Chủ nhật, 24-11-2024 - 13:5 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Kinh nghiệm phòng chống gian lận thương mại từ đối tác nước ngoài 

 Thứ ba, 29-8-2023

AsemconnectVietnam - Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nên làm quen với việc dùng dịch vụ tư vấn, pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật nước ngoài là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh.

Gian lận thương mại là hành vi dối trá, sử dụng mánh khoé, lừa đảo trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Tình trạng lừa đảo hay gian lận trong thương mại quốc tế diễn ra khá phổ biến.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần được trang bị đầy đủ thông tin và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để có thể tránh các rủi ro và hoạt động thành công tại các thị trường nước ngoài, trong đó có Italy.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Dương Phương Thảo nhấn mạnh rằng trên thực tế, khi gian lận, lừa đảo đã xảy ra, việc khắc phục hết sức khó khăn.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực xác minh đối tác và soạn thảo hợp đồng ngoại thương để hạn chế rủi ro.
Về việc xác minh đối tác, bà Dương Phương Thảo nêu rõ việc thực hiện thẩm tra xác minh đối tác có thể thực hiện qua các nguồn khác nhau như kiểm tra địa chỉ công ty qua Google 3D, kiểm tra các thông tin về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính của công ty qua tìm kiếm trên google, mua dữ liệu từ các phòng thương mại hoặc cơ quan mà doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động kinh doanh, từ các công ty tư vấn, công ty đánh giá tín nhiệm, các công ty luật nước ngoài; nhờ các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan Thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, tốt nhất là sang nước ngoài tìm hiểu trực tiếp về đối tác.
Doanh nghiệp cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu cầu dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn...
Tham tán Dương Phương Thảo nói: "Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng là hình thức giao dịch phổ biến, các doanh nghiệp cần tỉnh táo khi giá chào bán quá thấp so với mặt bằng, hoặc người mua sẵn sàng chấp nhận giá chào bán mà không đàm phán.
Rất nhiều trong số các doanh nghiệp Việt Nam tìm đến Thương vụ Việt Nam tại Italy nhờ hỗ trợ, dù thủ đoạn lừa đảo không quá tinh vi nhưng doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm thương trường, ham giá mua cao và giá bán thấp nên bỏ qua các dấu hiệu bất thường trong quá trình giao dịch.
Ngay cả các đối tác lâu năm, các doanh nghiệp cũng nên thường xuyên kiểm tra tình trạng đối tác."
Bà Dương Phương Thảo chia sẻ Thương vụ Việt Nam tại Italy đã nhận được khá nhiều yêu cầu đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam, đặt hàng từ đối tác quan hệ thường xuyên, đã đặt cọc nhưng không nhận được hàng do đối tác phá sản nhưng không thông báo khách hàng.
Các trường hợp này, theo các công ty luật của Italy, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, khả năng lấy lại được tiền thấp, phí luật sư khá cao so với trị giá lô hàng nhập, do vậy các doanh nghiệp đều chấp nhận mất tiền, chứ không kiện theo các trình tự qui định của tòa án.
Sau việc xác minh đối tác, bước quan trọng là ký kết hợp đồng. Theo Tham tán Dương Phương Thảo, hợp đồng nên được soạn thảo chi tiết, không chung chung hoặc sơ sài, không dùng mẫu sẵn do bên môi giới hoặc đối tác chuẩn bị, tránh bị cài các điều khoản bất lợi.
Doanh nghiệp có thể đề nghị đối tác gửi các hợp đồng đã ký với khách hàng khác để tham khảo.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với đối tác lần đầu hợp tác nên dùng các điều khoản thanh toán an toàn hơn như trả trước 20-50% trước khi hàng lên tàu, hạn chế phương thức trả chậm, ngay cả L/C trả chậm với đối tác mới.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, để tránh tình trạng hàng giao kém chất lượng, không đúng chủng loại, số lượng... cần có điều khoản giám định, kiểm định hàng hóa trước khi giao hàng.
Người ký hợp đồng phải là người có thẩm quyền đại diện theo pháp luật.
Trong trường hợp ký kết hợp đồng với môi giới, cần có điều khoản trong hợp đồng môi giới, yêu cầu môi giới cam kết chịu trách nhiệm về tín nhiệm người mua hoặc người bán cuối cùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm cho hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp.
Bà Dương Phương Thảo khuyến nghị: "Một trong những phương thức giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là sử dụng các doanh nghiệp dịch vụ logistics như một 'van đệm an toàn,' theo đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu xây dựng quan hệ với công ty logistics có uy tín, có độ tin cậy cao và thực hiện các hoạt động ngoại thương thông qua các công ty logistics này.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nên làm quen với việc sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật nước ngoài là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh, chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp.
Đây là giải pháp an toàn nhất cho doanh nghiệp và chi phí thuê luật sư bù lại cho rủi ro, thiệt hại là mất cả lô hàng."
Theo bà Dương Phương Thảo, tình trạng lừa đảo hay gian lận trong thương mại quốc tế diễn ra không chỉ tại Italy, mà còn ở khắp các nước trên thế giới.
Theo thời gian, các hoạt động này diễn ra ngày càng đa dạng và tinh vi hơn.
Tại Italy tình trạng lừa đảo diễn ra với nhiều thủ đoạn khác nhau. Quy mô của những doanh nghiệp này thường rất nhỏ, có vài nhân viên, có thể đã từng hoạt động và nay không hoạt động nữa, hoặc công ty ở tình trạng không thể xác định được đang hoạt động hay không, hoặc có thể là những công ty "ma."
Tham tán Dương Phương Thảo nói: "Vụ lừa đảo xuất khẩu hạt điều sang Italy năm 2022, với 67 container hàng bị mất chứng từ, trong đó có 35 container đã được chuyển đến Italy là ví dụ điển hình của hình thức lừa đảo chiếm đoạt bộ chứng từ gốc trên đường bộ chứng từ gốc được giao đến ngân hàng nhờ thu. Những công ty Italy (mua điều) trong vụ này hầu hết là các công ty "ma."
Nhờ nỗ lực rất lớn của phía Việt Nam, cũng như sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan liên quan tại Italy, vụ việc đã được xử lý thành công trong thời gian chưa đầy 3 tháng.
Các tòa án hình sự và dân sự Italy đã ra 4 phán quyết, trả lại toàn bộ 35 container hàng bị mất bộ chứng từ cho các công ty Việt Nam."
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Italy xác minh được 2 trường hợp công ty Italy có dấu hiệu lừa đảo, khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam ngưng giao dịch, ký kết hợp đồng và hỗ trợ một doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn bị đối tác lừa không thanh toán kết nối với một công ty luật, hỗ trợ kiện đối tác ra tòa để lấy lại tiền hàng.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 4 của Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy đã có mức tăng đáng kể, với 21% trong năm 2021 và 11% trong năm 2022, đạt 6,2 tỷ USD.
Nghị viện Italy vừa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi cuối tháng 7 vừa qua, mở ra những cơ hội làm ăn mới, nhưng cũng đi kèm thách thức phải phòng chống gian lận, lừa đảo thương mại./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/kinh-nghiem-phong-chong-gian-lan-thuong-mai-tu-doi-tac-nuoc-ngoai/891298.vnp

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715982252