Chủ nhật, 28-7-2024 - 15:20 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường năng lượng và kim loại ngày 12/10: Giá vàng tăng mạnh 

 Thứ năm, 12-10-2023

AsemconnectVietnam - Trong phiên giao dịch ngày 12/10 giá xăng dầu, giá gas, giá thép giảm, trong khi giá vàng tăng mạnh.

Trên thị năng lượng, giá xăng dầu giảm do mối lo ngại nguồn cung được xoa dịu, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh từ chiều qua. Trong đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,4%, xuống 83,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12/2023 giảm 0,06%, xuống 85,55 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, giá dầu thô Brent giảm 2,1% xuống 85,82 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,9%, xuống 83,49 USD/thùng.
Giá dầu giảm hơn 2% vì lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do xung đột ở Trung Đông được cởi bỏ sau khi nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Arab Saudi cam kết giúp ổn định thị trường.
Tại châu Âu, chính phủ Đức xác nhận dự đoán nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,4% trong năm nay do lạm phát cao kéo dài.
Tại Mỹ, trong tháng 9, giá sản xuất tăng cao hơn dự kiến trong bối cảnh chi phí cho các sản phẩm năng lượng và thực phẩm tăng cao, nhưng áp lực lạm phát cơ bản tại cổng nhà máy vẫn tiếp tục giảm.
Các nhà đầu tư Mỹ sẽ chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến được công bố vào cuối ngày 11-10 (giờ địa phương) để tìm manh mối về các quyết định lãi suất trong tương lai. Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Theo đó, giá gas biến động nhẹ trong phiên sáng nay do lo ngại giảm bớt về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng nay giá gas giảm nhẹ 0,15% xuống mức 3,38 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 11/2023.
Theo The New York Times, giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt trong tuần này tại châu Âu do lo ngại về nguồn cung xuất phát từ xung đột ở Israel và Ukraine. Theo đó, giá các hợp đồng khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đã tăng hơn 20% kể từ cuối tuần trước.
Trong mối lo ngại mới nhất, Phần Lan cho biết, một đường ống nối nước này với Estonia đã bị hư hại, có thể do bị phá hoại. Điều này càng làm tăng thêm sự lo lắng trên thị trường một ngày sau khi chính phủ Israel ra lệnh cho Chevron đóng cửa Tamar, một trong hai giàn sản xuất khí đốt lớn mà gã khổng lồ năng lượng Mỹ vận hành ngoài khơi bờ biển Israel. Và Israel cũng gián tiếp xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ai Cập.
Các cơ sở lưu trữ khí đốt ở châu Âu gần như đã lấp đầy công suất, giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt ngay lập tức và giá vẫn rẻ hơn nhiều so với một năm trước trong bối cảnh Nga đóng cửa hầu hết các chuyến hàng qua đường ống tới châu Âu.
Chính phủ Phần Lan cho biết nguồn cung cấp khí đốt của họ ổn định và họ có thể đảm bảo lượng khí đốt cần thiết cho mùa Đông thông qua một kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng tạm thời. Estonia có thể lấy khí đốt từ Latvia.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giữ gần mức cao nhất trong 8 tháng vào thứ 3 do xuất khẩu tăng và giá khí đốt toàn cầu cao.
Giá khí đốt giao tháng 11 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 0,6 cent, tương đương 0,2%, đạt 3,382 USD/mmBtu, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 23 tháng 1 trong ngày thứ ba liên tiếp.
Sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 102,7 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 10 đến nay, tăng từ 102,6 bcfd trong tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục hàng tháng là 103,1 bcfd trong tháng 7.
Dòng khí tới 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên 12,9 bcfd từ đầu tháng 10 đến nay, tăng từ 12,6 bcfd trong tháng 9, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 14,0 bcfd trong tháng 4.
Trên thị trường kim loại, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang ở mức 1.877,5 - 1.878,0 USD/ounce. Tuần này, thị trường vàng thế giới tăng mạnh 14 USD; lên mức 1.874,00 USD/ounce.
Kim loại quý biến biến động nhẹ và đang áp sát quanh ngưỡng 1.880 USD/ounce. Trong bối cảnh, đồng USD giảm nhẹ, dù vẫn ở ngưỡng cao.
Tại thời điểm khảo sát, DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,17%; về mức 105,64.
Giá vàng tăng vọt trong bối cảnh cuộc xung đột Hamas và Israel có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tại Trung Đông, tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế thế giới.
Trên thế giới, có nhiều cảnh báo về những nguy cơ khôn lường từ cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Hiện Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung ứng điện, nước, thực phẩm... Hơn 2,3 triệu cư dân tại Gaza đang đối mặt với một cuộc sống thiếu thốn.
Bạo lực leo thang giữa Israel và Hamas có thể khiến nhiều nước đối mặt với những xu hướng lạm phát mới. Nền kinh tế thế giới vốn đang hồi phục rất chậm từ tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ trở nên yếu hơn.
Trong một phát biểu hôm 10/10, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly vẫn duy trì quan điểm lợi suất trái phiếu cao sẽ thay Fed thực hiện công việc thắt chặt. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Fed có khả năng tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này.
Thị trường cũng đang phản ánh khả năng rất thấp Fed tăng lãi suất.
Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta cũng cho rằng Fed không cần phải thực hiện thêm 1 đợt nâng lãi suất và chính sách đã đủ thắt chặt để mang lạm phát về mục tiêu 2%.
Theo ông Bostic, sẽ không có gì bất ngờ trong thời gian tới. Xung đột ở Israel có thể gia tăng bất ổn với nền kinh tế toàn cầu và Fed cần linh hoạt, sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi của bối cảnh.
Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari cho rằng, Fed đang trên đà kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Với những diễn biến gần đây, nhiều khả năng Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất. Điều này trong ngắn hạn sẽ khiến đồng USD hạ nhiệt, qua đó kéo giá vàng đi lên.
Về trung và dài hạn, Fed có thể sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ. Đồng USD sẽ giảm nhanh hơn nữa. Vàng có thể còn tăng nhờ nhu cầu vàng của các nước gia tăng.
Khu vực Trung Đông hiện xuất khẩu khoảng 34% dầu khí toàn cầu.
Những tín hiệu về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm ngưng tăng lãi suất cũng góp phần đẩy kim loại quý được đà tăng giá.
Ngược lại, giá thép ngày 12/10 giao tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 7 Nhân dân tệ xuống mức 3.609 Nhân dân tệ/tấn.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, giá quặng sắt kỳ hạn tăng với giá chuẩn trên Sàn giao dịch Singapore (SGX) phục hồi sau 6 phiên giảm liên tiếp, do hy vọng tái xuất hiện rằng Trung Quốc có thể xem xét triển khai các biện pháp kích thích hiệu quả hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu của mình.
Hợp đồng kỳ hạn tháng 11 của nguyên liệu sản xuất thép trên Sàn SGX đã tăng 0,7% ở mức 111,55 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong 6 tuần là 109,25 USD/tấn trong phiên trước đó.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã chốt phiên với giá cao hơn 1% ở mức 827,50 nhân dân tệ/tấn (113,39 USD/tấn).
Xu hướng đi xuống vẫn bao trùm thị trường thép HRC châu Âu do nhu cầu vẫn ở mức thấp. Giới phân tích cho biết, cả nhà phân phối và người dùng cuối đều ít quan tâm đến các đơn đặt hàng mới.
Trên thị trường nguyên liệu, giá quặng sắt thế giới tăng trở lại sau nhiều phiên giảm liên tiếp nhờ hy vọng Trung Quốc có thể xem xét đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
N.Hảo
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25713346149