Chủ nhật, 24-11-2024 - 19:7 GMT+7  Việt Nam EngLish 

CPTPP: 'Cú hích' để tái cơ cấu chuỗi sản xuất toàn ngành thủy sản 

 Thứ năm, 27-7-2023

AsemconnectVietnam - Theo đại diện VCCI, với những doanh nghiệp sẵn sàng cho lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xanh và bền vững, khi triển khai thành công, có thể tự tin vào tất cả các thị trường, kể cả thị trường ngách.

Việc Vương quốc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có thủy sản.
Tuy vậy, những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và bền vững chính là thông điệp để các doanh nghiệp trang bị hành trang nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, đứng vững trước những thử thách mới của thị trường.
Thêm cơ hội gia tăng giá trị
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang khối các nước CPTPP trong 5 năm gần đây đã tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2018 lên 2,9 tỷ USD vào năm 2022, cùng đó tỷ trọng tại thị trường này cũng tăng từ 25% lên 27%, con số này là minh chứng rất tích cực đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối các nước CPTPP đạt 1,1 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, song nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu dùng chung của thị trường giảm sút ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm này.
Không những vậy, các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… cũng có sự suy giảm về mặt hàng đông lạnh của Việt Nam. Theo đó, sau đại dịch COIVD các nước đều nhập khẩu ồ ạt về phục vụ tiêu dùng, song do nhu cầu giảm đã đẩy tồn kho tăng, điều này tác động ngược trở lại ngành hàng thủy sản của Việt Nam, kéo theo giá thủy sản cũng đi xuống.
“Tuy nhiên, trong bức tranh đó, dự báo nhiều nước trong khối CPTPP như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt đối với hàng chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao của Việt Nam,” bà Hằng nêu ví dụ.
Ngày 16/7, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận xác nhận việc gia nhập CPTPP, nâng tổng số thành viên lên 12 quốc gia, bao gồm: Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam và Anh.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), đối với Việt Nam, Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu-châu Mỹ. Do vậy, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ bổ sung cho FTA giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA) hiện có và nâng cấp mối quan hệ thương mại song phương với các mức thuế ưu đãi bổ sung.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, Việt Nam và Anh đã ký hiệp định thương mại tự do-UKVFTA nhưng với CPTPP, doanh nghiệp có thêm một con đường để xuất khẩu vào thị trường này với ưu đãi về thuế quan.
Dẫn chứng thêm, đại diện VCCI cho rằng, với hiệp định UKVFTA các quy định về nguồn nguyên liệu được quy định rất chặt vì chỉ song phương hai nước, song với hiệp định CPTPP, khi Vương quốc Anh tham gia thì số thành viên tăng lên, do vậy khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ có thể tốt hơn.
Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu từ Malaysia nhưng vẫn có thể hưởng ưu đãi thuế quan của CPTPP khi xuất khẩu vào Vương Quốc Anh, còn nếu riêng với UKVFTA thì việc này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan này.
Tuy nhiên, bà Trang cũng chỉ ra một số thách thức bởi nhiều nước chưa có hiệp định song phương với Vương quốc Anh thì khi Anh gia nhập CPTPP sẽ phải cạnh tranh với các thành viên khác tại thị trường Anh.
Hơn nữa, việc Trung Quốc hay Ecuador là những đối thủ cực mạnh về thủy sản, nếu các nước trên gia nhập CPTPP thì lĩnh vực này sẽ cạnh tranh gay gắt hơn.
Chú trọng các tiêu chuẩn xanh và bền vững
Có thể thấy, thủy sản là một trong những ngành tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung trong đó có hiệp định CPTPP.
Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tận dụng được FTA giữa ASEAN với Trung Quốc (ACFTA) lên tới 95% (năm 2022), Hàn Quốc là 94%, EU là 83%, Mexico là một thị trường mới trong CPTPP cũng đạt tới 77%.
