Chủ nhật, 28-7-2024 - 11:30 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường năng lượng và kim loại thế giới ngày 17/10: Giá gas giảm nhẹ 

 Thứ ba, 17-10-2023

AsemconnectVietnam - Trong phiên giao dịch ngày 17/10 giá xăng dầu biến động trái chiều, giá gas giảm nhẹ, giá vàng ở mức 1.915,5 - 1.916,0 USD/ounce, giá thép đi ngang.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên sau khi giảm hơn 1 USD/thùng vào phiên trước do triển vọng Mỹ và Venezuela có thể sớm đạt được thoả thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,12%, lên 85,36 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12/2023 giảm 0,24%, lên 89,88 USD/thùng.
Giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/10)vì triển vọng Mỹ và Venezuela có thể sớm đạt được thoả thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela, trong khi các thương nhân cho biết xung đột Israel-Hamas dường như không đe dọa nguồn cung dầu trong ngắn hạn.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,4% xuống 89,65 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,2% xuống 86,66 USD/thùng.
Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết chính phủ Venezuela và phe đối lập sẽ quay trở lại đàm phán chính trị trong tuần này sau gần một năm, trong khi các nguồn tin cho biết Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela để đổi lấy một cuộc bầu cử tổng thống cạnh tranh và được giám sát ở Venezuela vào tuần tới.
Ông William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi của Capital Economics, nhận định thỏa thuận được báo cáo sẽ giúp tăng sản lượng dầu của nước này từ mức rất thấp.
“Tuy nhiên, lĩnh vực này đòi hỏi sự đầu tư khổng lồ để đưa sản lượng trở lại mức chỉ thấy trong một thập kỷ trước. Và điều này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng thâm hụt trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong thời gian tới", ông nói thêm.
Cả hai loại dầu đều tăng vào tuần trước do lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng, với giá dầu Brent tăng 7,5%, mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 2.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, cho biết giá giảm hôm đầu tuần dường như là sự thư giãn để đón nhận các sự kiện ở Trung Đông, trái ngược với mức tăng sản lượng dự kiến ở Venezuela.
“Các cuộc đàm phán với Venezuela có thể dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu dầu thô tồn kho. Tuy nhiên, việc sản lượng tăng vọt là điều không thể do cơ sở hạ tầng năng lượng của Venezuela đang xuống cấp”, ôngLipow nói thêm.
Các thương nhân cho biết cuộc chiến giữa Israel và nhóm phiến quân Hồi giáo Palestine Hamas cho đến nay vẫn tập trung ở Dải Gaza.
Các cuộc không kích của Israel vào Gaza đã tăng cường vào thứ Hai, sau khi những nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm dàn xếp lệnh ngừng bắn ở miền nam Gaza không thành công.
Nga cũng đã bước vào cuộc cạnh tranh ngoại giao, với việc Tổng thống Vladimir Putin chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán với Iran, Israel, Palestine, Syria và Ai Cập. Các nguồn tin thị trường cho biết căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể làm gia tăng các yếu tố rủi ro kéo giá tăng cao trong tuần trước.
Ngược lại, giá gas giảm nhẹ 0,9% xuống mức 3,08 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 11/2023. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang trong tình trạng không ổn định do ngày càng có nhiều lo ngại về căng thẳng Trung Đông.
Theo Euronews, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang trong tình trạng không ổn định do ngày càng có nhiều lo ngại liệu có đủ nguồn cung cho thị trường hay không, sau khi cuộc khủng hoảng ở Israel và Gaza cũng như hoạt động của Chevron tại Australia đang phủ bóng đen lên triển vọng thị trường.
Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn châu Âu TTF của Hà Lan đã tăng 41% lên mức cao nhất trong 8 tháng là 56 EUR/MWh vào tuần trước. Giá đã tăng hơn 50% trong một tháng, tuy nhiên, vẫn chưa bằng một nửa so với một năm trước.
Việc ngừng hoạt động kéo dài sẽ khiến xuất khẩu khí đốt của Israel sang các nước láng giềng giảm, bao gồm cả Ai Cập, quốc gia cung cấp xuất khẩu khí đốt sang thị trường châu Âu.
Trong khi đó, các công nhân tại cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Chevron Corp ở Australia tái khẳng định kế hoạch tiếp tục đình công trong tuần này trong khi các cuộc đàm phán tiếp tục.
Xung đột giữa Israel và nhóm phiến quân Hồi giáo Palestine Hamas cho đến nay vẫn đang tập trung ở Gaza. Những nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột Israel - Hamas lan rộng đã làm giảm bớt lo ngại về địa chính trị và cải thiện tâm lý thị trường. 
