Hoạt động của các nhà máy ở châu Á sụt giảm trong tháng 6
Thứ sáu, 7-7-2023AsemconnectVietnam - Các dữ liệu chỉ số PMI mới đây đã cho thấy hoạt động của các nhà máy ở châu Á sụt giảm trong tháng 6, chủ yếu do nhu cầu ở Trung Quốc và các quốc gia lớn khác đang chậm lại.
Các cuộc khảo sát nhấn mạnh, các nền kinh tế tại châu Á đang phải chịu những thiệt hại vì sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc sau các đợt phong tỏa do dịch COVID-19. Các nhà sản xuất tại châu Á cũng đang phải chịu những hậu quả từ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu.
Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với các nhà máy ở châu Á, nhưng hoạt động sản xuất vẫn đang thiếu động lực tăng trưởng do triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang giảm dần”.
"Trung Quốc đang chậm trễ trong việc cung cấp các biện pháp để kích thích nền kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ cũng đang cảm nhận được tác động tiêu cực từ đợt tăng lãi suất mạnh nhất từ trước đến nay. Tất cả những yếu tố này đều khiến các nhà sản xuất khu vực châu Á có triển vọng phát triển ảm đạm" , ông Toru Nishihama nhận định.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) Caixin của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm xuống 50,5 điểm, giảm từ mức 50,9 của tháng 5. Chỉ số này cho thấy hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà tăng trưởng trong quý II.
Tác động của việc nền kinh tế Trung Quốc mất đà được cảm nhận rõ ở Nhật Bản, khi chỉ số PMI sản xuất do Ngân hàng au Jibun tổng hợp đã giảm xuống 49,8 điểm trong tháng 6, quay trở lại mức "thu hẹp" (dưới 50 điểm) sau khi đạt 50,8 điểm trong tháng 5.
Chỉ số PMI của Nhật Bản cho thấy các đơn đặt hàng mới từ khách hàng nước ngoài đã giảm trong tháng 6 với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng qua do nhu cầu yếu tại Trung Quốc.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc cũng đã giảm xuống mức 47,8 điểm trong tháng 6, từ mức 48,4 điểm của tháng 5, kéo dài chu kỳ thu hẹp hoạt động sản xuất tháng thứ 12 liên tiếp do nhu cầu yếu ở châu Á và châu Âu.
Các chỉ số PMI khác cũng cho thấy hoạt động của các nhà máy cũng sụt giảm ở Đài Loan, Việt Nam và Malaysia. Các nền kinh tế ở châu Á phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế này đã chứng kiến sự tăng trưởng trong quý I/2023 nhưng sau đó không đạt được sự phục hồi như kỳ vọng.
Diễn biến tiếp theo của các nền kinh tế châu Á, sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn khu vực châu Âu và Mỹ đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát.
Trong dự báo đưa ra vào tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế khu vực châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay sau khi đã tăng 3,8% trong năm 2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế châu Á trong năm 2024 xuống còn 4,4% và cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng kinh tế khu vực châu Á như lạm phát cao hơn dự kiến và nhu cầu toàn cầu đang chậm lại.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
Nhu cầu yếu, giá nhà mới tại Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp
IMF: Nhà đầu tư đang quá lạc quan về tốc độ kiểm soát lạm phát
Người Mỹ ngày càng lạc quan về nền kinh tế
CPI lõi của Nhật Bản cao nhất trong 42 năm qua
Doanh số bán lẻ ở Đức tăng hơn dự kiến trong tháng 5/2023
Sản lượng nhà máy của Hàn Quốc được thúc đẩy nhờ ô tô và chip
Lạm phát ở Tokyo vẫn cao hơn mục tiêu của BOJ trong tháng thứ 13 liên tiếp
Thiệt hại kinh tế ngày càng sâu sắc khiến ECB rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan
Lạm phát khu vực đồng Euro giảm trở lại trong tháng 6/2023 khi giá năng lượng giảm
Tình hình kinh tế Hàn Quốc tháng 6/2023
Tình hình kinh tế khu vực Eurozone tháng 6/2023
Chỉ số Ifo của Đức lao dốc trong tháng 6
PMI khu vực Eurozone giảm trở lại trong tháng 6, xác nhận sự yếu kém của nền kinh tế
Tăng trưởng kinh tế Eurozone chậm lại, thấp nhất trong 5 tháng qua