Thị trường lúa mì thế giới tháng 5/2023 và dự báo
Thứ tư, 31-5-2023AsemconnectVietnam - Giá lúa mì thế giới tháng 5/2023 giảm so với tháng 4/2023 ở hầu hết các nước xuất khẩu lớn, ngoại trừ Achentina mặc dù có những lo ngại về tương lai của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng dự báo sản xuất thuận lợi ở Bắc bán cầu, cùng với nhu cầu xuất khẩu được kiểm soát, đã gây áp lực giảm giá toàn cầu.
Cụ thể, lúa mì Úc giảm 24 USD/tấn xuống 305 USD/tấn với dự kiến cạnh tranh gia tăng từ các nguồn cung ở Bắc bán cầu. Lúa mì Mỹ giảm 13 USD/tấn xuống 373 USD/tấn do nhu cầu xuất khẩu giảm, thể hiện qua khối lượng bán hàng xuất khẩu yếu. Lúa mì Nga giảm 15 USD/tấn xuống 260 USD/tấn do các báo cáo tiến độ gieo trồng thuận lợi cùng với các giá chào thấp hơn dự kiến cho đợt đấu thầu gần đây của Ai Cập. Lúa mì Canada giảm 12 USD/tấn xuống 332 USD/tấn do dự báo diện tích cao hơn dự kiến và lúa mì EU giảm 21 USD/tấn xuống 264 USD/tấn do điều kiện cây trồng được cải thiện. Trong khi đó, lúa mì của Achentina tăng 4 USD/tấn lên 350 USD/tấn do nguồn cung có thể xuất khẩu cạn kiệt.
Báo cáo tháng 5/2023 của USDA dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu vụ 2022/23 giảm so với tháng 4/2023, chủ yếu do sản lượng của Ai Cập và Paraguay giảm. Thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng với xuất khẩu lớn hơn từ Úc, Canada, Ukraine và Vương quốc Anh, trong khi đó giảm ở Brazil, EU, Kazakhstan và Nga.
Triển vọng lúa mì toàn cầu niên vụ 2023/24 là nguồn cung, thương mại, tiêu thụ và dự trữ cuối kỳ thấp hơn so với năm 2022/23. Sản lượng toàn cầu được dự báo ở mức kỷ lục 789,8 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn. Vụ mùa lớn hơn ở một số quốc gia, bao gồm Achentina, Canada, Trung Quốc, EU và Ấn Độ được bù đắp một phần bởi sự sụt giảm đáng kể ở Úc, Nga, Ukraine và Kazakhstan.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC)IGC đã cắt giảm triển vọng vụ lúa mì thế giới niên vụ 2023/24 4 triệu tấn xuống còn 783 triệu tấn, chủ yếu do điều chỉnh giảm đối với Mỹ xuống còn 45,2 triệu từ 49,4 triệu. Ba năm hạn hán đã khiến vụ lúa mì mùa đông đỏ cứng của Mỹ rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Sản lượng của Achentina được dự đoán tăng mạnh, phục hồi sau vụ mùa bị ảnh hưởng bởi hạn hán vào năm trước.
Sản lượng của EU dự báo cao hơn, được hưởng lợi từ lượng mưa trên trung bình đối với gần như tất cả các nước thành viên EU ngoại trừ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Sản lượng ở Nga được dự báo thấp hơn do diện tích và sản lượng giảm so với mức kỷ lục của năm ngoái. Tại Ukraine, sản lượng dự báo giảm 21% so với năm trước, chủ yếu là do xung đột với Nga. Sau ba vụ thu hoạch kỷ lục liên tiếp, sản lượng ở Úc dự báo sẽ giảm đáng kể khi sản lượng trở lại mức trung bình.
Sản lượng của Ấn Độ ước tính tăng 6% lên mức kỷ lục 110 triệu tấn được hỗ trợ bởi giá trong nước tăng thúc đẩy diện tích trồng bổ sung.
Sản lượng của Canada cũng được dự báo sẽ đạt mức gần kỷ lục về diện tích mở rộng. Trung Quốc được dự báo sẽ có năng suất cao hơn. Sản lượng của Mỹ dự báo sẽ tăng nhẹ nhờ diện tích thu hoạch lúa mì mùa đông bổ sung, với toàn bộ sản lượng lúa mì dự kiến chỉ tăng 1% lên 45,2 triệu tấn.
Trong khi đó, sản lượng của Nga dự kiến sẽ giảm 11% do diện tích trồng giảm. Sản lượng của Úc dự báo giảm 26% sau 3 vụ thu hoạch kỷ lục liên tiếp. Sản lượng của Ukraine dự báo giảm hơn 20% so với năm trước và bằng một nửa mức đạt được vào năm 2021/22.
