Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040
Thứ hai, 21-11-2022AsemconnectVietnam - Ngày 27/10/2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hội, hiệp hội chuyên môn; lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương. Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì hội nghị.
Tóm tắt thuyết minh Đồ án, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - đơn vị tư vấn cho biết, thành phố Hải Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Hải Dương; có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đối với vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cạnh vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, Hải Dương có lợi thế rất lớn về giao thương với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong vùng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Dương được xác định là đô thị trung tâm cấp vùng phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của Nam, Đông Nam Đồng bằng Sông Hồng.
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hải Dương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt theo Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 04/7/2017. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, diện mạo đô thị Hải Dương, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã có nhiều biến chuyển tích cực. Bên cạnh đó, một số bất cập đã bộc lộ cần được xem xét, điều chỉnh để phù hợp thực tiễn phát triển hiện nay.
Phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Dương theo Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 ngày 16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, bao gồm 19 phường và 6 xã với tổng diện tích tự nhiên là 111,68 km2, dân số 358.520 người (năm 2021).
Quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển Thành phố Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững; xây dựng thành phố Hải Dương hướng tới một đô thị xanh, thông minh; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.
Về mô hình và cấu trúc phát triển đô thị, thành phố Hải Dương phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, lấy sông Thái Bình là trục không gian phát triển chính của thành phố với 2 hướng phát triển chính: hướng xuống phía Nam sông Sặt, Tây sông Thái Bình (là hướng phát triển các khu vực đô thị, với các chức năng chính về giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hướng phát triển thứ hai về phía Đông Bắc thành phố, phát triển đô thị sinh thái và hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với Thủ đô Hà Nội phát triển du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp.
Không gian Thành phố Hải Dương được chia thành 6 khu vực phát triển: Khu trung tâm đô thị hiện hữu có chức năng là khu vực hành chính - chính trị của tỉnh; không gian sông Thái Bình (khai thác không gian cảnh quan dọc bờ sông Thái Bình hình thành những dải dịch vụ du lịch, thương mại là nét đặc trưng về hình thái đô thị cho thành phố Hải Dương); khu phát triển đô thị văn hóa, thể thao, giáo dục và y tế mới phía Tây Nam; khu phát triển đô thị xanh, thông minh phía Nam (phát triển các khu đô thị mới gắn với mô hình đô thị xanh, thông minh, sinh thái đan xen các khu dân cư hiện hữu, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao); khu đô thị sinh thái gắn với dịch vụ nông nghiệp cửa ngõ phía Đông, phát triển đô thị dịch vụ kết hợp phát triển du lịch; khu vực phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc.
Cùng với những định hướng về quy hoạch không gian, mô hình và cấu trúc phát triển đô thị, Đồ án cũng đưa ra những định hướng về quy hoạch sử dụng đất; thiết kế đô thị; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch giao thông; quy hoạch cấp thoát nước, quy hoạch không gian ngầm; đánh giá môi trường chiến lược; các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư…
Tại hội nghị, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đều thống nhất với sự cần thiết lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040, đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong quá trình nghiên cứu, lập Đồ án. Theo Hội đồng, tư vấn đã tổng hợp được nhiều thông tin, số liệu cần thiết, có tính thuyết phục cao, đề xuất được nhiều giải pháp mang tính kết nối đa ngành, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về chú trọng tích hợp trong công tác quy hoạch.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Đồ án, Hội đồng góp ý tư vấn cần rà soát căn cứ pháp lý, lược bỏ một số văn bản đã hết hiệu lực và cập nhật những văn bản mới liên quan; làm rõ lý do, cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch; làm rõ khả năng tiêu thoát nước của hệ thống sông hồ, kênh rạch, cấu trúc phát triển đô thị của Hải Dương. Đồ án cần bổ sung định hướng di dời cơ sở sản xuất khỏi khu vực nội thị để tăng diện tích không gian công cộng, cây xanh; cân nhắc việc xác định sông Sặt là trục cảnh quan quan trọng; rà soát tính nhất quán về số liệu trong các văn bản; bổ sung đánh giá năng lực vận tải của hệ thống giao thông và nhu cầu giao thông của thành phố; phân tách giao thông đối ngoại và giao thông đô thị; xác định rõ quy mô, tính chất các hồ điều hoà; chú trọng bảo vệ môi trường, các giải pháp tái chế rác thải và các nội dung liên quan đến phát triển đô thị thông minh.
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, trong đó chú trọng rà soát căn cứ pháp lý lập quy hoạch, đảm bảo thống nhất các cấp độ quy hoạch; bám sát chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040; làm rõ việc áp dụng những tiêu chí đô thị xanh, thông minh ở đô thị Hải Dương; cơ sở khoa học của các dự báo về tăng dân số, sử dụng đất; làm rõ những nội dung kế thừa và nội dung điều chỉnh trong mô hình phát triển đô thị; sớm hoàn thiện thuyết minh Đồ án, dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để UBND tỉnh Hải Dương trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Nguồn: Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng
Hải Dương phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp hỗ trợ vào năm 2030
Hải Dương bổ sung hơn 280 ha đất cho 83 dự án, công trình năm 2022
Ứng dụng chuyển đổi số và TMĐT trong các hợp tác xã tỉnh Hải Dương
Hải Dương: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc cuối năm
Hải Dương: Triển khai xây dựng hạ tầng 6 khu công nghiệp
Hải Dương phấn đấu tăng 5 bậc trong xếp hạng chỉ số PCI
Hải Dương: Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để bứt phá
Hải Dương: Tạo sức hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil giảm 2 con số
Tính đến giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Brazil đạt giá trị 10,5 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ...Điểm tên 9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương 2 tháng ...
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 2 và ...