Thứ bảy, 23-11-2024 - 3:39 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Trao đổi thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn nhất thế giới 

 Thứ sáu, 27-10-2023

AsemconnectVietnam - Trao đổi thương mại của Việt Nam với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ vẫn luôn chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam

9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Sau 9 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và thị trường nhập khẩu lớn nhất.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.
Tình hình trao đổi thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc
Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,25 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước và tăng gần 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rau quả tiếp tục là một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 491,2 triệu USD, tăng 84,5% so với tháng trước và tới 441% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung hết tháng 9, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết tháng 9 có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
3 cái tên dẫn đầu là: điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 10 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt 79,2 tỷ USD, giảm 12,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
2 nhóm hàng có kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,2 tỷ USD.
Ngoài ra, còn 12 nhóm hàng khác đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như: vải; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…
Như vậy, hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 122,06 tỷ USD, trong đó nước ta nhập siêu 36,34 tỷ USD.
Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính hết tháng 9.
Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%. Đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 2,1%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã chính thức vượt mốc 120 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Bộ Công Thương và các địa phương đã thực hiện tốt các giải pháp để tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới. Nhìn chung, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tình hình trao đổi thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 8,11 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch tính hết tháng 9 đạt 70,23 tỷ USD.
Dù giảm khoảng 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 85,2 tỷ USD), nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu của lực của nước ta đều xuất hiện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hết tháng 9 có 11 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 12,5 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,82 tỷ USD; dệt may đạt hơn 11 tỷ USD.
Như vậy, riêng 3 nhóm hàng lớn nhất chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài 3 nhóm hàng “chục tỷ đô”, các nhóm hàng lớn khác như điện thoại và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…
Chiều ngược lại, hết tháng 9 kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 10,26 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 2,63 tỷ USD, đây cũng là nhóm hàng “tỷ đô” duy nhất tính hết tháng 9.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có kim ngạch hàng trăm triệu USD như bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sắt thép phế liệu; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 80,5 tỷ USD trong 9 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.
CK
Nguồn:VITIC/congthuong.vn/haiquanonline.com.vn

 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715951432