Nền kinh tế Úc "nguội lạnh" trong quý I/2023
Thứ bảy, 10-6-2023AsemconnectVietnam - Theo dữ liệu của Cục Thống kê Úc (ABS) vừa công bố, GDP của Úc trong 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,2% so với quý IV/2022. Nền kinh tế Úc chậm lại trong ba tháng đầu năm do chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) - ngân hàng trung ương đã đè nặng lên chi tiêu của các hộ gia đình và hoạt động xây dựng đồng thời tăng chi phí lao động, những điều này đã làm tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế quốc gia này.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Úc (ABS) vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Úc chỉ tăng 0,2% trong quý I/2023 so với quý IV/2022, thấp hơn ước tính tăng 0,3% của các nhà kinh tế. Đây là mức tăng hàng quý yếu nhất kể từ quý III/2021. So với một năm trước đó, nền kinh tế Úc đã tăng trưởng 2,3%.
Kết quả này không gây ngạc nhiên cho các nhà hoạch định chính sách bởi họ đã dự đoán nền kinh tế Úc sẽ suy thoái trong năm nay hoặc năm tới do 12 lần tăng lãi suất của RBA kể từ tháng 5/2022.
Báo cáo cho thấy người Úc đã phải dùng đến các khoản tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch để tiêu dùng trong giai đoạn này khi tỷ lệ tiền tiết kiệm đang giảm xuống. Cụ thể, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình giảm xuống 3,7% từ mức 4,4%. Thêm vào đó, chi tiêu hộ gia đình chỉ tăng 0,2% trong quý đầu tiên của năm 2023, đóng góp thêm 0,1% vào tăng trưởng kinh tế Úc; chi phí lao động và tiền lương tăng thêm 2,4%.
“Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ thiết yếu là yếu tố chính làm tăng chi tiêu hộ gia đình tại Úc, trong khi các hoạt động chi tiêu khác cho đồ nội thất và thiết bị gia dụng, mua phương tiện đi lại và các hàng hóa và dịch vụ khác đều bị cắt giảm,” Katherine Keenan, Giám đốc Hệ thống Tài khoản Quốc gia của ABS cho biết.
Sau các đợt tăng lãi suất dài của RBA, tỷ lệ tiền mặt tăng lên 4,1%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, điều này đe dọa mục tiêu hạ cánh mềm của ngân hàng trung ương nước này. Các nhà kinh tế dự báo kinh tế Úc có khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới do chi phí đi vay cao hơn đã bắt đầu hạn chế tiêu dùng trong nước.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát cao dai dẳng, thậm chí phải trả giá bằng tăng trưởng yếu đi và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang chịu áp lực phải tiếp tục tăng lãi suất do CPI của Mỹ vẫn ở mức cao.
Cho đến nay, Úc đã được hưởng lợi từ việc giá xuất khẩu tăng cao, mang lại một khoản thu lớn cho nước này, từ đó đưa ngân sách Úc trở lại thặng dư lần đầu tiên sau 15 năm.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
Trung Quốc: Các ngân hàng lớn cắt giảm lãi suất huy động
Hàn Quốc: giá hàng tiêu dùng giảm 3,3% trong tháng 5
Hàn Quốc: Lạm phát tiếp tục chậm lại trong tháng 5
Lạm phát của khu vực Eurozone giảm mạnh xuống 6,1% trong tháng 5
Xu hướng giảm phát ở Đức tăng trong tháng 5
Trung Quốc đang cân nhắc các gói hỗ trợ mới về lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy nền kinh tế
Mỹ: thị trường lao động tháng 5 tốt hơn dự báo
Lạm phát hạ nhiệt, nhưng “cuộc chiến” có thể còn dài
Các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc tiếp tục trượt dốc trong 4 tháng đầu năm 2023
Lạm phát của Italy tiếp tục giảm trong tháng 5
Làn sóng năng lượng xanh đã góp phần quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
Kinh tế Singapore có nguy cơ xảy ra suy thoái
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 5/2023