Thứ bảy, 23-11-2024 - 23:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 và chiến lược xuất khẩu gạo đến năm 2030 

 Thứ năm, 29-6-2023

AsemconnectVietnam - 5 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 3,62 triệu tấn gạo, tương đương 1,92 tỷ USD, tăng 30,7% về khối lượng, tăng 41,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022.

Xuất khẩu gạo và các thị trường chủ đạo của Việt Nam tháng 5/2023
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023 cả nước xuất khẩu 724.609 tấn gạo, tương đương 390,58 triệu USD, giá trung bình 539 USD/tấn, giảm 30,6% về lượng và giảm 28,5% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 3% về giá so với tháng 4/2023; so với tháng 5/2022 thì tăng 2% về lượng, tăng 12,5% kim ngạch và tăng 10,3% về giá.
Trong tháng 5/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines giảm mạnh 37,8% về lượng và giảm 36,7% về kim ngạch nhưng tăng 1.8% về giá so với tháng 4/2023, đạt 245.927 tấn, tương đương 125,29 triệu USD, giá 509,5 USD/tấn; và cũng giảm 30,7% về lượng, giảm 25,3% kim ngạch, nhưng tăng 7,9% về giá so với tháng 5/2022. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 5/2023 cũng giảm 24,5% về lượng và giảm 23% kim ngạch so với tháng 4/2023, đạt 125.929 tấn, tương đương 71,95 triệu USD; so với tháng 5/2022 thì tăng 37,4% về lượng, tăng 50% kim ngạch.
Tình hình xuất khẩu gạo và các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu 5 tháng đầu năm 2023
Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 3,62 triệu tấn, tương đương gần 1.92 tỷ USD, tăng 30,7% về khối lượng, tăng 41,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022, giá trung bình đạt 529,4 USD/tấn, tăng 8,3%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 42,3% trong tổng lượng và chiếm 40,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,53 triệu tấn, tương đương 772,43 triệu USD, giá trung bình 504 USD/tấn, tăng 20,6% về lượng, tăng 31% về kim ngạch và tăng 8,6% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 632.469 tấn, tương đương 364,17 triệu USD, giá trung bình 575,8 USD/tấn, tăng mạnh 62,8% về lượng và tăng 79,1% kim ngạch; giá tăng 10% so với 5 tháng đầu năm 2022.
Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 369.032 tấn, tương đương 181,36 triệu USD, giá 491,4 USD/tấn, tăng mạnh 1.498% về lượng và tăng 1.519% kim ngạch và tăng nhẹ 1,3% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 2,78 triệu tấn, tương đương 1,44 tỷ USD, tăng 46,6% về lượng, tăng 58,7% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 252.419 tấn, tương đương 129,52 triệu USD, tăng 17,6% về lượng, tăng 22,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 2,14 triệu tấn, tương đương 1,07 tỷ USD, tăng 43,3% về lượng, tăng 54,2% kim ngạch.
Việt Nam phê duyệt chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030
Xuất khẩu gạo Việt tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu hướng đến thị trường cao cấp khi Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.
Chiến lược đã đặt mục tiêu là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn và 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn với 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia gấp 26,3 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, năm nay, xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều tăng trưởng và với tất cả các loại gạo. Với tình hình khá phức tạp của thế giới thì gạo Việt Nam tiếp tục có cơ hội xuất khẩu cũng như kéo dài sự tăng trưởng.
Thực tế đã chứng minh, lượng lương thực trên thế giới đang suy giảm. Khi biến đổi khí hậu cực đoan thì việc cải thiện lương thực thế giới rất khó; trong khi Việt Nam không bị tác động mạnh bởi biến đổi khi hậu như nhiều quốc gia khác.
Ông Phạm Thái Bình cũng cho biết, lượng gạo tồn kho không cao. Hàng sản xuất ra đến đầu đều được tiêu thụ đến đó. Lượng hàng sản xuất ra khá nhiều nhưng đều tiêu thụ tốt bởi lượng thương thực thế giới sụt giảm, thậm chí không đủ gạo để bán.
Cùng với đó, gạo thơm, gạo chất lượng cao cũng ngày càng được gia tăng. Theo Cục Trồng trọt, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cấp 157 giấy chứng nhận với trên 14.000 tấn gạo để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu gạo vào thị trường EU.
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu các loại gạo có phẩm cấp cao.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%... Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%. Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.
Với chiến lược, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng, việc điều chỉnh giảm “lượng” tăng “chất” là chiến lược phù hợp. Bởi sản xuất lúa ở vùng trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi, từ sản xuất 3 vụ giảm xuống còn 2 vụ hoặc từ 2 vụ xuống còn 1 vụ. Thậm chí, có một phần khá lớn diện tích sản xuất lúa đã được nông dân chuyển sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…
Theo ông Phạm Thái Bình, cùng với chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc định hướng nâng cao giá trị, giảm sản lượng xuất khẩu là đúng đắn.
Khi đó, đến năm 2030 dù xuất khẩu chỉ 4 triệu tấn gạo nhưng giá trị vẫn đạt từ 3,5 - 4 tỷ USD mà không cần đến phải xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo như hiện nay. Bên cạnh đó, khi sản xuất để có được 6,5 - 7 triệu tấn gạo cũng sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính lớn hơn nhiều so với việc chỉ sản xuất 4 triệu tấn gạo. Đây là giá trị về môi trường mà khó có thể tính toán được, ông Phạm Thái Bình đánh giá.
Theo các chuyên gia, chế biến sâu là con đường giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, muốn sản phẩm chế biến có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật.
“Gia tăng giá trị xuất khẩu sẽ phải tăng sản phẩm chế biến nhiều hơn. Bởi việc này vừa giảm sản lượng gạo xuất khẩu mà vẫn có được giá trị cao. Ngay công ty Trung An đã gia tăng sản xuất các sản phẩm bún, phở… để xuất khẩu sang EU”, ông Phạm Thái Bình cho biết.
Với mục tiêu sẽ có khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030, ông Phạm Thái Bình cho rằng, đây là một mục tiêu vẫn thấp. Nếu Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt thì khả năng tỷ lệ gạo có thương hiệu sẽ cao hơn. Bởi, riêng lúa sản xuất thuộc đề án cũng có thể vượt được mục tiêu trên. Thậm chí sản phẩm gạo vừa có thương hiệu quốc gia vừa có chứng chỉ phát thải thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã có 85% là giống lúa chất lượng cao; 89% là gạo chất lượng cao. Chính vì thế, giá gạo Việt Nam đã vượt gạo Thái Lan, đạt từ 485 - 495 USD/tấn
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đi vào chất lượng là đòi hỏi của chuỗi cung ứng. Các đề tài nghiên cứu về lúa gạo từ trước đến nay đã đáp ứng được yêu cầu của các vùng sinh thái. Các giống lúa năng suất, chất lượng cao gần như phủ kín các vùng.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi thị trường, các hiệp định thương mại tự do, việc nghiên cứu chọn tạo giống mới có năng suất cao, giá thành thấp, chất lượng cao cạnh tranh tốt đang đem lại hiệu quả ngày càng cao trong sản xuất lúa gạo. Đặc biệt là an ninh lương thực Việt Nam hoàn toàn yên tâm.
CK
Nguồn: VITIC/ TTXVN

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715970060