Thị trường ngô thế giới tháng 4/2023 và dự báo
Thứ sáu, 28-4-2023AsemconnectVietnam - Giá ngô tại các thị trường xuất khẩu chính trên thế giới trong tháng 4/2023 biến động nhẹ so với tháng 3/2023.
Giá ngô Mỹ tăng, trong khi giá ngô Brazil và Ukraine giảm nhẹ, giá ngô Achentina hầu như không thay đổi. Giá ngô Mỹ tăng 11 USD/tấn lên 298 USD/tấn. Doanh số bán ngô của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng kể từ đầu tháng 3/2023, cải thiện triển vọng xuất khẩu của Mỹ và một phần hỗ trợ giá cao hơn. Giá ngô của Brazil giảm 5 USD/tấn xuống 288 USD/tấn. Tháng 4 là một tháng quan trọng đối với sự phát triển cây trồng ở Trung Tây của Brazil, một vùng trồng ngô trọng điểm. Giá ngô của Achentina không đổi so với tháng trước ở mức 301 USD/tấn. Giá ngô Achentina tăng cao phản ánh nguồn cung khan hiếm do hạn hán lan rộng. Giá ngô của Ukraine giảm 13 USD/tấn xuống 243 USD/tấn. Khối lượng xuất khẩu đường bộ lớn cho các đối tác ở Liên minh Châu Âu và xuất khẩu theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI), được gia hạn ít nhất 60 ngày vào ngày 18/3/2023 làm giảm giá ngô Ukraine.
Trong báo cáo công bố tháng 4/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giảm dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2022/2023 so với tháng trước do sản lượng giảm mạnh ở Achentina và EU, ngược lại tăng ở Nga.
Thương mại toàn cầu được dự báo thấp hơn trong tháng này do xuất khẩu giảm ở Achentina, Miến Điện, Mexico và Serbia chỉ được bù đắp một phần nhờ xuất khẩu tăng từ Nga và Ukraine. Nhập khẩu toàn cầu cũng được dự báo thấp hơn với việc cắt giảm ở Ai Cập, Thái Lan, Mỹ và Venezuela, ngược lại nhập khẩu cao hơn ở EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay.
Dự trữ ngô cuối kỳ toàn cầu thấp hơn chủ yếu do sự sụt giảm của Ukraine, EU, Mexico và Serbia, được bù đắp một phần bởi sự gia tăng của Nga và Brazil. Dự trữ ngô cuối vụ toàn cầu ước tính ở mức 295,3 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn so với tháng trước.
Đối với Mỹ, USDA dự báo ngô nhập khẩu và sử dụng làm thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI) của Mỹ trong niên vụ 2022/23 giảm và lượng dự trữ cuối kỳ không đổi. Nhập khẩu ngô của Mỹ ước tính giảm 10 triệu bushels.
Lượng ngô sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác không thay đổi ở mức 5,275 tỷ bushels. Ngô làm thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI) giảm 10 triệu bushels do giảm sử dụng để sản xuất glucose, dextrose và tinh bột. Nguồn cung cấp và sử dụng cùng giảm nên dự trữ cuối kỳ không đổi ở mức 1,342 tỷ bushels.
Đối với Achentina, sản lượng ngô giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm do nắng nóng tiếp tục trong tháng 3 làm giảm triển vọng năng suất đối với ngô trồng muộn, mặc dù có mưa tại một số nơi.
Sàn giao dịch ngũ cốc Rosario của Achentina cũng cắt giảm dự báo sản lượng ngô của Achentina xuống 32 triệu tấn, giảm so với mức 35 triệu tấn ước tính trước đó.
Sản lượng ngô của EU dự báo giảm, chủ yếu do sự sụt giảm của Hungary, Ý và Bulgary, được bù đắp một phần bởi sự gia tăng của Đức và Ba Lan.
Sản lượng ngô của Nga dự báo cao hơn nhờ sự gia tăng cả về diện tích và sản lượng.
Nhu cầu ngô của Mexico đối với ngô Mỹ vẫn mạnh trong niên vụ 2022/2023.
