Chủ nhật, 24-11-2024 - 7:50 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới 

 Thứ năm, 3-8-2023

AsemconnectVietnam - Sáng 2/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế" đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.

 
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới dựa trên 3 trụ cột: Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Cách đây 10 năm (ngày 10/4/2013), Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế.  Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu nêu bật một số nét tổng quan về kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Gia tăng sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế trên trường quốc tế
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả trên tất cả các kênh đối ngoại song phương, đa phương và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp và người dân từng bước được nâng cao; Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; Các yếu tố thị trường và các loại thị trường trong nước từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường của khu vực và thế giới; Thúc đẩy mở rộng sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; đồng thời, góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. “Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.  
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; thúc đẩy kim ngạch XNK tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư (năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp ta xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD), góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh xã hội. Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh… Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA đã góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta thời gian qua. Đó là sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả một số nước trong khu vực; doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu của riêng mình tại thị trường nước ngoài. Hội nhập KTQT chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế (như nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành SX vẫn lệ thuộc vào thị trường thế giới; các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia mạnh vào các chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng, nhất là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt). Bên cạnh đó, phát triển kinh tế và thương mại quốc tế chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố bề rộng mà thiếu sự đóng góp đáng kể của các yếu tố chiều sâu (như năng suất lao động, hàm lượng tri thức hay công nghệ). Hiệu quả tận dụng cơ hội, lợi ích từ các cam kết quốc tế trong một số lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo… chưa cao. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, nội luật hóa các cam kết quốc tế để khai thác một cách hiệu quả các FTA, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc chưa thực sự tốt, đôi khi còn lúng túng, bị động. Khả năng nhận định, đánh giá và dự báo tình hình để chủ động xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế.
Từ thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế 10 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể: (1) Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng về hội nhập quốc tế, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với quyết tâm, nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngàng, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là những yếu tố quyết định đem lại thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế. (2) Gắn kết giữa hội nhập KTQT với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao và các mục tiêu chiến lược khác trong tiến trình hội nhập KTQT. (3) Chủ động xem xét xây dựng, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý trong nước để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, đồng thời hỗ trợ và tận dụng tốt nhất các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. (4) Lấy ngoại giao chính trị, đối ngoại Đảng, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập trong nước (bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách, nội luật hóa các cam kết quốc tế; xây dựng các quy chuẩn bảo vệ thị trường trong nước; tổ chức thực thi có hiệu quả các FTA đã ký kết...) làm nền tảng để thúc đẩy hội nhập KTQT, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. (5) Chú trọng tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập KTQT, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, các xu thế vận động của hội nhập.
Kết hợp chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập toàn diện
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì các khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn kéo dài trong những năm tới, tiếp tục tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Vì vậy, chúng ta cần kiên trì thực hiện các mục tiêu về hội nhập KTQT theo chủ trương, đường lối của Đảng, để tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội phục vụ cho tiến trình phát triển kinh tế đất nước, đồng thời lường trước và có giải pháp khắc phục, ứng biến linh hoạt để giảm thiểu các tác động tiêu cực, bất lợi từ bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hội nhập KTQT, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi tình huống, ngày 5/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, trong đó đã đề ra các mục tiêu, phương hướng, giải pháp chủ yếu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của mình; đồng thời đề xuất thêm một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: 
Thứ nhất, chủ động nắm chắc tình hình những biến động kinh tế thế giới và khu vực, những chính sách mới của các nước lớn và các nước nhập khẩu có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; tăng cường và nâng cao năng lực công tác dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để tham mưu, đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp, khả thi.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập KTQT, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của Việt Nam và tạo cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực SXKD mới, phù hợp với xu thế phát triển của Kinh tế số, Cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia vào chuỗi SX, cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng Chiến lược mới về tham gia các hoạt động thương mại tự do theo hướng tham gia có chọn lọc và thực thi có hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả, thiết thực gắn với bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Khẩn trương kết thúc đàm phán, sớm ký kết FTA với UEA; khởi động đàm phán các FTA mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ, tạo dư địa cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các thị trường này; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu bền vững.
Thứ ba, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan QLNN và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực về: Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn… tạo mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập, trong đó phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập trong lĩnh vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng thể, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế cũng như ý nghĩa, vai trò, thời cơ, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.

 Nguồn: moit.gov.vn

  PRINT     BACK
 Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”
 Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường UAE
 Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ 24/7/2023 đến 30/7/2023
 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp đoàn Thống đốc tỉnh Wakayama, Nhật Bản
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham gia đoàn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm Ai Cập
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế Ai Cập
 Việt Nam và Israel ký kết Hiệp định Thương mại tự do
 Đẩy mạnh hoạt động hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công Thương
 Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Công Thương về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
 Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương lần thứ IV: Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển
 Vương quốc Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Đại sứ Italia Antonio Alessandro chào từ biệt về nước
 Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện ngành Công Thương khu vực phía Nam tại Hậu Giang
 Trao Quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hóa chất và Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp
 Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715977469