Mỹ và các đồng minh đang tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột. Tổng thống Biden đang cân nhắc đến thăm Israel, và Thủ tướng Đức Scholz dự kiến sẽ đến Israel vào ngày 17/10. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Mỹ Sullivan cho biết Mỹ đã cảnh báo Iran thông qua các cuộc đàm phán kênh sau về nguy cơ leo thang chiến tranh.
Trên thị trường kim loại, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang ở mức 1.915,5 - 1.916,0 USD/ounce. Tuần này, thị trường vàng thế giới giảm mạnh về mức 1.919,7 USD/ounce.
Kim loại quý này tiếp tục giảm và đã quay về quanh ngưỡng 1.915 USD/ounce. Trong bối cảnh, đồng USD tiếp tục tăng lên ngưỡng cao.
Tại thời điểm khảo sát, DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,05%, về mức 106,29.
Cuộc xung đột Israel-Hamas đã kéo các nhà đầu tư đổ xô vào vàng để bảo vệ tài sản của mình. Mặc dù vàng giảm mạnh trong phiên vừa qua nhưng kim loại quý này vẫn giữ trên mức sàn quan trọng 1.900 USD/ounce.
Ole Hansen - Chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo nhận định, vàng vẫn đang được hưởng lợi từ bất ổn tại Trung Đông. Ông chỉ lưu ý các nhà đầu tư rằng, cần xem liệu biến động của trái phiếu và đồng USD cùng với tình hình ở Trung Đông.
Ngoài diễn biến tại Trung Đông, các nhà kinh doanh đang để tâm đến quan điểm về chính sách tiền tệ của Mỹ trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường đang dự báo 90% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
Nhận định về dài hạn, vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương. Theo Bart Melek - Chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, hoạt động mua vàng mạnh mẽ và bền vững của các ngân hàng trung ương đã tạo nền tảng vững chắc cho giá vàng trong thời gian gần đây và sẽ là động lực chính đẩy kim loại quý này lên mức cao mới mọi thời đại trong năm mới.
Melek cũng đánh giá, việc ngân hàng trung ương mua vào có thể là lý do khiến vàng vẫn giữ được mức hỗ trợ quan trọng 1.800 USD/ounce trong đợt bán tháo do lãi suất cao hơn gần đây. Đây là nền tảng giúp kim loại quý này chinh phục mức 2.100 USD/ounce trong năm tới.
Trong khi, giá thép đi ngang trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải . Cụ thể, giá thép giao tháng 1/2024, tăng 25 Nhân dân tệ, xuống mức 3.650 Nhân dân tệ/tấn.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/10, giá quặng sắt tăng mạnh khi tâm lý nhà đầu tư được thúc đẩy bởi chính sách kích thích mới nhất của Trung Quốc, giảm bớt áp lực giảm giá từ việc cắt giảm sản lượng ở một số nhà máy thép do biên lợi nhuận bị thu hẹp.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 chốt phiên với giá cao hơn 2,86% ở 862 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 117,93 USD/tấn) - mức cao nhất kể từ ngày 25/9.
Hợp đồng quặng sắt chuẩn giao tháng 11/2023 trên Sàn giao dịch Singapore (SGX) tăng 2,46%, lên 117,1 USD/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 3/10.
Giá nhập khẩu HRC vào khu vực châu Âu vẫn chưa có tính cạnh tranh cao. Cụ thể, giá HRC xuất xứ từ châu Á được nhập khẩu vào châu Âu, giao hàng từ tháng 1 - tháng 2/2024 tại Italia, được chào giá từ 580 - 600 Eur/tấn (giá CFR), tương đương với mức giá HRC của châu ÂU.
Trên thị trường nguyên liệu, giá quặng sắt tăng mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng Trung Quốc sẽ có các biện pháp kích thích kinh tế mới. Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 1/2024 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE, Trung Quốc), tăng 2,86%, lên mức 862 NTD/tấn (117,93 USD/tấn) - mức cao nhất kể từ ngày 25/9.
Cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, có khả năng khiến nhu cầu giảm sút mặc dù có thêm các biện pháp kích thích, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cảnh báo trong một lưu ý.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu trong quý 4, nhất là đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), hãng Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, kênh tiêu thụ này được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý 4.
Cụ thể, hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm thép như HRC vào EU sẽ bị hạn chế do nhu cầu tại khu vực này không cao. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa chưa có dấu hiệu cải thiện.
N.Hảo
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25713342411