Thứ bảy, 11-1-2025 - 16:50 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường lúa mì thế giới tháng 6/2023 và dự báo 

 Thứ năm, 29-6-2023

AsemconnectVietnam - Giá lúa mì thế giới tháng 6/2023 giảm so với tháng 5/2023 ở hầu hết các nước xuất khẩu lớn, ngoại trừ giá lúa mì Achentina tăng do dự báo sản lượng lớn hơn và xuất khẩu không bị cản trở từ khu vực Biển Đen đã gây áp lực giảm giá toàn cầu.

Cụ thể, lúa mì Nga giảm 33 USD/tấn xuống 227 USD/tấn do nguồn cung dồi dào và nhu cầu mạnh mẽ. Lúa mì Mỹ giảm 20 USD/tấn xuống 353 USD/tấn do áp lực giảm giá toàn cầu. Lúa mì EU giảm 14 USD/tấn xuống 250 USD/tấn do nguồn cung dồi dào và triển vọng thuận lợi cho vụ mùa mới, đặc biệt là ở Đông Âu. Lúa mì Canada giảm 10 USD/tấn xuống 322 USD/tấn do triển vọng sản lượng tích cực trong vụ 2023/24. Lúa mì Úc giảm 4 USD/tấn xuống 301 USD/tấn do nguồn cung lớn. Ngược lại, lúa mì của Achentina tăng 28 USD/tấn lên 378 USD/tấn do nguồn cung có thể xuất khẩu giảm.
Báo cáo tháng 6/2023 của USDA dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu vụ 2022/23 tăng so với tháng 5/2023, chủ yếu do sản lượng của Brazil tăng. Thương mại toàn cầu cũng được dự báo tăng nhờ xuất khẩu của Ukraine mạnh hơn dự kiến. Nhập khẩu được dự báo cao hơn với nhu cầu mạnh mẽ từ EU, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và An-giê-ri bù đắp cho nhu cầu yếu hơn từ Ma-rốc và Indonesia.
Về triển vọng lúa mì toàn cầu vụ 2023/24, USDA dự báo nguồn cung lớn hơn, tiêu thụ cao hơn, thương mại tăng và dự trữ lớn hơn. Nguồn cung dự kiến tăng 10,8 triệu tấn lên 1.066,9 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng lớn hơn ở Nga, Ấn Độ, EU và Ukraine.
Sản lượng của Nga dự báo tăng 3,5 triệu tấn lên 85 triệu tấn, trong điều kiện thuận lợi sau lượng mưa mùa xuân dồi dào. Sản lượng của Ấn Độ tăng 3,5 triệu tấn lên 113,5 triệu tấn, chủ yếu dựa trên ước tính nâng cao của chính phủ. Sản lượng của EU ước tính tăng 1,5 triệu tấn lên 140,5 triệu tấn nhờ điều kiện lúa mì vụ đông tiếp tục thuận lợi ở hầu hết các nước thành viên EU. Sản lượng của Ukraine dự báo tăng 1 triệu tấn lên 17,5 triệu tấn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi ở miền nam Ukraine nhưng sản lượng vẫn thấp hơn năm ngoái do diện tích thu hoạch giảm.
Nguồn cung lớn hơn thúc đẩy thương mại toàn cầu gia tăng, dự kiến tăng 2,9 triệu tấn lên 212,6 triệu tấn do xuất khẩu của Nga, EU, Ấn Độ và Ukraine được điều chỉnh cao hơn. Nhập khẩu được dự báo cao hơn với nhu cầu lớn hơn từ Trung Quốc do một số khu vực trồng trọt bị ảnh hưởng bởi mưa lớn.
Dự trữ lúa mì toán cầu cuối vụ 2023/24 dự kiến tăng 6,4 triệu tấn lên 270,7 triệu tấn, chủ yếu là do dự trữ của Ấn Độ, Nga và EU tăng.
Đối với Mỹ, USDA dự báo nguồn cung lớn hơn, nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu không thay đổi, dự trữ cao hơn trong niên vụ 2023/24. Nguồn cung tăng lên do sản lượng lúa mì được dự báo tăng 6 triệu bushels so với tháng trước, lên 1,665 triệu bushels, nhờ sản lượng lúa mì Mùa đông đỏ cứng cao hơn bù đắp cho sự sụt giảm của lúa mì Mùa đông đỏ mềm và Mùa đông trắng. Tổng năng suất lúa mì là 44,9 bushels/mẫu Anh, tăng 0,2 bushels so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái.
Mức tiêu thụ của Mỹ không thay đổi, sản lượng tăng được bổ sung vào lượng dự trữ cuối kỳ, ước tính là 562 triệu bushels. Giá nông trại trung bình niên vụ 2023/24 giảm 0,3 USD/bushel xuống còn 7,7 USD/bushel do nguồn cung lúa mì lớn hơn của Mỹ và các nước.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2023/24 tăng 4,4 triệu tấn lên 796,1 triệu tấn, chủ yếu do tiêu thụ làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác cao hơn ở Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Mưa lớn ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc trong vụ thu hoạch lúa mì mùa đông dự kiến sẽ khiến nguồn cung lúa mì chất lượng làm thức ăn chăn nuôi lớn hơn do lượng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và các mục đích khác của Trung Quốc tăng 2 triệu tấn lên 34 triệu tấn.
Mexico là thị trường nhập khẩu lúa mì Đông đỏ mềm (SRW) lớn nhất của Mỹ, chiếm 34% tổng số lô hàng SRW của Mỹ. Với mức giá không cạnh tranh của Mỹ, Trung Quốc đã mua một lượng lớn lúa mì từ Úc và Canada. Xuất khẩu SRW sang Trung Quốc giảm 55%, Trng Quốc từ thị trường SRW lớn thứ hai vào năm 2021/22 xuống vị trí thứ tư vào năm 2022/23.
Tuy nhiên, nhập khẩu lúa mì trắng từ Mỹ của Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhu cầu mạnh mẽ, tăng gần gấp đôi lên 870.000 tấn, khiến nước này trở thành nước nhập khẩu lúa mì trắng lớn thứ hai của Mỹ sau Philippines.
Nhập khẩu của Philippines đã chậm lại trong 5 năm qua do giá cao dẫn đến nhu cầu giảm. Nhập khẩu lúa mì trắng từ Mỹ của Indonesia tăng trở lại sau khi nhập khẩu thấp nhất vào năm 2021/22 do căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá tăng mạnh.
Nhu cầu lúa mì Mỹ của EU vẫn rất mạnh, trong đó Ý là thị trường nhập khẩu lớn nhất để đáp ứng ngành sản xuất mì ống.
Nhu cầu lúa mì của An-giê-ri duy trì ở mức cao, được sử dụng để sản xuất thực phẩm chủ yếu là couscous và mì ống. An-giê-ri đã nhập khẩu lúa mì Mỹ tăng gần gấp 5 lần lên 165.000 tấn do nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng.
Giá lúa mì dự báo giảm do ước tính sản lượng tăng ở các nước sản xuất lớn (Nga, Ấn Độ, EU và Ukraine), dự trữ dồi dào và xuất khẩu không bị cản trở từ khu vực Biển Đen gây áp lực giảm giá toàn cầu.
N.Nga
Nguồn: VITIC/Reuters/USDA/Spglobal
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717149351