Thứ năm, 28-11-2024 - 9:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường lúa mì thế giới tháng 3/2023 và dự báo 

 Thứ sáu, 31-3-2023

AsemconnectVietnam - Giá lúa mì thế giới tháng 3/2023 giảm ở các nước xuất khẩu lớn so với tháng 02/2023.

Cụ thể, lúa mì Mỹ giảm nhiều nhất 27 USD/tấn xuống 364 USD/tấn do cạnh tranh mạnh mẽ về giá từ các đối tác và thời tiết thuận lợi. Lúa mì Canada giảm 25 USD/tấn xuống 348 USD/tấn. Lúa mì Úc giảm 22 USD/tấn xuống 339 USD/tấn với vụ mùa đạt kỷ lục. Lúa mì Achentina giảm 16 USD/tấn xuống 357 USD/tấn nhưng vẫn ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh do vụ mùa bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Lúa mì Nga giảm 10 USD/tấn xuống 295 USD/tấn do nguồn cung dồi dào và lúa mì của EU giảm 21 USD/tấn xuống 300 USD/tấn do cạnh tranh gia tăng từ Biển Đen.
Báo cáo tháng 3/2023 của USDA dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu vụ 2022/23 tăng so với tháng 02/2023, chủ yếu do vụ mùa lớn hơn ở Kazakhstan, Úc và Ấn Độ. Thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng với xuất khẩu cao hơn, chủ yếu từ Kazakhstan, Úc và Brazil, ngược lại xuất khẩu nhỏ hơn ở Achentina và Ấn Độ. Nhập khẩu được dự báo tăng chủ yếu do nhu cầu cao hơn từ Kazakhstan, Ả Rập Saudi và Azerbaijan.
Dự trữ lúa mì được dự báo thấp hơn, tiếp tục giảm trong nhiều năm.
Triển vọng lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 trong tháng này là nguồn cung ít hơn, thương mại và tiêu dùng tăng lên cũng như tồn kho cuối kỳ thấp hơn.
Nguồn cung lúa mì giảm nhẹ do sản lượng tăng gần như bù đắp cho lượng dự trữ ban đầu giảm, chủ yếu do lượng thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác của Trung Quốc niên vụ 2020/21 tăng.
Sản lượng toàn cầu dự báo tăng 5,1 triệu tấn lên 788,9 triệu tấn chủ yếu nhờ tăng ở Kazakhstan, Úc và Ấn Độ.
Sản lượng lúa mì ở Kazakhstan hiện được dự báo là 16,4 triệu tấn, cao hơn 2,4 triệu tấn so với tháng trước và là vụ thu hoạch lớn nhất kể từ niên vụ 2011/12. Thương mại thế giới tăng 1 triệu tấn lên 213,9 triệu tấn chủ yếu do tăng ở Kazakhstan, Úc và Brazil nhiều hơn mức giảm đối với Achentina và Ấn Độ.
Dự trữ cuối kỳ toàn cầu giảm 2,1 triệu tấn xuống còn 267,2 triệu tấn, do dự trữ nhỏ hơn ở Trung Quốc, ngược lại tăng ở Achentina, Kazakhstan và Úc.
Đối với Mỹ, triển vọng cung và cầu đối với lúa mì niên vụ 2022/23 không thay đổi so với tháng trước.
Tại Kazakhstan, USDA dự báo sản lượng lúa mì của Kazakhstan đạt 16,4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, vụ mùa lớn nhất kể từ mức kỷ lục 22,7 triệu tấn trong niên vụ 2011/12. Với nguồn cung dồi dào, xuất khẩu lúa mì của Kazakhstan dự báo đạt 10,5 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm trước.
Kazakhstan là nhà cung cấp chính cả hạt lúa mì và bột mì cho Trung Á, chiếm gần 100% thị phần ở Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan. Nước láng giềng Uzbekistan là nước tiêu thụ lúa mì lớn nhất của Kazakhstan, bổ sung cho sản xuất trong nước bằng nguồn cung của Kazakhstan. Kazakhstan cũng cạnh tranh với Nga ở Iran và Azerbaijan.
