Hải Dương sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Hàn Quốc (19/5/2023)
Thứ ba, 23-5-2023AsemconnectVietnam - Tỉnh Hải Dương thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp hiện đại, kỹ thuật cao, cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Chiều 18/5, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc bộ năm 2023", với nội dung xúc tiến đầu tư, thương mại giữa 13 tỉnh và thành phố Khu vực Bắc bộ với các đối tác của Hàn Quốc.
Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo và đại diện 13 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Về phía Hàn Quốc, có bà Oh Young Ju, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo Cơ quan hợp tác và phát triển Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) và các đơn vị, hiệp hội và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju mong muốn nâng tầm quan hệ đối tác giữa hai quốc gia và các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Hảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tham gia phiên thảo luận, giới thiệu những lợi thế sẵn có của tỉnh tới các nhà đầu tư Hàn Quốc về vai trò đặc biệt của tỉnh Hải Dương nằm trong vùng thủ đô và trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận tiện đến các cảng biển Hải Phòng, Cái Lân (Quảng Ninh), cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Nội Bài. Các trục đường bộ, đường thuỷ, đường sắt rất thuận lợi để luân chuyển hàng hoá và hành khách. Tỉnh có nguồn lực lao động dồi dào với hơn 80% người lao động được đào tạo tay nghề bài bản, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hải Dương đã thu hút đầu tư từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 496 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư trên 9,2 tỷ USD với trên 400 dự án đang hoạt động ổn định, tập trung vào các ngành nghề như sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, sắt thép, hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác...
Hàn Quốc đang là quốc gia đứng thứ nhất về số lượng dự án và đứng thứ 3 về số vốn đầu tư tại tỉnh Hải Dương (chiếm 27% số lượng dự án FDI và 15.4% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI). Một số dự án công nghiệp phụ trợ đến từ Hàn Quốc có quy mô tương đối lớn, hàm lượng công nghệ cao, từ các tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, linh kiện, phụ tùng ô tô như Hyundai Kefico, linh kiện tự động Prettl, Dự án đinh tán vòng đệm KPF, thiết bị thông minh cho điện thoại SD Global…
Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Hàn Quốc là mặt hàng điện, điện tử, khuôn mẫu, dịch vụ logistics, may mặc... Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương, tạo việc làm cho trên 60.000 lao động địa phương, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh Hải Dương luôn ghi nhận và đánh giá cao vai trò, vị trí của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời mong muốn ngày càng nhiều các nhà đầu tư Hàn Quốc đến đầu tư trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hợp tác phát triển hạ tầng thương mại logistics, tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Hiện nay tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 21 Khu công nghiệp (KCN) và 03 KCN mở rộng với tổng diện tích quy hoạch 4.508 ha và 58 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 2.942,7 ha. Trong đó, có 11 KCN, 33 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 84%; 06 KCN với gần 1.200 ha đang hoàn thiện hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư FDI. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch phát triển vùng công nghiệp động lực kết nối thuận lợi với thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, cách Hà Nội 25 phút đường ô tô cao tốc, phạm vi quy hoạch khoảng 10.000 ha, trong đó: gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics... Ngoài ra, Hải Dương đang đề nghị Chính phủ cho phép thành lập 01 khu kinh tế chuyên biệt. Đây thực sự là một điểm đến đầu tư đáng quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hải Dương giới thiệu tới các nhà đầu tư Hàn Quốc về 06 Khu công nghiệp với gần 1.200 ha đang sẵn sàng đón các nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất kinh doanh bao gồm KCN An Phát 1, KCN Gia Lộc, KCN Phúc Điền mở rộng, KCN Đại An mở rộng, KCN Tân Trường mở rộng, KCN Kim Thành với các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp hiện đại, kỹ thuật cao, cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp và các ngành công nghiệp phụ trợ. Cụ thể là các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, các sản phẩm điện tử thông minh, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác. Quy mô đầu tư từ 50-100 triệu USD trên diện tích đất từ 30-40 ha tại 06 KCN trên.
Trong đó, Khu công nghiệp An Phát tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho thuê đất từ Quý 1/2023. 04 KCN Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng, KCN Tân Trường mở rộng cho thuê đất từ Quý 4/2023. KCN Kim Thành cho thuê đất từ Quý 2/2024.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc đến với tỉnh Hải Dương sẽ được ưu tiên để phát triển sản xuất kinh doanh, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ phía các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình tìm hiểu và thực hiện các thủ tục đầu tư. Các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, cấp phép môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, minh bạch, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và dịch vụ công Quốc gia, giúp nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
Bên cạnh kêu gọi hợp tác đầu tư, tỉnh Hải Dương cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác chuỗi cung cứng, chuỗi sản xuất với mục tiêu đưa công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thành ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tham gia vào sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng… cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận; đến năm 2030, phấn đấu thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương tin tưởng và đánh giá cao các nhà đầu tư Hàn Quốc đến với Hải Dương, đồng thời chuyển thông điệp "Hải Dương sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến đầu tư và hợp tác sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ thắng lợi và đạt được thành công trong các lĩnh vực khi đến với Hải Dương"./.
Nguồn: Sở Công Thương Hải Dương
Hải Dương phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp hỗ trợ vào năm 2030
Hải Dương bổ sung hơn 280 ha đất cho 83 dự án, công trình năm 2022
Ứng dụng chuyển đổi số và TMĐT trong các hợp tác xã tỉnh Hải Dương
Hải Dương: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc cuối năm
Hải Dương: Triển khai xây dựng hạ tầng 6 khu công nghiệp
Hải Dương phấn đấu tăng 5 bậc trong xếp hạng chỉ số PCI
Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040
Hải Dương: Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để bứt phá
Hải Dương: Tạo sức hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản
Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam tháng 3 ...
3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,79 triệu tấn, đạt giá trị 952 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng ...Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm
Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, ...