Thứ ba, 26-11-2024 - 22:24 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được dự đoán vượt xa Trung Quốc 

 Thứ bảy, 17-6-2023

AsemconnectVietnam - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ dự kiến sẽ vượt xa Trung Quốc trong năm nay và năm tới.

OECD cảnh báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn mỏng manh khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này có thể dẫn đến căng thẳng trên thị trường tài chính. OECD dự đoán, mức tăng trưởng toàn cầu là 2,7% trong năm nay, đánh dấu tỷ lệ tăng trưởng hàng năm thấp thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngoại trừ đại dịch Covid năm 2020.
“Mối lo ngại chính là những điểm yếu mới có thể xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến mất niềm tin rộng hơn và tín dụng bị thu hẹp mạnh, đồng thời làm tăng rủi ro do mất cân đối thanh khoản và đòn bẩy trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng”, báo cáo cho biết.
Mặc dù lưu ý rằng các ngân hàng nói chung có thể linh hoạt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, nhưng OECD cho biết, niềm tin của thị trường vẫn còn mong manh, thể hiện qua tốc độ mà áp lực của ngành ngân hàng lan rộng khắp các quốc gia sau sự sụp đổ của ngân hàng ở Mỹ trong tháng 3.
OECD cũng chỉ ra mức nợ tăng cao ở các nền kinh tế tiên tiến, sau đại dịch Covid và xung đột Nga-Ukraine.
“Hầu hết các quốc gia đang đối mặt với thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn. Gánh nặng trả nợ ngày càng tăng và áp lực chi tiêu liên quan đến tuổi tác và quá trình chuyển đổi khí hậu đang gia tăng”, nhà kinh tế trưởng của OECD cho biết.
Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã đưa ra những lo ngại tương tự, đồng thời cho biết rằng tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến đang “cao hơn bao giờ hết”.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc hơn nữa, OECD cho rằng, châu Á được kỳ vọng sẽ vẫn là một điểm sáng do lạm phát khu vực dự kiến sẽ duy trì ở mức “tương đối nhẹ” và việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu cho khu vực rộng lớn hơn.
Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia sẽ dẫn đầu tăng trưởng GDP trong năm 2023 và 2024.
Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD cho biết: “Giá năng lượng và lạm phát toàn phần giảm, tắc nghẽn nguồn cung giảm bớt và mở cửa lại nền kinh tế Trung Quốc, cùng với việc làm mạnh mẽ và tài chính hộ gia đình tương đối ổn định, tất cả đều góp phần vào sự phục hồi dự kiến. Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ yếu so với các tiêu chuẩn trước đây, đồng thời các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ cần phải vượt qua một con đường khó khăn”.
OECD kỳ vọng Ấn Độ sẽ tăng trưởng GDP 6% vào năm 2023; Trung Quốc tăng trưởng 5,4%, Indonesia tăng trưởng 4,7%.
OECD cho biết, đà tăng trưởng mạnh của Ấn Độ nhờ vào sản lượng nông nghiệp cao hơn dự kiến và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ. Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong nửa cuối năm tới sẽ giúp đà chi tiêu của các hộ gia đình quay trở lại và ngân hàng trung ương của Ấn Độ dự kiến sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất nhẹ bắt đầu từ giữa năm 2024.
Trong khi đó, OECD dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản là 1,3% do được thúc đẩy bởi hỗ trợ chính sách tài khóa, khi lạm phát cơ bản tiếp tục tăng lên 2%.
Các nhà kinh tế của Nomura cho biết, điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy đây là “thời điểm để châu Á tỏa sáng”.
“Triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu ớt và các đợt tăng lãi suất chính sách sắp kết thúc có thể sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội mới, đồng thời đặt ưu tiên cho các nền tảng kinh tế lành mạnh, chúng tôi tin rằng châu Á phù hợp với kỳ vọng này”, các nhà kinh tế cho biết.
OECD dự kiến lạm phát toàn phần trung bình của các nước OECD sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay sau khi đạt đỉnh 9,4% vào năm 2022. Báo cáo cũng dự đoán Anh sẽ trải qua mức lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. Trong số các quốc gia được OECD chú trọng trong phân tích lạm phát, chỉ có Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Để kiểm soát lạm phát và giải quyết những mối lo ngại trước mắt đối với nền kinh tế toàn cầu, OECD khuyến nghị các chính phủ thực hiện 3 biện pháp sau: duy trì chính sách tiền tệ hạn chế; loại bỏ dần và hỗ trợ tài chính có mục tiêu; và ưu tiên chi tiêu hỗ trợ tăng trưởng và cải cách cơ cấu thúc đẩy nguồn cung.
“Hầu như tất cả các quốc gia đều có thâm hụt ngân sách và mức nợ cao hơn so với trước đại dịch… Cần có những lựa chọn cẩn thận để duy trì nguồn ngân sách khan hiếm cho các ưu tiên chính sách trong tương lai và để đảm bảo tính bền vững của nợ”, báo cáo của OECD cho biết.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716042426