Thứ ba, 26-11-2024 - 22:41 GMT+7  Việt Nam EngLish 

WB: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 

 Thứ tư, 14-6-2023

AsemconnectVietnam - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2023 và xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do lãi suất cao hơn, lạm phát và các điều kiện tín dụng hạn chế hơn.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới của WB công bố hôm thứ Ba (6/6), tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm tốc xuống 2,1% trong năm nay từ mức 3,1% vào năm 2022, và sẽ có sự suy giảm đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: “Nền kinh tế thế giới đang ở một vị thế bấp bênh”.
Tốc độ tăng trưởng đó phù hợp với mức trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở các nước phát triển dự kiến sẽ cao hơn trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi sẽ thấp hơn.
WB cũng đã hạ triển vọng đối với gần như tất cả các nền kinh tế tiên tiến và cắt giảm dự báo tăng trưởng cho 70% thị trường mới nổi.
Nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ giảm tốc từ 2,1% vào năm 2022 xuống 1,1% vào năm 2023 và sau đó giảm xuống 0,8% vào năm 2024, chủ yếu do tác động kéo dài của việc lãi suất tăng mạnh. Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống 0,4% vào năm 2023 từ mức 3,5% vào năm 2022 do chính sách tiền tệ thắt chặt và giá năng lượng cao hơn.
WB cảnh báo tăng trưởng toàn cầu thậm chí có thể yếu hơn dự đoán nếu căng thẳng ngân hàng trở nên tồi tệ hơn hoặc lạm phát đủ dai dẳng để thúc đẩy lãi suất cao hơn dự kiến.
“Chi phí đi vay gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến có thể dẫn đến sự xáo trộn tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dễ bị tổn thương hơn”, báo cáo cho biết.
Lãi suất cao hơn là một vấn đề đối với các thị trường mới nổi, vốn đã quay cuồng với những cú sốc chồng chéo của đại dịch và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Chúng khiến các nền kinh tế đó gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản vay nợ bằng USD.
Cho đến nay, hầu hết các thị trường mới nổi chỉ thấy tác hại hạn chế từ căng thẳng ngân hàng gần đây bắt nguồn từ những nơi giàu có hơn như Mỹ, nhưng báo cáo mới của WB nói rằng những thị trường này hiện đang “đi trong vùng nước nguy hiểm”.
Những yếu kém về tài chính đã đẩy nhiều quốc gia có thu nhập thấp vào cảnh túng quẫn vì nợ nần. Tại các thị trường mới nổi khác ngoài Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống 2,9% trong năm nay so với mức 4,1% của năm ngoái.
“Với các điều kiện tín dụng toàn cầu ngày càng hạn chế, cứ 4 thị trường mới nổi thì có 1 thị trường đã mất khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế”, báo cáo cho biết.
“Sức ép đặc biệt nghiêm trọng đối với các thị trường mới nổi với các lỗ hổng tiềm ẩn như mức độ tín nhiệm thấp. Dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế này trong năm 2023 thấp hơn một nửa so với một năm trước, khiến các nền kinh tế rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc bổ sung”, báo cáo cho biết.
Đến cuối năm 2024, tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 5% so với mức dự kiến khi bắt đầu đại dịch.
WB cho biết, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến ước tính sẽ giảm tốc từ 2,6% năm 2022 xuống 0,7% trong năm nay và duy trì ở mức thấp vào năm 2024.
Ở Mỹ, một loạt ngân hàng đổ vỡ gần đây đã dẫn tới tình trạng thắt chặt tín dụng, đây vốn được cho là nguyên nhân sẽ làm tăng trưởng chậm lại do chi phí đi vay cao hơn làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo WB, tốc độ mà lãi suất cao hơn đang tác động đến nền kinh tế Mỹ có thể chậm hơn so với các chu kỳ trước đó. Bộ đệm tiết kiệm cao được xây dựng bởi người tiêu dùng và lợi nhuận cao của các tập đoàn cũng có thể làm giảm chi phí đi vay cao hơn.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716042683