẩu gạo cả năm 2023
Với đà xuất khẩu như hiện nay, dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu xấp xỉ 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,5 tỉ USD.
Tuy xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá nhưng theo ông Phùng Đức Tiến, việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chưa nhiều, trong khi đây là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi ngành hàng. Do đó, tới đây bộ cùng hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân... tập trung vào liên kết ngành hàng lúa gạo để có hệ sinh thái bền vững.
Số liệu của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, dự kiến cả nước gieo trồng khoảng gần 3 triệu ha, giảm 10 nghìn ha so với vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến tăng 113 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022, đạt 20,119 triệu tấn. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long vụ Đông Xuân diện tích gieo sạ 1,475 triệu ha, năng suất ước đạt 72,24 tạ/ha và sản lượng khoảng 10,7 triệu tấn.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tiếp tục tăng trưởng
10 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 41,3 triệu tấn
Xuất khẩu tuần 6/11-12/11: Xuất khẩu mực, bạch tuộc sẽ khởi sắc; tháng 10, xuất khẩu gỗ thu về 1,28 tỷ USD
Tăng 5,1%, xuất khẩu hàng hoá tiếp tục khởi sắc
Cách nào gia tăng giá trị cho xuất khẩu quế?
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2023
Xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc sắp cán mốc 140 tỷ USD
10 tháng đầu năm, xuất khẩu xi măng và clinker mang về 1,125 tỷ USD
Xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục khởi sắc
10 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về 43,08 tỷ USD
Xuất khẩu cà phê tăng mạnh trên 17%
Xuất khẩu gạo lập kỷ lục chỉ sau 10 tháng năm 2023