Thứ sáu, 10-1-2025 - 16:8 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường ngô thế giới tháng 7/2023 và dự báo 

 Thứ hai, 31-7-2023

AsemconnectVietnam - Giá ngô tại các thị trường xuất khẩu chính trên thế giới trong tháng 7/2023 giảm so với tháng 6/2023.

Giá ngô Mỹ giảm 31 USD/tấn xuống 240 USD/tấn do diện tích ngô lớn hơn dự kiến và lượng mưa kịp thời ở những vùng khô hạn nhất của Vành đai ngô vào đầu tháng 7 đã gây áp lực lên giá. Giá ngô Brazil giảm 22 USD/tấn xuống 215 USD/tấn do nguồn cung ngô dồi dào từ vụ thu hoạch safrinha đang diễn ra ở Brazil. Giá ngô Achentina giảm 19 USD/tấn xuống 221 USD/tấn. Kỳ vọng về nguồn cung lớn trong vụ mùa sắp tới của Mỹ và vụ thu hoạch safrinha đang diễn ra ở Brazil đang gây áp lực giảm giá ngô của Achentina, bất chấp nguồn cung khan hiếm. Giá ngô Ukraine giảm 18 USD/tấn xuống 197 USD/tấn do sự không chắc chắn xung quanh việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và xung đột căng thẳng với Nga.
Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tháng 7/2023 dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2022/23 hầu như không thay đổi, nhờ mức tăng ở Brazil bù đắp cho việc cắt giảm ở Achentina.
Thương mại toàn cầu được dự báo giảm, do xuất khẩu giảm ở Mỹ, Achentina và Ấn Độ, ngược lại xuất khẩu tăng ở EU, Nga và Ukraine. Nhập khẩu toàn cầu cũng được dự báo giảm do giảm ở Brazil, Ai Cập và Việt Nam, trong khi nhập khẩu tăng ở Colombia, Iran, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với niên vụ 2023/24, USDA dự báo sản lượng ngô toàn cầu tăng nhẹ, với sản lượng tăng từ Mỹ, Canada và Ukraine, ngược lại giảm ở EU. Thương mại toàn cầu tăng nhờ xuất khẩu cao hơn từ Brazil và Ukraine và nhập khẩu mạnh hơn của EU.
Đối với Mỹ, USDA đã tăng ước tính năng suất ngô của Mỹ trong năm marketing 2023/24 (tháng 9/2023-tháng 8/2024) lên 177,5 bushels/mẫu Anh từ 181,5 bushels/mẫu Anh trước đó. Sản lượng ngô của Mỹ dự báo cao hơn 55 triệu bushels, trong khi dự trữ ngô đầu vụ thấp hơn 50 triệu bushels.
Đây là lần đầu tiên USDA điều chỉnh dự báo năng suất từ tháng 6 đến tháng 7 kể từ năm 2012. Điều này phần lớn là do thời tiết bắt đầu khô hạn trong tháng 6 đối với quá trình phát triển cây trồng ở phần lớn Vành đai ngô của Mỹ.
USDA đã không thay đổi các dự báo xuất nhập khẩu, lần lượt ở mức 25 triệu bushels và 2,1 tỷ bushels. Tuy nhiên, USDA đã nâng ước tính dự trữ ngô cuối niên vụ 2023-24 của Mỹ thêm 5 triệu bushels lên 2,262 tỷ bushels, cao hơn 860 triệu bushels so với ước tính một năm trước. Tổng sản lượng trong nước không thay đổi ở mức 12,385 tỷ bushels, vẫn cao hơn mức 12,080 tỷ bushels của năm ngoái.
Báo cáo mới nhất của WASDE ước tính sản lượng ngô của Brazil trong niên vụ 2023/24 là 129 triệu tấn, thấp hơn mức 133 triệu tấn của năm ngoái. Trong khi nhập khẩu được ước tính là 1,2 triệu tấn, xuất khẩu là 55 triệu tấn.
Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp AgRural dự báo vụ ngô thứ hai của Brazil sẽ đạt 102,9 triệu tấn vào năm 2023, tăng so với dự báo trong tháng 5/2023 là 97,9 triệu tấn do thời tiết thuận lợi. Agroconsult ước tính sản lượng vụ ngô thứ hai của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 107,2 triệu tấn, tăng 16% so với vụ trước.
Đối với Achentina, tổng sản lượng ngô cho niên vụ 2023/24 ước tính đạt 54 triệu tấn, cao hơn đáng kể so với 34 triệu tấn của năm trước. Nhập khẩu dự kiến ở mức 0,01 triệu tấn, trong khi xuất khẩu ở mức 40,50 triệu tấn.
