Quy trình thông quan hàng hóa tại Algeria
Chủ nhật, 30-4-2023AsemconnectVietnam - Thương vụ Việt Nam tại Algeria giới thiệu chi tiết về thủ tục thông quan (nhập khẩu) hàng hóa vào Algeria để các doanh nghiệp trong nước quan tâm tham khảo.
Theo đó, quy trình thông quan hàng hóa tại Algeria xoay quanh 02 điểm chính:
1. Hồ sơ thông quan bao gồm hóa đơn thanh toán tại ngân hàng Algeria, bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu, bản sao giấy chứng nhận mã số thuế do cơ quan thuế Algeria cấp và các chứng từ khác theo quy định hiện hành.
2. Quy trình thông quan gồm các bước: Khi hàng đến lãnh thổ Algeria, đại diện hãng tàu phải đến phòng hải quan cảng vụ để khai sơ bộ; Tiếp đó, người khai (chủ sở hữu hàng, công ty giao nhận hoặc hãng tàu được ủy quyền) sẽ khai báo chi tiết hàng nhập khẩu theo mẫu của Hải quan Algeria thành 5 bản; Hải quan cảng sẽ tiến hành kiểm tra tờ khai và kiểm tra hàng tại chỗ để bảo đảm việc khai báo là phù hợp. Cuối cùng, người khai sẽ làm thủ tục thanh toán thuế và phí trước khi lấy hàng.
Chi tiết xem :
Quy trình thông quan hàng hóa tại Algeria
Khai báo tạm thời với hải quan cảng
Bộ luật hải quan Algeria quy định hãng tàu quốc tế có nghĩa vụ phải khai báo tạm thời lô hàng tại phòng hải quan của cảng đến.
Việc khai báo cho phép cơ quan hải quan giám sát hàng hóa cho đến khi thông quan hoặc lấy hàng ra.
Bên cạnh đó, hãng tàu còn làm một thủ tục khác nữa là chuẩn bị thủ tục thông quan ngay khi hàng đến địa điểm kiểm soát hải quan.
Việc nhập khẩu bằng đường biển (điều 53 đến 59 bộ luật hải quan)
Hàng hóa trên tàu phải được khai thông tin trên tờ khai tại cảng (hay gọi là manifest).
Ngay khi tàu đến khu vực hải quan, thuyền trưởng phải xuất trình với lực lượng bảo vệ bờ biển nhật ký tàu, tờ khai hàng hóa hay mọi tài liệu thay thế để có visa (điều 53).
Tàu chỉ được cập cảng nơi có văn phòng của hải quan trừ trường hợp bất khả kháng được chứng minh theo quy định.
Ngay khi tàu vào cảng, thuyền trưởng phải xuất trình cho nhân viên hải quan nhật ký tàu và tờ khai lô hàng để xin visa.
Trong thời gian 24 h kể từ khi tàu đến cảng (trừ thứ 6 và ngày lễ), thuyền trưởng hoặc người đại diện phải nộp cho phòng hải quan tờ khai sơ bộ bao gồm :
- Tờ khai hàng hay manifest.
- Các khai báo khác theo yêu cầu của hải quan cảng.
Việc dỡ hàng
Việc dỡ hàng được thực hiện sau khi có giấy phép của cơ quan hải quan trước sự giám sát và có mặt của đại diện hải quan cảng.
Hàng hóa được đưa vào các kho chứa tạm thời và cảng cạn trong thời gian 15 ngày dưới sự kiểm tra của hải quan trong khi chờ được khai báo chi tiết.
Thủ tục thông quan
Thủ tục thông quan
Lập tờ khai chi tiết và đăng ký
Hàng hóa xuất, nhập khẩu đều phải khai chi tiết thành 05 bản, theo mẫu chung của Tổng cục hải quan Algeria.
Việc khai báo chi tiết phải làm bằng văn bản, được ký bởi người khai có thể là chủ hàng, công ty giao nhận hay hãng tàu được chủ hàng ủy quyền.
Tờ khai chi tiết bắt buộc phải gửi cho phòng hải quan có thẩm quyền lãnh thổ.
Việc gửi tờ khai phải thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký giấy cho phép dỡ hàng.