Về tổng thể, các doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng tốt cơ hội về thuế quan từ các FTA, do các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu từ trong nước và đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Tuy vậy, bài toán đặt ra cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam chính là đáp ứng các tiêu chuẩn Xanh và bền vững tại các thị trường lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, đây cũng là xu hướng mang tính chất chung toàn cầu, đặc biệt được nhấn mạnh tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản…
Do vậy, để tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh, theo đại diện VCCI, các doanh nghiệp cần nhìn nhận việc này ngay từ những việc rất nhỏ, đơn cử các nước có thể yêu cầu giảm sử dụng các hóa chất trong nông nghiệp hay thủy sản, vì vậy việc này ảnh hưởng ngay đến hệ thống các tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh tối đa cho phép trong các sản phẩm nông thủy sản và các tiêu chuẩn đó ngày càng khắt khe hơn, tiến tới việc một số loại chất trước đây được sử dụng nhưng sau này có thể không được sử dụng nữa…
“Tiêu chuẩn xanh và bền vững đó là những cái không thể mặc cả và không câu giờ được, đến thời điểm có hiệu lực là phải tuân thủ, cho nên các doanh nghiệp phải chú ý,” bà Trang lưu ý thêm.
Ở chiều ngược lại, bà Trang cho rằng, về lâu dài bản thân Việt Nam cũng được hưởng lợi các tiêu chuẩn đó, vì hạn chế sử dụng hóa chất trong nông nghiệp sẽ tốt cho môi trường. Ngoài ra, với những doanh nghiệp có kế hoạch và sẵn sàng cho lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Xanh và bền vững, khi triển khai thành công, có thể tự tin vào tất cả các thị trường, kể cả thị trường ngạch.
Nhấn mạnh: “Ai nhanh chân hơn trong việc tuân thủ tiêu chuẩn này sẽ giành được thị phần,” bà Trang lưu ý, trong bối cảnh thị trường rất khó khăn, những ưu đãi về thuế quan sẽ rất tích cực giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, các tiêu chuẩn Xanh và bền vững sẽ là những tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ và doanh nghiệp phải chú ý để tận dụng tốt hiệp định này.
“Các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể hưởng được ưu đãi thuế quan. Cùng đó cần hướng dẫn doanh nghiệp có được thông tin và quy định về tiêu chuẩn xanh và bền vững,” bà Trang đề xuất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Hợp tác Quốc tế, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dưới góc độ cơ quan Quản lý Nhà nước thì hiệp định CPTPP là “cú hích” để tái cơ cấu chuỗi sản xuất của toàn ngành thủy sản, từ việc tổ chức sản xuất thủy sản bền vững gắn với chế biến, thương mại, phát triển thị trường, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy các hoạt động quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Theo bà, Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp luật, quản lý ngành thủy sản tương đối hoàn thiện và mang tính đồng bộ. Cùng đó, tất cả các định hướng, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành thủy sản hiện nay đều tính đến các cam kết bảo vệ môi trường như đã cam kết trong hiệp định CPTPP - là một trong sự đảm bảo cho ngành thủy sản về lâu dài phát triển được bền vững.
Đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hải sản, Việt Nam đã từng bước tạo lập lên được một sản phẩm thủy sản minh bạch về nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng và từng bước thân thiện với môi trường.
Đại diện Cục Thủy sản cho hay, bên cạnh việc ban hành Luật thủy sản cùng Nghị định 42 và sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các vị liên quan xây dựng Nghị định 67 nhằm hỗ trợ, xây dựng phát triển ngành thủy sản cùng việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho lĩnh vực này.
“Giải pháp đầu tiên mà các bộ ngành đang làm đó là tổ chức các diễn đàn liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao các doanh nghiệp tiếp cận được khoa học kỹ thuật nhanh nhất, giảm được giá thành cũng như có cơ hội để cạnh tranh trên thị trường,” bà Dung thông tin thêm./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/cptpp-cu-hich-de-tai-co-cau-chuoi-san-xuat-toan-nganh-thuy-san/884151.vnp

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715987425