Thứ ba, 26-11-2024 - 12:35 GMT+7  Việt Nam EngLish 

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 3% 

 Thứ bảy, 5-8-2023

AsemconnectVietnam - Hôm thứ Ba (25/7), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu bất kể đà tăng trưởng chậm lại từ Trung Quốc.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 3% từ mức 2,8% trong đánh giá vào tháng 4. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 ở mức 3%.
Về lạm phát, IMF cũng kỳ vọng một sự cải thiện so với năm ngoái. Lạm phát toàn phần được dự đoán sẽ đạt 6,8% trong năm nay, giảm từ mức 8,7% vào năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản được cho là sẽ giảm chậm hơn xuống 6% trong năm nay từ mức 6,5% của năm ngoái.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn sẽ không quay trở lại mức mục tiêu từ 2 - 3% cho đến sau năm 2025. Khi đó, lãi suất cũng sẽ quay trở lại mức thấp hơn.
IMF cho biết, sự tập trung toàn cầu vào việc kiểm soát lạm phát đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm sút, và vẫn chưa rõ liệu các nhà hoạch định chính sách có thể đạt được hạ cánh mềm hay không.
Báo cáo nêu rõ: “Những dấu hiệu dự kiến vào đầu năm 2023 rằng nền kinh tế thế giới có thể hạ cánh mềm với lạm phát giảm và tăng trưởng ổn định, đã giảm bớt trong bối cảnh lạm phát cao và bất ổn gần đây trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù lạm phát đã giảm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và giá lương thực, năng lượng giảm, nhưng áp lực giá cơ bản đang tỏ ra khó khăn, với thị trường lao động thắt chặt ở một số nền kinh tế”.
“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi dần sau đại dịch và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Trong ngắn hạn, những dấu hiệu của sự tiến bộ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn và còn quá sớm để ăn mừng”, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết.
IMF nhấn mạnh những lo ngại về các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình ở Mỹ cạn kiệt và sự phục hồi kinh tế kém hơn dự kiến ở Trung Quốc sau các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19.
“Ở Mỹ, khoản tiết kiệm dư thừa từ các khoản chuyển nhượng liên quan đến đại dịch, vốn đã giúp các hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn gần như đã cạn kiệt. Tại Trung Quốc, sự phục hồi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại có dấu hiệu mất đà trong bối cảnh những lo ngại liên tục về lĩnh vực bất động sản, với những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.
“Triển vọng yếu ớt phản ánh lập trường chính sách chặt chẽ cần thiết để giảm lạm phát, hậu quả từ sự suy thoái gần đây của các điều kiện tài chính, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng tăng”, báo cáo nêu rõ.
Theo IMF, Mỹ sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 1% vào năm 2024. Tại Trung Quốc, tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội được dự đoán sẽ giảm từ 5,2% trong năm nay xuống còn 4,5% vào năm 2024.
IMF cho biết: “Sự yếu kém liên tục trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động đầu tư, nhu cầu nước ngoài vẫn yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng tăng (ở mức 20,8% vào tháng 5/2023) cho thấy sự yếu kém của thị trường lao động”.
“Rủi ro đối với triển vọng đang nghiêng nhiều về xu hướng giảm, với khả năng hạ cánh khó khăn đã tăng mạnh. Các nhà hoạch định chính sách có một con đường hẹp phải đi để cải thiện triển vọng và giảm thiểu rủi ro”, báo cáo cho biết.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716031431