Dự trữ lúa mì toàn cầu được dự báo sẽ giảm so với năm trước, chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh ở một số nhà xuất khẩu lớn. Mức giảm lớn nhất là ở Nga, nơi sản xuất được dự báo giảm mạnh so với mức kỷ lục của năm ngoái. Xuất khẩu của Nga được dự báo sẽ vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi việc giảm nguồn cung có thể xuất khẩu từ Ukraine.
Dự trữ của EU được dự báo giảm 9% so với năm trước. Dự trữ của Mỹ dự báo giảm 7% xuống 15,1 triệu tấn, mức tồn kho thấp nhất kể từ vụ 2007/08. Trong khi đó, dự trữ của Trung Quốc được dự báo cao hơn và sẽ chiếm hơn một nửa lượng dự trữ toàn cầu. Dự trữ của Ấn Độ dự báo tăng do sản xuất phục hồi và tiếp tục lệnh cấm xuất khẩu.
Thương mại toàn cầu dự báo giảm nhẹ so với mức kỷ lục của năm ngoái xuống còn 212,5 triệu tấn do một số thay đổi ở các nhà cung cấp chính.
Nga được dự báo là nước xuất khẩu lớn nhất trong năm thứ tư liên tiếp. Sản xuất dự báo thấp hơn, được bù đắp một phần bởi lượng dự trữ ban đầu lớn hơn. Với nguồn cung cấp giảm, cả lượng tiêu thụ FSI và thức ăn chăn nuôi đều dự báo giảm. Xuất khẩu dự báo tăng 1 triệu tấn lên 45,5 triệu tấn, dẫn đến dự trữ cuối kỳ giảm. Các thị trường lớn nhất của Nga dự kiến sẽ vẫn ở Châu Phi và Trung Đông.
EU dự kiến sẽ vẫn là nhà xuất khẩu lớn thứ hai. Sản xuất dự báo sẽ tăng, đặc biệt ở Pháp và Romania. Các kho dự trữ dự kiến giảm khi xuất khẩu tăng lên 38 triệu tấn. EU dự đoán sẽ giành được thị phần toàn cầu do xuất khẩu từ Ukraine giảm.
Xuất khẩu của Canada dự kiến tăng nhờ vụ mùa lớn hơn và giảm cạnh tranh với Úc ở thị trường châu Á. Xuất khẩu dự kiến đạt 27,5 triệu tấn.
Xuất khẩu của Úc dự báo giảm mạnh với sản lượng dự báo giảm một phần tư. Do nguồn cung giảm và mức sử dụng trong nước chỉ giảm nhẹ, xuất khẩu của Úc dự kiến sẽ giảm 8 triệu tấn xuống còn 24,5 triệu tấn. Úc vận chuyển chủ yếu đến Đông và Đông Nam Á.
Xuất khẩu của Mỹ dự báo giảm xuống còn 20 triệu tấn. Mặc dù sản lượng tăng nhẹ, vận chuyển ít hơn và giá tiếp tục không cạnh tranh sẽ hạn chế cơ hội xuất khẩu. Lượng dự trữ dự báo sẽ giảm hơn nữa và thấp nhất kể từ niên vụ 2007/08.
Xuất khẩu của Achentina dự báo sẽ tăng lên 12,5 triệu tấn nhờ vụ mùa lớn hơn sau vụ mùa hạn hán năm trước. Achentina dự kiến sẽ giành được thị phần tại một số thị trường lúa mì truyền thống của Úc bao gồm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Xuất khẩu của Ukraine dự báo giảm 5 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn do vụ mùa ít hơn và lượng dự trữ ban đầu eo hẹp hơn. Trong suốt năm 2022/23, Ukraine đã vận chuyển lúa mì bằng xe tải, đường sắt và sà lan đến các nước láng giềng và bằng đường biển theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Xuất khẩu của Kazakhstan dự báo giảm xuống còn 9,5 triệu tấn với nguồn cung ít hơn do sản lượng giảm. Tuy nhiên, nước này dự kiến sẽ vẫn là nhà cung cấp lúa mì và bột mì chính cho khu vực Trung Á.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu niên vụ 2023/24 đạt 789,5 triệu tấn, tăng 2,9 triệu tấn so với năm trước. Sử dụng lúa mì làm thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI) dự kiến sẽ tăng do dân số tăng với mức tăng lớn nhất ở Trung Quốc và Pakistan. Tiêu thụ dự kiến sẽ tăng trở lại ở một số quốc gia nhờ giá giảm. Người tiêu dùng ở Indonesia và Nigeria gần đây đã tránh các sản phẩm lúa mì để chuyển sang các loại ngũ cốc lương thực khác như gạo.
Tiêu thụ lúa mì tùy thuộc vào giá và chất lượng thu hoạch. Trong năm 2023/24, sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác dự kiến sẽ yếu đi do ngô sẽ cạnh tranh hơn để làm thức ăn chăn nuôi ở hầu hết các thị trường nhờ sản lượng ngô của Mỹ và Brazil lớn hơn.
