Thứ tư, 27-11-2024 - 12:25 GMT+7  Việt Nam EngLish 

FAO: Giá lương thực thế giới tăng lần đầu tiên trong 1 năm 

 Thứ bảy, 6-5-2023

AsemconnectVietnam - Nhà kinh tế trưởng của FAO nhận định việc các nền kinh tế phục hồi hậu giai đoạn suy yếu sau đại dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó gây áp lực tăng giá thực phẩm.

Ngày 5/5, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố số liệu cho thấy chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 4 đã lần đầu tiên tăng trong 1 năm.
Chỉ số giá của FAO - “thước đo” theo dõi giá cả các mặt hàng thực phẩm giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, trong tháng 4 ở mức 127,2 điểm, tăng so với mức 126,5 điểm ghi nhận trong tháng 3.
Chỉ số này hiện vẫn ở mức cao hơn 20% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3/2022, sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine - cuộc khủng hoảng địa chính trị tác động mạnh mẽ đến nguồn cung hàng hóa thế giới vốn khan hiếm sau dịch COVID-19.
Theo FAO, việc các mặt hàng như đường, thịt và gạo tăng giá trong tháng 4 đã bù cho sự sụt giảm giá của các sản phẩm như ngũ cốc, dầu thực vật và chế phẩm từ sữa.
Cụ thể, so với tháng 3, chỉ số giá đường trong tháng 4 tăng 17,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011.
Nguyên nhân do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Ấn Độ và Trung Quốc, cùng sản lượng thấp hơn dự kiến trước đó tại Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ số giá thịt tăng 1,3% so với tháng 3, trong khi chỉ số giá các chế phẩm từ sữa giảm 1,7%, dầu thực vật giảm 1,3% và ngũ cốc giảm 1,7%.
Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero nhận định việc các nền kinh tế phục hồi hậu giai đoạn suy yếu sau đại dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó gây áp lực tăng giá thực phẩm.
Ông bày tỏ quan ngại trước tình trạng giá gạo tăng và đề xuất gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm bình ổn hóa giá ngô và lúa mỳ.
Trong một báo cáo riêng về cung-cầu ngũ cốc, FAO dự báo sản lượng lúa mì thế giới năm 2023 vào khoảng 785 triệu tấn, thấp hơn một chút so với mức năm 2022 nhưng vẫn là mức cao thứ 2 từng được ghi nhận.
Trong khi đó, FAO nâng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới lên 2,785 tỷ tấn, chỉ giảm 1% so với năm trước đó.
Báo cáo cho rằng triển vọng sản xuất lúa gạo phía Nam đường xích đạo niên vụ 2023/24 là khó đoán định do những tác động của hiện tượng thời tiết La Nina.
Giá lương thực tăng càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2022, khoảng 258 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp do ảnh hưởng của xung đột, các cú sốc về kinh tế và các thảm họa khí hậu, tăng mạnh so với mức 193 triệu người của năm 2021.
Đây là kết quả báo cáo mới của Liên hợp quốc về các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, việc có tới hơn 250 triệu người đối mặt với tình trạng đói kém ở những mức độ khẩn cấp, trong đó nhiều người có nguy cơ chết đói, là điều không thể chấp nhận được.
Theo ông, báo cáo đã phản ánh thất bại về mặt nhân đạo khi thế giới nỗ lực đạt tiến bộ trong thực hiện mục tiêu chấm dứt tình trạng đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng cho tất cả mọi người.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hơn 40% số người cần lương thực khẩn cấp sống ở các nước gồm CHDC Congo, Ethiopia, Afghanistan, Nigeria và Yemen.
Năm 2021, thế giới có 193 triệu người trong tình trạng mất an ninh lương thực ở các mức độ khẩn cấp tập trung ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ./.
Nguồn: vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716053981