Những chứng từ gửi kèm theo tờ khai chi tiết gồm:
- Giấy phép đăng ký kinh doanh liên quan đến sản phẩm nhập khẩu;
- Mã số thuế do cơ quan thuế Algeria cấp;
- Hóa đơn thương mại khách hàng đã thanh toán cho ngân hàng mở tài khoản tại Algeria;
- Giấy ủy quyền của chủ hàng cho nhân viên giao nhận;
- Giấy kiểm định hàng (kiểm dịch động thực vật, chất lượng, hợp chuẩn…)
- Giấy phép (nếu có)
- Vận đơn
- Phiếu đóng gói hàng hóa
- Bảng kê các loại giấy tờ
Nộp tờ khai
Thời hạn nộp tờ khai chi tiết là 15 ngày kể từ khi hàng được dỡ khỏi tàu và đưa vào kho tạm thời và cảng cạn. Nếu quá thời hạn trên, hàng sẽ đương nhiên được đưa vào kho theo chế độ hải quan do bộ phận thu thuế hải quan quản lý trong thời gian 02 tháng. Việc đưa hàng vào kho hải quan dẫn tới việc nhà nhập khẩu phải nộp phạt (khoảng 850 USD/1 tháng), bên cạnh chi phí lưu kho bãi.
Nếu tổng thời gian hàng ở cảng quá 4,5 tháng kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà doanh nghiệp nhập khẩu không đủ điều kiện lấy hàng, hải quan có thể làm thủ tục bán đấu giá sung công quỹ Algeria.
Nộp tờ khai sớm
Việc khai chi tiết có thể nộp cho văn phòng hải quan trước khi hàng đến nhằm tạo điều kiện cho việc lấy hàng sớm.Trường hợp này chỉ áp dụng đối với hàng tươi sống, nguy hiểm và hàng có trọng lượng nặng.
Để được đăng ký, tờ khai phải được nhân viên hải quan chấp nhận.
Nếu tờ khai không được chấp nhận, hải quan sẽ đưa ra lý do.
Đăng ký tờ khai
Tờ khai được chấp nhận sẽ được cấp 01 số đăng ký, tương đương một văn bản pháp lý.Tờ khai đã đăng ký không thể được sửa đổi (điều 89 Bộ luật hải quan).
Sau khi đăng ký, các tờ khai sẽ cho phép phân luồng hàng hóa (xanh, da cam hay đỏ).
Kiểm tra tờ khai chi tiết
Sau khi đăng ký, các tờ khai sẽ được kiểm tra. Việc kiểm tra này nhằm:
- Kiểm soát nội dung khai báo và những chứng từ kèm theo.
- Thừa nhận về vật chất hàng hóa được miêu tả trong tờ khai chi tiết thông qua kiểm tra tại chỗ.
Điều 92 của Bộ luật hải quan quy định cơ quan hải quan có thể cho lấy hàng:
- Mà không cần kiểm tra ngay lập tức (luồng xanh)
- Sau khi kiểm tra chứng từ đi kèm tờ khai hải quan đã đăng ký
- Hoặc sau khi kiểm tra chứng từ và kiểm tra toàn bộ hoặc một phần hàng hóa đã khai báo.
- Đăng ký khai báo được thực hiện tự động qua hệ thống tin học, có nghĩa là hải quan đã công nhận đồng ý về hình thức
- Việc kiểm tra bao gồm toàn bộ những biện pháp pháp lý và pháp quy mà cơ quan hải quan thực hiện nhằm bảo đảm:
+ Việc khai báo là chính xác
+ Những chứng từ cung cấp hợp lệ
+ Hàng hóa phù hợp với những chỉ dẫn trong tờ khai và chứng từ
+ Khi được chấp nhận phù hợp, tờ khai sẽ được chuyển cho bộ phận phụ trách thu thuế để tiến hành thu thuế và phí hàng nhập khẩu.
Sự hiện diện của người khai báo khi hải quan kiểm tra hàng
Việc kiểm tra hàng hóa bắt buộc phải thực hiện trước sự chứng kiến của người khai báo. Nếu người khai báo không có mặt, thanh tra trưởng sẽ thông báo bằng thư bảo đảm ý định bắt đầu hoạt động kiểm tra hoặc tiếp tục kiểm tra nếu hoạt động này bị đình chỉ trước đó.
Nếu hết thời hạn 8 ngày sau khi thông báo, theo yêu cầu của cơ quan thu thuế hải quan, chánh án tòa án có thẩm quyền sẽ chỉ định một người để đại diện cho người khai vắng mặt để chứng kiến việc kiểm tra hàng. Sau đó, hải quan sẽ lập một biên bản kiểm tra.