Nhập khẩu lúa mì toàn cầu được dự báo giảm nhẹ với nhập khẩu giảm trên khắp Đông Á và Châu Âu.
Ai Cập được dự báo là nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu vào năm 2023/24, với lượng nhập khẩu tăng trở lại 12 triệu tấn khi nước này phục hồi sau tình trạng thiếu hụt tiền tệ và lạm phát. Việc sử dụng lương thực dự báo sẽ tăng lên do lượng di cư từ các quốc gia lân cận dự kiến sẽ tăng vào năm tới, bao gồm cả Sudan. Các nước Bắc Phi, bao gồm Algeria, Maroc và Tunisia sẽ nhập khẩu nhiều hơn do hạn hán.
Tiêu thụ và nhập khẩu lúa mì ở Đông Nam Á sẽ mở rộng với dân số ngày càng tăng và chế độ ăn uống thay đổi. Indonesia, nước nhập khẩu lớn nhất trong khu vực với 11 triệu tấn, sẽ mở rộng nhập khẩu do cả tiêu thụ lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và lương thực phục hồi. Nhập khẩu của Philippines cũng tăng nhờ mức sử dụng làm lương thực phục hồi.
Nhập khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ vẫn mạnh ở mức 10,5 triệu tấn, mặc dù giảm so với năm trước do vụ mùa trong nước lớn hơn. Việc sử dụng lúa mì làm lương thực tiếp tục mở rộng nhưng sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giảm do ngô trở nên cạnh tranh hơn về giá.
Nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ dự báo giảm nhẹ ở mức 10 triệu tấn nhờ sản xuất trong nước lớn hơn. Tuy nhiên, nước này vẫn là một nhà nhập khẩu lớn cho cả tiêu dùng trong nước và tái xuất khẩu các sản phẩm bột mì và mì ống ra thị trường nước ngoài.
Liên minh châu Âu dự kiến có mức giảm nhập khẩu hàng năm lớn nhất - giảm 3,5 triệu tấn xuống còn 7 triệu tấn, do vụ mùa lớn hơn và lượng hàng nhập khẩu có sẵn ít hơn từ Ukraine, nhà cung cấp chính trong suốt năm 2022/23. Với nguồn cung cấp lúa mì và ngô trong nước nhiều hơn, nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ thấp hơn, mặc dù nhập khẩu lúa mì cứng sẽ tiếp tục mạnh.
Nhập khẩu của các nước Tây bán cầu dự báo sẽ tăng trở lại với nguồn cung có thể xuất khẩu dồi dào từ Canada và Achentina. Brazil là nhà nhập khẩu lớn nhất trong khu vực, nước này cần nguồn cung cấp quốc tế để bổ sung cho vụ mùa ít hơn và tăng xuất khẩu. Mexico dự kiến nhập khẩu lượng lúa mì kỷ lục, chủ yếu từ Mỹ.
Nhập khẩu của Bangladesh dự báo sẽ tăng trở lại nhờ nguồn cung toàn cầu dồi dào và giá thấp hơn. Bangladesh chủ yếu nhập khẩu lúa mì từ Ấn Độ, Biển Đen và có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Biển Đen do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, Pakistan dự báo sẽ nhập khẩu nhiều hơn do nhu cầu thực phẩm mạnh mẽ và sản xuất tăng ít.
Nhập khẩu của khu vực châu Phi cận Sahara dự báo cao hơn. Đáng chú ý, nhập khẩu của Nigeria được dự báo lên tới 6 triệu tấn khi tình trạng thiếu hụt tiền tệ giảm bớt và tình hình kinh tế được cải thiện.
Giá lúa mì sẽ giảm do sản xuất thuận lợi ở Bắc bán cầu, cùng với nhu cầu xuất khẩu được kiểm soát, đã gây áp lực giảm giá toàn cầu.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
Thị trường ngô thế giới tháng 5/2023 và dự báo
Thị trường đậu tương thế giới tháng 5/2023 và dự báo
Giá phân bón thế giới giảm mạnh so với tháng cùng kỳ năm 2022
Thị trường hàng hóa thế giới ngày 30/5: Giá cao su giảm mạnh
Nga: Những vướng mắc của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chưa được xử lý
RIA: Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 36 tỷ USD khỏi Nga
USDA dự báo thương mại ngô toàn cầu tăng trong niên vụ 2023/24
USDA dự báo sản lượng ngũ cốc vượt mức tiêu thụ trong niên vụ 2023/24
Nhật Bản và Mỹ hợp tác phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo
Hoa Kỳ lấy ý kiến sửa đổi nhiều quy định về phòng vệ thương mại
USDA dự báo thương mại toàn cầu lúa mì giảm trong niên vụ 2023/24
Tìm cách nới lỏng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga sang châu Phi
Hàng hóa nhập khẩu vào EU từ Ukraine được miễn thuế thêm 1 năm
Hungary tiếp tục hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông sản Ukraine