Tại Ukraine, tổng sản lượng ngô ước đạt 25 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với năm ngoái. Dự báo xuất khẩu giảm từ 28 triệu tấn của năm trước xuống còn 19,50 triệu tấn trong bối cảnh những bất ổn gia tăng về tương lai của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Sản lượng ngô của Trung Quốc trong năm marketing 2023/24 ước tính là 280 triệu tấn, tăng so với 277,2 triệu tấn của năm ngoái. Nhập khẩu dự kiến ở mức 23 triệu tấn so với 18 triệu tấn của năm ngoái.
Dự báo Brazil sẽ thu hoạch ước tính 137,4 triệu tấn ngô trong chu kỳ 2023/2023, cũng là một kỷ lục, bao gồm cả vụ đầu tiên và vụ thứ hai.
Theo USDA, trong niên vụ 2021/2022, Trung Quốc đã mua 21 triệu tấn ngô từ Mỹ và Ukraine trong đó 70% từ riêng Mỹ. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2022, Trung Quốc ngày càng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu ngô nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Động lực chính của sự thay đổi này là khả năng tiếp cận thị trường mới cho các nhà xuất khẩu bổ sung và sự gián đoạn từ các nhà cung cấp truyền thống là Ukraine và Mỹ.
Sự thay đổi lớn nhất về thị phần đến từ Brazil. Xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc tăng mạnh vào cuối năm 2022 sau một thỏa thuận vào tháng 5/2022 cho phép nhập khẩu ngô từ Brazil. Hơn 2,2 triệu tấn ngô Brazil mà Trung Quốc đã nhập khẩu trong năm 2022/23 đã làm thay đổi cấu trúc của thị trường – đặc biệt tác động đến thị phần Mỹ do giá cả cạnh tranh.
Các nhà xuất khẩu nhỏ hơn khác cũng được hưởng lợi từ nỗ lực đa dạng hóa thương mại của Trung Quốc. Vào tháng 2/2022, Trung Quốc đã ký một giao thức kiểm dịch thực vật với Miến Điện, mở đường cho thương mại xuyên biên giới. Sau đó, vào năm 2022/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 300.000 tấn ngô từ Myanmar, khối lượng lớn hơn cả 3 năm trước đó cộng lại. Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi nhập khẩu từ Nga, nhập 200.000 tấn vào năm 2022/2023. Và vào tháng 5/2023, lần đầu tiên Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng ngô đáng kể từ Nam Phi, mặc dù đã loại bỏ hầu hết các trở ngại đối với thương mại thông qua một giao thức được ký vào năm 2014.
Trong những năm trước, nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2022/2023, ngô của Mỹ đã phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong khâu hậu cần và nguồn cung bị thắt chặt hơn khiến cho giá ngô Mỹ kém cạnh tranh. Điều này có thể một phần là do định hướng thị trường ở cả hai quốc gia. Brazil đang thu hoạch một vụ thu hoạch safrinha kỷ lục, 40% trong số đó dự kiến sẽ được xuất khẩu. Ngược lại, Mỹ xuất khẩu khoảng 15% sản lượng, với hầu hết nguồn cung cấp cho thị trường nội địa. Nhà cung cấp chính khác, Ukraine, đã cố gắng duy trì thị phần thông qua Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI) – xuất khẩu năm 2022/2023 sang Trung Quốc là 5,5 triệu tấn, so với 6 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2021/2022. Nguồn cung của Ukraine được dự báo sẽ thắt chặt do dự trữ và sản lượng thấp hơn, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ giảm vào năm 2023/2024.
Tần suất tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng, đại dịch COVID-19 toàn cầu và xung đột ở Ukraine cho thấy các bên tham gia thị trường cần phải giảm thiểu rủi ro liên quan đến an ninh lương thực. Bằng cách tăng số lượng các nguồn nhập khẩu sẵn có, Trung Quốc sẽ ít phải đối mặt với tình trạng khó lường hơn trong việc đáp ứng nhu cầu lớn về ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của nước này.
N.Nga
Nguồn: VITIC/Reuters/USDA/Spglobal

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717125128