Việc lấy mẫu hàng
Cán bộ thanh tra-kiểm tra có thể tiến hành lấy mẫu hàng với những mục đích sau:
- Xác định loại thuế hàng hóa đã khai khi thuế này chỉ có thể xác định hoặc kiểm tra sau khi xem xét hàng cẩn thận
- Xác định giá trị hoặc xuất xứ một số sản phẩm
- Chuẩn bị việc giám định trong trường hợp có sự khiếu nại của người nhập khẩu gửi tới ủy ban xét lại
- Việc lấy mẫu được thực hiện với sự chứng kiến của người khai báo hải quan. Sau khi xem xét, phân tích hay kiểm tra, các mẫu không bị hủy được trao lại cho người khai.
- Có thể cần đến phân tích hoặc giám định lần hai, lần ba, để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp liên quan. Kết quả phân tích hoặc giám định lần ba mang tính chất quyết định.
- Việc giám định kỹ thuật hoặc khoa học về hải quan do các phòng thí nghiệm thuộc Bộ Tài chính Algeria thực hiện.
- Các phòng thí nghiệm hoặc các chuyên gia do Cơ quan ủy nhiệm Algeria (ALGERAC) chỉ định theo quyết định của Bộ trưởng Tài chính.
- Chi phí liên quan đến giám định hay phân tích hàng theo yêu cầu hải quan do nhà nhập khẩu chịu (theo các điều 212 và 212 bis của Bộ Luật hải quan Algeria).
Soạn thảo giấy chứng nhận kiểm tra hàng
Sau khi hoàn thành việc kiểm tra hàng, thanh tra sẽ soạn thảo giấy chứng nhận thăm hàng.Chứng nhận này được xác định như một bản báo cáo trung thực và đầy đủ của hoạt động kiểm tra.
Thanh tra viên phải nêu kết quả kiểm tra và tùy theo trường hợp, có thể sử dụng những công thức sau:
- «Chấp nhận phù hợp dựa trên chứng từ» khi hàng hóa được khai báo mà không cần kiểm tra hàng
- « Chấp nhận phù hợp sau khi đi thăm hàng» khi hàng hóa khai báo được kiểm tra (trong đó có nêu loại thuế, xuất xứ, giá trị hàng được công nhận phù hợp)
- «Khai sai»
Trong trường hợp khai sai, sau khi kiểm tra hàng, nhân viên hải quan nhận thấy hàng hóa không phù hợp với tờ khai sẽ thông báo ngay cho người khai.
Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến các yếu tố về thuế (giá trị, loại thuế hay xuất xứ), nếu người khai không công nhận đánh giá của nhân viên hải quan có thể làm đơn khiếu nại lên ủy ban quốc gia xét lại theo điểu 13 Bộ luật hải quan. Đơn khiếu nại phải được làm thành văn bản và người khai phải thông báo cho bộ phận phụ trách thu thuế hải quan trong vòng 48 h sau khi gửi đơn (không tính thứ sáu và ngày lễ).
Theo điều 100 Bộ luật hải quan, bộ phận phụ trách thu thuế hải quan, ngay khi được thông báo việc khiếu nại, vẫn có thể cho giải phóng hàng hóa đang tranh chấp với điều kiện:
- Việc lấy hàng không cản trở đến hoạt động kiểm tra hàng của các thành viên ủy ban xét lại
- Hàng hóa không chịu các biện pháp cấm lấy hàng
- Tổng số thuế, phí và tiền phạt được bảo lãnh và đã được nhân viên hải quan công nhận bằng văn bản.
Thanh toán thuế và phí
Việc đăng ký khai báo có tác dụng pháp lý gắn người khai với cơ quan thuế. Do vậy, người khai buộc phải thực hiện cam kết và thanh toán thuế, phí theo quy định hiện hành vào ngày đăng ký khai báo chi tiết.
Việc lấy hàng
Khi thuế và phí đã được thanh toán hoặc bảo đảm, thanh tra hải quan sẽ cấp giấy nhận hàng để người khai có thể tiến hành mang hàng đi.Người khai xuất trình cho các bộ phận phụ trách thương mại phiếu giao hàng có đóng dấu ướt cho phép lấy hàng.
Nếu hàng tươi sống hoặc hàng tiêu dùng không được mang đi trong thời hạn quy định thì hải quan tiến hành đưa vào kho hải quan sau 15 ngày (kể từ ngày dỡ hàng) và nếu quá thời hạn 4 tháng tiếp theo, hàng sẽ bị tịch thu. Sau khi làm thủ tục với tòa án có thẩm quyền, hải quan sẽ tiến hành bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo quy định.