Theo báo cáo tháng 4/2023 của USDA, trong 7 tháng đầu niên vụ 2022/23 (tháng 9/2022 đến tháng 3/2023), tổng các lô hàng và doanh số bán ngô của Mỹ sang Mexico đạt 13,5 triệu tấn. Đây là mức cao thứ ba được ghi nhận, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của Mexico đối với nguồn cung của Mỹ. Trong năm 2021/22, Mexico là thị trường xuất khẩu ngô lớn nhất của Mỹ, chiếm hơn 1/4 tổng lượng ngô xuất khẩu của Mỹ.
Mexico duy trì nhập khẩu ngô của Mỹ để đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng. Phần lớn sản lượng ngô của Mexico là ngô trắng dùng làm thực phẩm, nhưng 90-95% ngô vàng dùng làm thức ăn chăn nuôi và một số ứng dụng công nghiệp được nhập khẩu từ Mỹ.
Việc thiếu mưa ở các khu vực chiếm tới 2/3 diện tích trồng ngô của Mexico đã hạn chế sản xuất ngô, buộc nước này phải nhập khẩu ngô vàng đáng kể từ Mỹ để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng. Ngoài ra, theo dữ liệu của IGC, giá ngô Mỹ rẻ hơn giá ngô của Achgentina và Brazil cũng là một lợi thế. Giá ngô Mỹ trung bình ở mức 265 USD/tấn trong năm qua, rẻ hơn từ 10-20 USD/tấn so với giá tương ứng từ Achentina và Brazil.
Giá cả cạnh tranh được hỗ trợ bởi Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và hậu cần chi phí thấp nhờ cơ sở hạ tầng đường sắt Mỹ-Mexico. USMCA duy trì thương mại miễn thuế và hạn ngạch giữa Mỹ và Mexico. Theo báo cáo chỉ số Chi phí Vận tải của AMS Mexico, 60% lượng ngô xuất khẩu của Mỹ sang Mexico được vận chuyển bằng đường sắt vào năm 2022.
Cách thức vận chuyển phong phú cho phép các nhà xuất khẩu bù đắp một phần tác động của sự gián đoạn vận chuyển, chẳng hạn như chi phí cao do tắc nghẽn hậu cần trong đại dịch COVID-19 hoặc chi phí sà lan tăng do mực nước ở Mississippi thấp hơn. Theo dữ liệu từ IGC, giá vận chuyển trung bình đối với các lô hàng ngô Mỹ đến cùng một điểm đến ở Mexico rẻ hơn từ 20 USD/tấn đến 40 USD/tấn so với nguồn cung từ Brazil hoặc Achentina trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 trong 4 năm qua.
Giá ngô trên thị trường thế giới sẽ giữ ở mức cao vì nguồn cung ngô toàn cầu gặp nhiều khó khăn do sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán (chủ yếu ở Achentina, sản lượng dự kiến giảm mức thấp nhất trong 5 năm) và dự trữ cuối kỳ toàn cầu giảm sẽ hỗ trợ giá ngô thời gian tới.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
Cơ quan Năng lượng Quốc tế: Nhu cầu xe điện tăng mạnh trong năm 2023
Hiệp hội lương thực dự báo giá gạo vẫn ở mức tốt trong ngắn hạn
Hà Lan và Anh sẽ xây dựng một tuyến cáp dưới biển để trao đổi năng lượng sạch
Tổng quan thị trường Áo
Thị trường hàng hóa thế giới ngày 26/4: Giá cao su giảm toàn thị trường châu Á, giá tiêu khởi sắc
Ngân hàng Thế giới: Giá lương thực vẫn ở mức cao trên toàn thế giới
LHQ đề xuất phương án giải quyết thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen chưa mang lại điều gì tích cực cho Nga
Mỹ đề nghị Hàn Quốc không tăng lượng chip bán cho Trung Quốc
Triển vọng kinh tế toàn cầu kém sáng sủa kéo giá dầu châu Á giảm
Nhập khẩu đậu tương tháng 3/2023 của Trung Quốc tăng 8% so với cùng kỳ
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ tăng mạnh trong tháng 3/2023
G7 kêu gọi tuân thủ đầy đủ, mở rộng phạm vi thỏa thuận về ngũ cốc
Trung Quốc dự định bơm hơn 7 tỷ USD để nâng cấp chuỗi cung ứng chip