Thứ tư, 27-11-2024 - 2:52 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nhật Bản: Chỉ số PMI phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn có thể chịu áp lực mới 

 Chủ nhật, 28-5-2023

AsemconnectVietnam - Theo thước đo mới nhất về sức mạnh trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch của Nhật Bản đang có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Nhật Bản về lĩnh vực dịch vụ được Ngân hàng Au Jibun ước tính sẽ tăng 0,9 lên mức kỷ lục 56,3 điểm trong tháng 5, nhờ sự trở lại của khách du lịch nước ngoài sau Covid. Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ tăng thêm 1,3 điểm lên mức 50,8 điểm trong tháng 5, lần đầu tiên tăng trên mốc 50 kể từ tháng 10/2022.
Đây là các dấu hiệu tốt cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, khi nền kinh tế Nhật Bản đã có sự phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản, được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, đã tăng trưởng 1,6% trong quý I/2023 và tăng 0,4% so với quý IV/2022. Điều này cho thấy nền kinh tế nước này đang mở rộng với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong 3 tháng đầu năm.
Bức tranh kinh tế đang cải thiện có thể sẽ tiếp tục làm sôi sục đồn đoán rằng Thủ tướng Fumio Kishida có thể cân nhắc tổ chức bầu cử sớm. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của ông đã tăng vọt sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào cuối tuần qua.
Việc chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đối với khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản đã tạo điều kiện cho lượng khách du lịch đến nước này tăng nhanh, điều này hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nước này tập trung vào vào mảng dịch vụ. Đồng thời theo S&P Global Market Intelligence, các khó khăn trong chuỗi cung ứng đang giảm bớt đã giúp ích cho các nhà sản xuất làm tăng chỉ số PMI sản xuất lên trên 50.
Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế của S&P cho biết: “Nền kinh tế khu vực tư nhân Nhật Bản tiếp tục trên đà phát triển. Các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục báo cáo đà tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng kỷ lục mới trong hoạt động kinh doanh”.
Khi nền kinh tế toàn cầu xuất hiện những dấu hiệu suy thoái do lãi suất tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn, Nhật Bản đang cho thấy khả năng phục hồi một phần nhờ vào việc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nếu Mỹ và các nền kinh tế lớn khác rơi vào suy thoái vào cuối năm nay thì hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản có thể sẽ chịu áp lực mới.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716046235