Việc bán đấu giá
Hải quan được phép bán đấu giá những hàng hóa bị tịch thu, từ bỏ hoặc đã nằm trong kho quá thời hạn (4,5 tháng). Việc bán đấu giá được tòa án có thẩm quyền quyết định. Trong thông báo bán có xác định cách thức đấu giá hàng.
Những người được phép tham gia đấu giá do hải quan Algeria tổ chức gồm:
- Mọi pháp nhân hoặc thể nhân không nằm trong danh mục những người bị cấm.
- Pháp nhân hoặc người đại diện hợp pháp muốn tham gia đấu giá phải mang theo thẻ căn cước và giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn còn giá trị có liên quan đến mặt hàng bán đấu giá.
Nhìn chung, điều kiện bán đấu giá hàng được quy định như sau :
- Người tham gia được phép đi xem hàng bán đấu giá 48h trước khi tổ chức bán vào giờ làm việc.
- Hàng được bán nguyên trạng không có bảo đảm từ phía hải quan. Do vậy, người mua không thể khiếu nại dù bất cứ lý do nào.
- Hàng hóa bán đấu giá được miễn mọi loại thuế, người mua trả giá cao nhất sẽ chiến thắng.
- Chi phí đăng ký và lấy hàng do người trúng đấu giá phải chịu.
- Người trúng đấu giá phải trả ngay khoản tiền cọc ít nhất bằng 20% tổng giá trị tiền đấu giá.
- Người trúng đấu giá phải lấy hàng trong vòng 48h sau khi bán.
- Hàng chỉ được giao cho người mua khi đã thanh toán toàn bộ tổng số tiền đấu giá.
- Phương thức thanh toán được sử dụng theo luật và quy định hiện hành.
- Các lô hàng đã bán đấu giá và được người mua thanh toán mà không được di dời trong thời hạn 8 ngày kể từ ngày bán sẽ được để lại nơi bán với những chi phí, rủi ro thuộc về người trúng đấu giá.
Trước khi tổ chức bán đấu giá, hải quan sẽ thông báo ít nhất là 10 ngày và nhiều nhất là 30 ngày thông qua các phương tiện:
- Thông báo trên tờ báo ra hàng ngày trên phạm vi cả nước
- Dán tại cửa ngoài của cơ quan thu thuế hải quan phụ trách việc bán đấu giá
- Dán tại các văn phòng hải quan và trụ sở của hội đồng nhân dân phường sở tại
- Thông báo trên đài phát thanh
Lưu ý :
- Tại Algeria, nhà nhập khẩu không trực tiếp làm thủ tục lấy hàng mà thuê một công ty giao nhận.
- Khi bị nằm trong danh sách gian lận quốc gia của Algeria (nợ, trốn thuế, gian lận thương mại, có vấn đề với hải quan, ngân hàng…), doanh nghiệp Algeria sẽ mất năng lực pháp lý để thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria
(Nguồn : Bộ Luật hải quan Algeria 2021)
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Algeria
Quy định về ghi nhãn và hàm lượng tái chế sản phẩm nhựa tại Canada
Quy trình và thủ tục cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng tại Ấn Độ
Phi-líp-pin thông báo điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng vỏ bình ga bằng thép nhập khẩu
EU kích hoạt kế hoạch cải cách luật quản lý ngành dược phẩm
Một số lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Algeria
Indonesia chưa thể áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường
Những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Canada năm 2023
Cập nhật Quy định mới về các mặt hàng nhập khẩu vào Myanmar phải có giấy phép nhập khẩu
Indonesia khởi xướng rà soát cuối kỳ lần thứ 2 về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm màng BOPP có xuất xứ từ Thái Lan và Việt Nam
EU sửa đổi Quy định 396/2005 về dư lượng tối đa đối với Clothianidin và Thiamethxam trên và trong một số sản phẩm nhất định
Giới thiệu một số quy định về nhãn mác bắt buộc đối với hàng công nghiệp khi vào thị trường Bắc Âu - Phần 3: nhãn CE
Hungary thu hồi bột mì nguyên cám nhãn hiệu Bauck Hof
Giới thiệu một số quy định nhãn mác bắt buộc đối với hàng công nghiệp khi vào thị trường Bắc Âu - Phần 2: phân loại, ghi nhãn và đóng gói (CLP)
Hoa Kỳ gia hạn điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với gỗ dán