Cho đến nay trong năm thương mại 2022/23, Kazakhstan đã vận chuyển một lượng lớn hạt lúa mì và bột mì tới các điểm đến truyền thống này, xuất khẩu hơn 1 triệu tấn mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Xuất khẩu từ tháng 7 đến tháng 12/2022 tới các điểm đến hàng đầu của nước này tăng 600.000 tấn so với năm trước, trong đó Afghanistan và Azerbaijan có mức tăng lớn nhất.
Với nguồn cung dồi dào từ cả Kazakhstan và Nga, nhập khẩu của Afghanistan, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đều được điều chỉnh cao hơn trong tháng này. Nhập khẩu lúa mì niên vụ 2022/23 của Kazakhstan cũng được dự báo tăng trong tháng này lên 2 triệu tấn.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu tăng 2 triệu tấn lên 793,2 triệu tấn, chủ yếu là do sự gia tăng trong sử dụng lúa mì làm thực phẩm, hạt giống và công nghiệp của Ấn Độ và sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác của Kazakhstan tăng.
Pakistan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng dân số cao nhất thế giới, nhưng sản lượng lúa mì trong nước không tăng tương ứng, càng trầm trọng hơn do lũ lụt và quá trình đô thị hóa.
Nhập khẩu lúa mì của Pakistan từ Nga đã tăng hơn 8 lần do nguồn cung từ Ukraine bị gián đoạn. Trong tám tháng đầu tiên của năm tiếp thị 2022/23, Pakistan, quốc gia đông dân thứ năm trên thế giới, đã vươn lên vị trí nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ năm của Nga.
Ukraine là nhà cung cấp lúa mì chính cho Pakistan trong năm tiếp thị 2021/22 với lượng xuất khẩu sang nước này đạt 1,3 triệu tấn. Nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung này, khiến Nga trở thành nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu sang Pakistan. Nga đã cung cấp gần 1,5 triệu tấn lúa mì trong năm tiếp thị hiện tại.
Chính phủ Pakistan đã hạn chế khu vực tư nhân nhập khẩu lúa mì và lúa mì đã được mua trong những tháng gần đây theo thỏa thuận giữa Liên bang Nga và chính phủ.
Việc phân phối lúa mì của chính phủ cho các nhà máy bột mì được kiểm soát để đảm bảo có đủ lúa mì trong suốt cả năm. Chính phủ Pakistan đã trấn an công chúng rằng tổng lượng lúa mì nhập khẩu ước tính khoảng 2,6 triệu tấn sẽ đủ để duy trì nguồn cung trong nước cho đến khi vụ thu hoạch niên vụ 2023/24 bắt đầu vào tháng 4/2023. Bộ An ninh Lương thực Quốc gia có thể điều chỉnh nguồn cung cấp để giải quyết bất kỳ tình trạng thiếu lúa mì nào.
Bất chấp những lời trấn an này, Pakistan đang phải đối mặt với mức thâm hụt ròng lúa mì là 2,37 triệu tấn, nghĩa là nước này đang sản xuất ít lúa mì hơn mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước, điều này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng bột mì tồi tệ nhất. Tổng tiêu thụ lúa mì của Pakistan đã tăng lên hàng năm, đạt 29,2 triệu tấn trong năm tiếp thị hiện tại, trong khi sản xuất trong nước giảm xuống còn 24,4 triệu tấn. Do đó, Pakistan cần nhập khẩu thêm lúa mì từ các nước khác để bù đắp cho sự thiếu hụt.
Khi tháng lễ Ramadan đang đến gần, tình trạng thiếu lúa mì ngày càng trở nên bấp bênh. Roti và naan là thực phẩm chủ yếu ở Pakistan và rất cần thiết trong tháng Ramadan.
Giá lúa mì sẽ tương đối ổn định trong thời gian tới nhờ nguồn cung dồi dào ở Kazakhstan, Nga và Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tiếp tục được gia hạn.
N.Nga
Nguồn: VITIC/Reuters/USDA/Spglobal

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716071203