Thứ ba, 26-11-2024 - 18:37 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình trạng thiếu hụt đồng đô la tác động tiêu cực tới các nền kinh tế cận biên 

 Thứ năm, 6-7-2023

AsemconnectVietnam - Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng cứ bốn nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, thì có một nền kinh tế đã mất khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế. Đây là một nguồn ngoại tệ mạnh cần thiết để thanh toán cho dầu mỏ và các hàng hóa như thực phẩm.

Charlie Robertson, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại FIM Partners cho biết, các quốc gia bị ảnh hưởng cũng có khả năng chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài bị hạn chế.
Lãi suất toàn cầu tăng đột biến đã đẩy Sri Lanka và Ghana vào tình trạng vỡ nợ. Tunisia cũng đang chao đảo. Nigeria có thể sớm chi một nửa hoặc hơn doanh thu của chính phủ cho các khoản thanh toán lãi. Ngay cả Kenya cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
David Willacy, một nhà giao dịch ngoại hối tại StoneX cho biết: “Các nền kinh tế cận biên đang phải gánh chịu hậu quả từ hóa đơn nhập khẩu gia tăng, trầm trọng hơn do các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và xu hướng tìm kiếm sự an toàn nói chung”.
Mặc dù tỷ trọng của đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu đã giảm xuống 59% từ 70% trong một thập kỷ, nhưng đồng đô la vẫn tiếp tục thống trị thương mại toàn cầu.
Sự xuất hiện của tỷ giá hối đoái song song hoặc thị trường không chính thức để mua đô la và các loại tiền tệ chính khác thường là dấu hiệu sớm cho thấy một quốc gia đang gặp vấn đề.
Nigeria - nền kinh tế lớn nhất của châu Phi - là một nhà xuất khẩu dầu lớn bán dầu thô bằng đô la, nhưng do thiếu công suất lọc dầu, nước này phải nhập khẩu nhiên liệu nên tiền tệ bị thắt chặt.
Nigeria từ lâu đã có một mạng lưới nhiều tỷ giá hối đoái mà hiện đang cố gắng gỡ rối, đồng thời cũng đã phá giá đồng tiền naira của mình một lần nữa vào tuần trước.
Các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại ở Argentina đồng nghĩa với việc nước này có tỷ giá hối đoái song song trong nhiều năm, trong khi ở Cuba và Venezuela, sự kết hợp giữa các vấn đề kinh tế sâu sắc và lệnh trừng phạt của Mỹ đồng nghĩa với việc thường cần đến đồng đô la hoặc euro để mua hàng hóa. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch - nguồn thu ngoại tệ lớn của Cuba đang phục hồi tốt sau đại dịch.
Công ty chuyên cung cấp bảo hiểm rủi ro chính trị Chaucer ước tính rằng 91 trong số 142 quốc gia đã chứng kiến dự trữ ngoại hối giảm trong 12 tháng qua, đây là một xu hướng được khuếch đại bởi đồng đô la tăng giá.
Các quốc gia Sri Lanka, Lebanon, Pakistan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, trong khi với Ethiopia, các vấn đề trở nên trầm trọng hơn do xung đột dân sự đã dẫn tới việc cấm nhập khẩu hàng chục loại hàng hóa, bao gồm cả ô tô, để tiết kiệm tiền mua thực phẩm và nhiên liệu.
Một số quốc gia đang cố gắng phá vỡ hoặc phá vỡ sự thống trị của đồng đô la.
Kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây cắt đứt Nga khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu, Trung Quốc và Ấn Độ đã trả tiền mua dầu của Nga bằng các loại tiền tệ khác, trong khi Ghana trả tiền mua dầu bằng vàng.
Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva đã đưa ra ý tưởng về một đồng tiền chung cho nhóm các nền kinh tế BRICS. "Chúng tôi cần một loại tiền tệ giúp các quốc gia bình tĩnh hơn”, ông cho biết vào tháng 4.
BRICS có thể thảo luận đề xuất đó tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 8, mặc dù điều này khó có thể sớm trở thành hiện thực. Nhưng khối kinh tế này đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia như Ả Rập Xê Út để đối trọng với phương Tây.
Mặt khác, tình trạng thiếu đô la gần như luôn gắn liền với các vấn đề nợ xấu đi.
Đồng tình với WB, JPMorgan tính toán rằng 21 quốc gia với tổng nợ quốc tế trị giá 240 tỷ USD hiện đang bị hạn chế khả năng tiếp cận với thị trường vốn, đây cũng là một con số gần kỷ lục.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, gần đây người cho vay đang nhận được nhiều yêu cầu viện trợ hơn. "IMF trở thành nguồn bảo vệ”, bà cho biết.
Ở châu Phi, các điều kiện khó khăn gắn liền với các khoản vay của IMF đã khiến một số quốc gia cảnh giác khi dựa vào cơ quan này.
Argentina cho biết, sẽ thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc và độ sâu của thị trường tài chính Mỹ có nghĩa là đồng tiền của nước này khó có thể sớm thách thức đồng đô la với tư cách là một đồng tiền thống trị trên toàn cầu.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716038211